Thứ năm, ngày 9/1/2025

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sắp xếp, mở rộng, điều chỉnh thành lập một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Hải Dương

Thứ Năm 17/10/2019 13:42

Xem với cỡ chữ
Tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 38, chiều ngày 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019-2021; mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương; điều chỉnh địa giới một số phường, xã; thành lập 02 phường Tân Hưng và Nam Đồng thuộc thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

 

Toàn cảnh phiên họp

Theo Tờ trình của Chính phủ, tỉnh Hải Dương có diện tích tự nhiên là 1.668,24 km², dân số trung bình năm 2018 là 1.807.512 người. Tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện việc sắp xếp trên địa bàn tỉnh là 55 đơn vị, gồm: 27 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp; 22 đơn vị có liên quan liền kề; 06 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp; trong đó có 15 đơn vị thực hiện nhập 03 đơn vị thành 01 đơn vị hành chính mới, 40 đơn vị thực hiện nhập 02 đơn vị thành 01 đơn vị hành chính mới, giảm 30 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó xã Kênh Giang thành phố Chí Linh; xã Thái Sơn, Phạm Mệnh, Phúc Thành, Quang Trung thị xã Kinh Môn đã thực hiện xong).

Cụ thể, sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương , huyện Bình Giang có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 15 xã và 01 thị trấn; huyện Cẩm Giàng có 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 15 xã và 02 thị trấn; huyện Kim Thành có 18 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 xã và 01 thị trấn; huyện Ninh Giang có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 19 xã và 01 thị trấn; huyện Thanh Miện có 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 16 xã và 01 thị trấn; huyện Thanh Hà có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 19 xã và 01 thị trấn; huyện Tứ Kỳ có 23 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 xã và 01 thị trấn; huyện Gia Lộc có 18 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 17 xã và 01 thị trấn.

Cùng với đó, thành lập xã An Thượng trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Thượng Đạt và xã An Châu thuộc thành phố Hải Dương; nhập xã Thái Sơn và xã Phạm Mệnh thuộc thị xã Kinh Môn để thành lập phường Phạm Thái; nhập xã Phúc Thành và xã Quang Trung thuộc thị xã Kinh Môn để thành lập xã Quang thành. Đồng thời, thực hiện nhập xã Kênh Giang và xã Văn Đức của thành phố Chí Linh để thành lập phường Văn Đức.

Tờ trình của Chính phủ cũng nêu đề xuất mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương; nhập 02 xã An châu, Thượng đạt; điều chỉnh địa giới hành chính một số phường, xã; thành lập 02 phường Tân hưng và Nam đồng thuộc thành phố Hải Dương. Theo đó, sau khi điều chỉnh mở rộng, Thành phố Hải Dương sẽ có 111,64 km2 (11.164,04 ha)diện tích tự nhiên, dân số là 508.190  người, gồm 25 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (19 phường, 06 xã). Thành phố Hải Dương giáp các huyện Kim Thành, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Gia Lộc, Tứ Kỳ và Nam Sách.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trong những năm trở lại đây, thành phố Hải Dương đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Nhiều khu, cụm công nghiệp, đô thị mới, khu du lịch sinh thái đã, đang hình thành và phát triển nhanh chóng; các công trình phúc lợi công cộng, kết cấu hạ tầng, đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, công viên, cây xanh... được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới, tạo cho thành phố phát triển mạnh mẽ với vóc dáng của một đô thị văn minh, hiện đại.

Với mục tiêu, định hướng của Trung ương và tỉnh về xây dựng thành phố Hải Dương trở thành một đô thị sinh thái năng động phát triển hai bên bờ sông Thái Bình, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong toàn tỉnh, xứng tầm là đô thị trung tâm cấp vùng trong hệ thống đô thị Việt Nam và từ thực tiễn phát triển, Ban Thường vụ tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 12/11/2012 về việc nâng cấp thành phố Hải Dương lên đô thị loại I và nghiên cứu lập quy hoạch mở rộng không gian đô thị. Sau quá trình khảo sát, nghiên cứu, ý kiến tham gia của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1960/QĐ-UBND ngày 4/7/2017 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó xác định việc mở rộng 05 xã thuộc 03 huyện Thanh Hà, Gia Lộc, Tứ Kỳ về thành phố Hải Dương là đòi hỏi thực tiễn khách quan phù hợp với chương trình phát triển đô thị trong toàn tỉnh theo Quyết định số 580/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Qua khảo sát thực tế phát triển tại 5 xã quy hoạch mở rộng về thành phố Hải Dương, cơ cấu kinh tế những năm gần đây chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng cao, xu hướng phát triển đô thị hóa ngày càng bộc lộ rõ nét. Đồng thời, trong quá trình nghiên cứu quy hoạch mở rộng và lập đề án mở rộng địa giới hành chính của 3 huyện về thành phố Hải Dương nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân các xã và thành phố Hải Dương.

 

Đại biểu phát biểu ý kiến

Việc điều chỉnh đơn vị hành chính một số phường, xã thuộc thành phố phù hợp quy hoạch xây dựng, các yếu tố lịch sử, truyền thống văn hóa của địa phương, tạo sự thuận lợi trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất và được sự đồng thuận cao của Nhân dân. Bên cạnh đó, việc thành lập 02 phường Nam Đồng và Tân Hưng là yêu cầu cấp bách và rất cần thiết, nhằm tổ chức bộ máy chính quyền phù hợp để quản lý điều hành, phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, phù hợp với quy hoạch chung của thành phố đã được phê duyệt.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương và mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương; nhập 02 xã An Châu, Thượng Đạt; điều chỉnh địa giới một số phường, xã; thành lập 02 phường Tân Hưng và Nam Đồng thuộc thành phố Hải Dương theo Tờ trình và Đề án của Chính phủ. Đồng thời, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ và sự quyết tâm chính trị, sự nỗ lực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị của tỉnh Hải Dương trong việc quán triệt sâu sắc và khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về sắp xếp đơn vị hành chính.

Ủy ban Pháp luật thấy rằng, hồ sơ Đề án của Chính phủ đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Đề án đã được lấy ý kiến cử tri và ý kiến của HĐND ở các đơn vị hành chính chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao. Kết quả lấy ý kiến cử tri đã được công bố trên Trang thông tin điện tử của Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật.

Về các vấn đề cần giải trình, làm rõ thêm, tại phiên họp thẩm tra, đại diện Chính phủ và lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương đã trực tiếp báo cáo, giải trình làm rõ các ý kiến của Ủy ban Pháp luật. Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Ủy ban Pháp luật, Chính phủ đã hoàn thiện hồ sơ các Đề án và có Báo cáo số 462/BC-CP ngày 10/10/2019 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình các ý kiến của Ủy ban Pháp luật. Ủy ban Pháp luật nhất trí với các nội dung tiếp thu, giải trình của Chính phủ.

Ủy ban Pháp luật nhất trí trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã của tỉnh Hải Dương trong giai đoạn 2019 - 2021 vàmở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương; nhập 02 xã An Châu, Thượng Đạt; điều chỉnh địa giới một số phường, xã; thành lập 02 phường Tân Hưng và Nam Đồng thuộc thành phố Hải Dương.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận

Thống nhất về nội dung Tờ trình của Chính phủ, cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành phương án xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương và mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương; nhập 02 xã An Châu, Thượng Đạt; điều chỉnh địa giới một số phường, xã; thành lập 02 phường Tân Hưng và Nam Đồng thuộc thành phố Hải Dương.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương sẽ đặt ra hàng loạt các vấn đề về đô thị: tắc đường, môi trường; các vấn đề về an ninh, xã hội… đòi hỏi chúng ta phải có sự chuẩn bị trước khi tiến hành mở rộng.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hồ sơ xây dựng đơn vị hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong tháng 10, 11 và 12/2019. Đồng thời đề nghị Chính phủ, kịp thời nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc tại các địa phương để có biện pháp tháo gỡ, khắc phục hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong đó, cần lưu ý chuẩn bị phương án cụ thể tổ bố trí sắp xếp tổ chức bộ máy, đảm bảo quyền lợi cho các cán bộ, công chức dôi dư và những người hoạt động không chuyên trách. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận  lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc thay đổi con dấu, giấy tờ do thay đổi tên gọi đơn vị hành chính.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu giao Ủy ban Pháp luật phối hợp với Bộ Nội vụ hoàn chỉnh các dự thảo Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành./.

Theo Quochoi.vn