Thứ ba, ngày 21/1/2025

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Bỉ S.Mi-xen

Thứ Năm 18/10/2018 16:15

Xem với cỡ chữ
Nhận lời mời của Thủ tướng Bỉ Sác-lơ Mi-xen, chiều 16-10, giờ địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới thủ đô Brúc-xen, bắt đầu chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ. Tại Cung điện Palais d’Egmont, Thủ tướng Bỉ S.Mi-xen chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam, với nghi lễ trang trọng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Bỉ S.Mi-xen. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)

* Sau lễ đón chính thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Bỉ S.Mi-xen đã tiến hành hội đàm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn về sự đón tiếp trọng thị và chu đáo mà Chính phủ Bỉ dành cho Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Bỉ; cảm ơn về sự quan tâm và ủng hộ của Thủ tướng S.Mi-xen và Chính phủ Bỉ đối với sự phát triển quan hệ giữa hai nước. Thủ tướng S.Mi-xen nhấn mạnh, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay trước thềm Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM) lần thứ 12 và trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Bỉ phát triển mạnh mẽ.

Hai Thủ tướng đánh giá quan hệ Việt Nam - Bỉ thời gian qua có những bước phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, cả cấp trung ương và cấp vùng, cộng đồng, tạo ra các mối hợp tác đa dạng, phong phú, bổ sung cho nhau và phát huy được các thế mạnh của cả hai bên. Hai bên thống nhất cần tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời Thủ tướng S.Mi-xen thăm Việt Nam và Thủ tướng S.Mi-xen vui vẻ nhận lời.

Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế, duy trì các cơ chế hợp tác, như Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Bỉ về hợp tác kinh tế, để định hướng quan hệ kinh tế, xác định trọng tâm ưu tiên, nâng cao hiệu quả các dự án và hiệu quả phối hợp giữa các cơ chế hợp tác. Thủ tướng S.Mi-xen cho rằng, quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Bỉ tiếp tục phát triển thuận lợi, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2,7 tỷ USD năm 2017, sẽ là động lực để thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư của Bỉ tại Việt Nam. Thủ tướng S.Mi-xen khẳng định ủng hộ việc sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để bảo đảm các lợi ích thiết thực cho EU, tạo cầu nối và điển hình gắn kết chặt chẽ giữa châu Âu và khu vực Ðông - Nam Á, cũng như châu Á - Thái Bình Dương.

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần phối hợp tạo điều kiện cho kết nối hợp tác và kinh doanh giữa các đối tác hai nước, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh của Bỉ và Việt Nam có nhu cầu, như vận tải, cảng biển, dịch vụ hậu cần, công nghệ xanh, nông nghiệp, dược phẩm, năng lượng tái tạo... Hai Thủ tướng đánh giá việc ký thỏa thuận thiết lập quan hệ Ðối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam - Bỉ, cũng như hợp tác trong lĩnh vực vệ sinh, an toàn thực phẩm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản Việt Nam chất lượng cao tiếp cận thị trường Bỉ và ngược lại, đồng thời hỗ trợ ngành nông nghiệp hai nước mở rộng sản xuất và phát triển đáp ứng các yêu cầu bền vững, cũng như ứng dụng công nghệ cao.

Hai bên nhất trí, hai nước cần tiếp tục phát huy các thành quả của hợp tác phát triển cũng như hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, tư pháp, trao đổi văn hóa, đồng thời cùng nỗ lực tìm phương thức hợp tác mới, hiệu quả. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Bỉ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Bỉ hội nhập tốt và ổn định cuộc sống.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng S.Mi-xen nhấn mạnh, hai nước cần tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh quan điểm và vai trò tích cực của EU nói chung và Bỉ nói riêng về vấn đề Biển Ðông. Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh ở Biển Ðông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

* Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng S.Mi-xen đã cùng gặp gỡ báo chí, thông báo một số kết quả của cuộc hội đàm. Hai Thủ tướng nhấn mạnh, cuộc hội đàm thành công tốt đẹp và hai bên đã thống nhất thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Hai bên nhất trí cho đây là thời điểm quan trọng để thông qua các thỏa thuận hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp hai nước. Hai bên cũng thảo luận nhiều vấn đề quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Bỉ; thảo luận về hợp tác giáo dục - đào tạo và trao đổi hợp tác trong lĩnh vực này. Hai bên cũng đã thảo luận về thúc đẩy EVFTA và Bỉ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này. Hai nước sẽ cùng nhau thúc đẩy hòa bình và an ninh tại Biển Ðông, phản đối các hành động đơn phương, vi phạm luật pháp quốc tế...

* Hai Thủ tướng cũng chứng kiến các cơ quan, doanh nghiệp hai nước ký kết một số văn kiện hợp tác song phương, trong các lĩnh vực nông nghiệp, an toàn thực phẩm, cảng biển và một số lĩnh vực khác, bao gồm: Thỏa thuận Ðối tác chiến lược giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Bỉ về lĩnh vực nông nghiệp; Bản ghi nhớ hợp tác nâng cao năng lực vệ sinh an toàn thực phẩm giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cơ quan Liên bang về an toàn thực phẩm Bỉ (FASFC); Bản ghi nhớ về thiết lập cơ chế tham vấn chính trị song phương giữa Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Hợp tác phát triển Vương quốc Bỉ; Bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu cảng hàng rời thông minh tại Hải Phòng giữa Công ty Hateco của Việt Nam và Tập đoàn Rent-A-Port của Bỉ; Bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu đầu tư, phát triển cảng biển giữa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Rent-A-Port.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng, Chủ tịch vùng Oa-lô-ni Uy-li Boóc-xuy. Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam coi trọng mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với các vùng, cộng đồng ở Bỉ; đánh giá cao Oa-lô-ni chọn Việt Nam là nơi đặt Phái đoàn của vùng từ năm 1996, đến nay trở thành một đối tác năng động của Việt Nam. Thủ tướng hoan nghênh việc hai bên thực hiện nhiều dự án hợp tác có hiệu quả trong các lĩnh vực y tế, văn hóa, nghệ thuật, dạy nghề, môi trường, bảo vệ di sản, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; mong muốn các doanh nghiệp lớn của Bỉ tiếp tục quan tâm hợp tác đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Bỉ và vùng Oa-lô-ni.

Bộ trưởng, Chủ tịch vùng Oa-lô-ni khẳng định, vùng Oa-lô-ni luôn coi Việt Nam là đối tác ưu tiên tại khu vực Ðông - Nam Á; chia sẻ về nhiều lĩnh vực hai bên có thể hợp tác, trong đó có lĩnh vực thế mạnh của vùng như chế biến nông sản, thực phẩm…; nhấn mạnh chính quyền vùng ủng hộ việc sớm ký và phê chuẩn EVFTA, nhằm tạo thuận lợi cho các mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Bỉ và vùng Oa-lô-ni. Lãnh đạo vùng Oa-lô-ni đánh giá cao cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ hội nhập và có đóng góp vào kinh tế - xã hội sở tại.

* Sáng 17-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng, Chủ tịch vùng Phlăng-đơ Ghi Buốc-doa. Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và vùng Phlăng-đơ có nhiều bước phát triển tích cực và năng động. Vùng Phlăng-đơ đang có nhiều dự án triển khai hiệu quả ở Việt Nam trong các lĩnh vực cảng biển, hậu cần cảng biển, năng lượng tái tạo, khai khoáng, góp phần quan trọng vào sự phát triển của quan hệ hợp tác đa dạng giữa Việt Nam và Bỉ. Thủ tướng đề nghị, Bộ trưởng cùng chính quyền vùng Phlăng-đơ tạo điều kiện cho việc kết nối hợp tác, đầu tư giữa các đối tác hai bên.

Bộ trưởng, Chủ tịch vùng Phlăng-đơ nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác hàng đầu của vùng Phlăng-đơ tại khu vực Ðông - Nam Á và vùng Phlăng-đơ mong muốn đưa quan hệ hợp tác với Việt Nam phát triển sâu rộng hơn, tăng gấp đôi kim ngạch thương mại giữa hai bên, tạo những bước phát triển mới về hợp tác nghiên cứu, giáo dục - đào tạo, giao thông vận tải. Phlăng-đơ ủng hộ việc sớm ký và phê chuẩn EVFTA, coi đây là cơ hội lớn cho việc phát triển thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU.

* Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng, Chủ tịch vùng Phlăng-đơ G.Buốc-doa đã chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và chính quyền vùng Phlăng-đơ.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp Chủ tịch Hạ viện Bỉ X.Brắc-kê. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về sự phát triển toàn diện của quan hệ Việt Nam - Bỉ sau 45 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn về sự ủng hộ của Hạ viện Bỉ đối với sự phát triển quan hệ Việt Nam - Bỉ; đồng thời nhấn mạnh, trao đổi, hợp tác giữa nghị viện hai nước là một nhân tố quan trọng góp phần củng cố và tăng cường các mối quan hệ song phương.

Chủ tịch Hạ viện Bỉ đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là về xóa đói, giảm nghèo; nhấn mạnh rằng, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Bỉ phát triển mạnh mẽ; khẳng định Hạ viện Bỉ ủng hộ việc tăng cường sâu rộng hơn nữa hợp tác Việt Nam - Bỉ ở tất cả các cấp, ở cấp trung ương cũng như cấp vùng, cộng đồng. Chủ tịch Hạ viện Bỉ hoan nghênh việc thắt chặt hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp, đánh giá đây là một hợp tác rất thiết thực và đáp ứng được yêu cầu phát triển của hai nước.

Hai bên nhất trí cần nỗ lực khai thác hết các tiềm năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác, như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, vận tải biển, năng lượng sạch. Chủ tịch Hạ viện Bỉ ủng hộ và khẳng định, sẽ nỗ lực thúc đẩy và tích cực vận động để có thể sớm ký và phê chuẩn EVFTA vì đó là lợi ích của tất cả các bên; việc ký kết hiệp định quan trọng này sẽ tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên EU, trong đó có Bỉ. Chủ tịch X.Brắc-kê bày tỏ ủng hộ lập trường của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực, cũng như sự phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc.

* Ngày 17-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu ý kiến tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - EU - Bỉ, với sự tham gia của gần 250 doanh nghiệp Việt Nam, Bỉ và châu Âu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Bỉ là nền kinh tế công nghệ cao, dịch vụ đa dạng và giá trị gia tăng cao, là trung tâm của châu Âu, thị trường rộng lớn, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Bỉ và đầu tư của Bỉ vào Việt Nam không ngừng tăng thời gian qua. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đã tăng 10 lần trong gần 10 năm qua, có thể đạt hơn 53 tỷ USD trong năm 2018. Hiệp định EVFTA khi có hiệu lực sẽ mở cánh cửa rộng lớn để doanh nghiệp hai bên phát huy tiềm năng hợp tác to lớn.

Thủ tướng giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của Việt Nam có thể mang lại lợi ích cho nhà đầu tư Bỉ và EU, như tình hình chính trị, xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, liên tục tăng trưởng cao. Cùng EVFTA sắp được ký kết, Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước; cam kết tạo mọi thuận lợi để kết nối cộng đồng doanh nghiệp, tạo kỳ tích mới trong hợp tác và thành công, vì lợi ích của doanh nghiệp và người dân.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và quan chức hai nước cùng chứng kiến lễ ký và trao các văn kiện hợp tác.

* Trưa cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp, làm việc với một số doanh nghiệp hàng đầu của EU và Bỉ đang có hoạt động kinh doanh, đầu tư với Việt Nam. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp các đại diện của Tập đoàn Solveigh và Tập đoàn Nijhuis của Hà Lan. Ðây là những doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực chống xói mòn, khai thác và sử dụng các vấn đề về nước và đang nghiên cứu, hợp tác triển khai một dự án ứng phó biến đổi khí hậu tại miền trung Việt Nam. Thủ tướng hoan nghênh các tập đoàn Solveigh, Nijhuis và các đối tác Hà Lan đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu và đưa ra một số giải pháp hạn chế xói lở bờ biển tại Việt Nam. Ðây là việc làm cụ thể nhằm triển khai các nội dung hợp tác trong khuôn khổ Ðối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước giữa Việt Nam và Hà Lan.

* Trong chương trình hoạt động dày đặc từ ngày 14-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Bộ trưởng và Ðoàn công tác của Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các đối tác song phương và lãnh đạo của Liên hiệp châu Âu (EU). Một trong những nội dung nổi bật là việc hai bên cùng nỗ lực thúc đẩy sớm ký kết, phê chuẩn và đưa vào hiệu lực Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA).

Kết quả rất tích cực là 12 giờ trưa ngày 17-10, Ủy ban châu Âu (EC) đã kết thúc phiên họp và thống nhất thông qua việc trình Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức EVFTA (dự kiến cuối năm 2018) và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn (đầu 2019). Ngay chiều 17-10, EC đã họp báo chính thức công bố thông tin tích cực này và khẳng định cam kết sẽ thúc đẩy đưa Hiệp định vào thực thi trong thời gian sớm nhất.

Ðây là kết quả của cả quá trình phối hợp tích cực các nỗ lực về chính trị, đối ngoại, đàm phán, hợp tác, đấu tranh… của cả hai bên, là tin vui cho toàn thể người dân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU.

Ngay trong chuyến công tác này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc hội đàm cấp cao với Thủ tướng CH Áo, quốc gia hiện đang là Chủ tịch EU; hội đàm với Thủ tướng Vương quốc Bỉ - nơi đặt trụ sở các cơ quan thuộc EU và rất nhiều cuộc gặp với chính giới, Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp, tham dự và phát biểu tại các diễn đàn doanh nghiệp với thông điệp nổi bật và được trao đổi sôi nổi là việc sớm ký, phê chuẩn và thực thi EVFTA, IPA do đây là lợi ích quan trọng của cả Việt Nam và EU.

* Ngay sau khi EC thông qua EVFTA, đầu giờ chiều 17-10, Thủ tướng đã tiếp ông Bơn Lăng-gơ, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (EP), cơ quan có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy EVFTA.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò và những đóng góp tích cực của cá nhân ông Chủ tịch trong việc tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU nói chung và giữa Quốc hội Việt Nam và EP nói riêng. Ông Bơn Lăng-gơ bày tỏ vui mừng trước việc EVFTA đã được EC thống nhất trình Hội đồng châu Âu để ký, đây là bước quan trọng để EP bắt đầu quá trình xem xét phê chuẩn, đáp ứng sự mong đợi của cả hai bên, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa EU với Ðông - Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của EP khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam - EU trên tất cả các lĩnh vực.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) A.Ta-gia-ni. Thủ tướng đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp giữa Quốc hội Việt Nam với EP; khẳng định Việt Nam luôn coi hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và EP là trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - EU. Trên cơ sở việc EC đã thông qua EVFTA, Thủ tướng đề nghị EP sớm xem xét tiến trình phê chuẩn EVFTA và IPA từ đầu năm 2019. Chủ tịch EP đặc biệt vui mừng trước việc EC đã thông qua việc trình EVFTA lên Hội đồng châu Âu và nhấn mạnh, EP sẽ nỗ lực để hoàn tất việc phê chuẩn các hiệp định EVFTA và IPA ngay trong đầu năm 2019, nhấn mạnh đây là lợi ích quan trọng của cả hai bên và có ý nghĩa lớn đối với thương mại châu Âu và châu Á.

Chủ tịch A.Ta-gia-ni cũng khẳng định, EP ủng hộ tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác phát triển giữa EU và Việt Nam, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của Việt Nam; đồng thời hoan nghênh hợp tác đa phương và phối hợp giữa EU và Việt Nam trên các diễn đàn và tổ chức quốc tế; khẳng định ủng hộ các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, tránh leo thang căng thẳng, tôn trọng lợi ích của các bên ở Biển Ðông trên cơ sở luật pháp quốc tế.

* Việc EC thông qua EVFTA ngay trước khi khai mạc Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 12 (ASEM 12), nơi quy tụ sự tham dự của nguyên thủ 53 quốc gia châu Á và châu Âu là một thông điệp mới, mạnh mẽ và là hành động cụ thể khẳng định với cộng đồng quốc tế về nỗ lực đẩy mạnh kết nối, hợp tác liên khu vực giữa châu Âu và châu Á.

Trong thông báo của EU cũng đã nêu ý kiến của Chủ tịch EC G.Giăng-cơ nhấn mạnh Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam là thí dụ điển hình thể hiện chính sách thương mại hiện nay của EU, mang lại những lợi ích chưa từng có đối với doanh nghiệp và người dân châu Âu và Việt Nam. Chủ tịch EC nêu rõ, việc EC thông qua việc trình EVFTA lên Hội đồng châu Âu ngay trước thềm ASEM 12 là sự khẳng định cam kết của EU mở cửa thương mại với châu Á và đề nghị EP cũng như các nước thành viên thực hiện các bước cần thiết để hiệp định này nhanh chóng có hiệu lực.

Cao ủy Thương mại EC, bà X.Man-xtrom nhấn mạnh, Việt Nam là một nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Ðông - Nam Á và một thị trường tiềm năng đối với doanh nghiệp và các nhà đầu tư châu Âu, bày tỏ tin tưởng EP và các nước thành viên EU sẽ nhanh chóng thông qua hiệp định này để cho phép doanh nghiệp và người dân hai bên có thể sớm hưởng những lợi ích từ EVFTA.

Theo Báo Nhân dân Điện tử