Thứ năm, ngày 23/1/2025

Những tấm gương sáng tạo vì tình yêu Tổ quốc

Thứ Sáu 07/09/2018 16:40

Xem với cỡ chữ
Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh của các tác giả được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2016 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; giới thiệu 20 tác phẩm, cụm tác phẩm tiêu biểu của các nghệ sĩ - chiến sĩ.

Các đại biểu và khách tham quan triển lãm. Ảnh: THỤY DU

Với đợt trao giải năm 2016, Chủ tịch nước đã trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho hai tác phẩm mỹ thuật của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo và cụm tác phẩm nhiếp ảnh của nhà báo, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng. Giải thưởng Nhà nước được trao cho chín tác phẩm và cụm tác phẩm của bảy tác giả lĩnh vực mỹ thuật, gồm: Bửu Chỉ, Cổ Tấn Long Châu, Lê Lam, Đỗ Sơn, Nguyễn Văn Quế, Nguyễn Bích, Phan Thị Gia Hương; tám tác phẩm và cụm tác phẩm của bốn tác giả lĩnh vực nhiếp ảnh, gồm: Hứa Kiểm, Lâm Tấn Tài, Mầu Hoàng Thiết, Nguyễn Hữu Cấy. Các tác phẩm, cụm tác phẩm được giải là những tác phẩm sáng tác về đề tài Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng; của hầu hết tác giả là những nghệ sĩ - chiến sĩ trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt giành độc lập dân tộc; mang xúc cảm mãnh liệt, thể hiện niềm khát khao cháy bỏng về hòa bình và tự do; thể hiện tài năng, sáng tạo của người nghệ sĩ, đóng góp quan trọng vào lịch sử mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam.

Tại triển lãm, người xem được chiêm ngưỡng các tác phẩm tượng đài nổi tiếng gắn với địa danh và chiến thắng hào hùng một thuở của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, như: Chiến thắng sông Lô (Phú Thọ), Chiến thắng Quế Sơn (Quảng Nam); sống lại những giây phút chiến trường dữ dội cùng phóng viên, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng quả cảm để có được những bức ảnh ngùn ngụt khói lửa đạn bom: Lửa vây máy bay Mỹ (1967), Đưa xe tăng vào trận (1971), Đánh chiếm cứ điểm 365 (1972)…; khâm phục họa sĩ Bửu Chỉ với bộ tranh phản chiến đòi hòa bình (Tiếng thét từ lòng đất) được vẽ trong nhà giam của chính quyền Sài Gòn (cũ); chia sẻ niềm tự hào cùng họa sĩ Lê Lam với bức tranh cổ động Bảo vệ chánh quyền nhân dân được vẽ sau ngày 30-4 từng được in hàng chục nghìn bản phổ biến khắp các tỉnh, thành phố miền nam…

Bên cạnh đó, có những tác phẩm ghi lại nét sinh hoạt đời thường bình dị, hồn nhiên; toát lên vẻ đẹp, sức sống mãnh liệt của tâm hồn và ý chí con người Việt Nam, như: Hoa biển (sơn dầu của họa sĩ Đỗ Sơn); Em đến nơi sơ tán, Đón con sau giờ trực chiến, Tay cày tay súng - một người làm việc bằng hai… (ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết). Qua những tác phẩm xuất sắc giàu tính tư tưởng và nghệ thuật, người xem cảm nhận được tinh thần xả thân, cống hiến cho cách mạng, cho Tổ quốc và nhân dân của một thế hệ nghệ sĩ trong kháng chiến. Tại buổi khai mạc triển lãm, họa sĩ Lê Lam xúc động chia sẻ: “Là thế hệ được sinh ra, lớn lên giữa những năm tháng kháng chiến, hòa chung khí thế cả nước ra trận, chúng tôi tự nguyện nhập vào dòng chảy chung của dân tộc, người cầm bút, người cầm máy ảnh với mục tiêu cao nhất: Vì độc lập, thống nhất đất nước, vì hòa bình cho Tổ quốc thân yêu. Bằng lao động nghệ thuật, chúng tôi đóng góp một phần nhỏ bé ca ngợi những chiến sĩ, anh hùng, những người dân bình dị và yêu nước nồng nàn; ca ngợi tinh thần bất khuất của dân tộc, ca ngợi hòa bình, phản đối chiến tranh. Nhiều người trong chúng tôi đã ngã xuống, nhưng những tác phẩm thì còn đến hôm nay”.

Từ năm 1996 đến nay, lĩnh vực mỹ thuật và nhiếp ảnh có 124 tác giả được giải, trong đó mỹ thuật có 93 tác giả (20 tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh, 73 tác giả được Giải thưởng Nhà nước); nhiếp ảnh có 31 tác giả (sáu tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh, 25 tác giả được Giải thưởng Nhà nước).

Theo Báo Nhân dân Điện tử