Thứ bảy, ngày 11/1/2025

Tiếp tục nâng cao hiệu quả phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Thứ Hai 30/09/2019 14:40

Xem với cỡ chữ
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận, thời gian qua, các tổ chức trong hệ thống dân vận các cấp tỉnh Hải Dương đã triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” theo kế hoạch, hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương, của tỉnh, góp phần quan trọng trong việc vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh

Đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương trao Bằng khen của Ban Dân vận Trung ương cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân vận và phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2011-2015

Xác định việc xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “Dân vận khéo” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận theo tinh thần Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới". Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị đã cụ thể hoá mục đích, yêu cầu và các nội dung của phong trào thi đua “Dân vận khéo” để tổ chức thực hiện trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong chỉ đạo coi trọng 4 khâu: Phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”. Qua 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tạo sức lan tỏa, rộng khắp trên các lĩnh vực kinh tế- văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trên địa bàn tỉnh; đã xuất hiện hàng nghìn mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực trong đó có trên 150 mô hình hoạt động hiệu quả.

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, các mô hình “Dân vận khéo” được triển khai gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, tham gia thực hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều địa phương đã xây dựng điển hình “Dân vận khéo” trong giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, đô thị như: Phường Thanh Bình, xã Ái Quốc (Thành phố Hải Dương); xã Phú Điền (huyện Nam Sách), xã Quang Minh (huyện Gia Lộc), xã Tứ Xuyên (huyện Tứ Kỳ)…Mô hình vận động nhân dân tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi xây dựng giá trị thương hiệu sản phẩm có uy tín như: Thành phố Chí Linh với 23 mô hình sản xuất tập trung lúa lai, lúa chất lượng cao, lúa nếp hoa vàng với tổng diện tích 477,9 ha tại các xã Hoàng Tiến, An Lạc, Tân Dân, Đồng Lạc, Văn An, 07 mô hình chuyên canh trồng thanh long ruột đỏ, cây táo, cam canh, vải, na … tại xã Hoàng Hoa Thám, Lê Lợi, Bến Tắm, Bắc An; mô hình rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap 120 ha tại xã Nhân Huệ. Huyện Cẩm Giàng với mô hình trồng chuyên canh cây cà rốt tại xã Đức Chính, cam Canh tại xã Cẩm Đoài. Huyện Kinh môn với mô hình chuyên canh cây cam canh, na. Huyện Thanh Hà với các mô hình trồng ổi, vải, quất. Huyện Tứ Kỳ với các mô hình về nuôi trồng thủy sản như nuôi rươi, cáy, cá vược, cá chép 3 màu, lợn, gà, chim… tại các xã An Thanh, Hưng Đạo, An Thanh, Tứ Xuyên, Tiên Động, Ngọc Sơn, Tân Kỳ,…

Điển hình “Dân vận khéo” trong việc mở rộng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, giải quyết việc làm cho nông dân có đất nông nghiệp nhà nước thu hồi chuyển sang xây dựng khu, cụm công nghiệp, đô thị như: Làng nghề thủ công mỹ nghệ Đông Giao, xã Lương Điền (huyện Cẩm Giàng), Đức Minh, phường Thanh Bình,  (TP. Hải Dương), làng nghề sản xuất bánh đa của phường Tứ Minh (TP.Hải Dương), gốm Chu Đậu (Nam Sách), làng nghề tre đan thôn An Nhân, thị trấn Tứ Kỳ, thêu ren xã Hưng Đạo, Quang Khải, Minh Đức, chiếu cói xã An Thanh (huyện Tứ Kỳ)…

Mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, tiêu biểu như: Tổ Dân vận thôn Minh Tân, xã Quang Minh, huyện Gia Lộc với mô hình “vận động nhân dân hiến đất giải phóng mặt bằng chuyển đổi 2,1 ha”; Chi bộ thôn Thị Đức xã Nhật Tân , huyện Gia Lộc với mô hình v ận động nhân dân hiến đất làm công trình ph úc lợi, dồn điền đổi thửa năm 2018 -2019”; Ban Công tác Mặt trận thôn Quý Khê, xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng với mô hình “vận động cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân thực hiện đề án dồn điền đổi thửa kết hợp với chỉnh trang đồng ruộng và công tác bảo vệ môi trường”...

  Trong lĩnh vực xã hội, công tác dân vận đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả các phong trào như: Xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đền ơn đáp nghĩa; tham gia xây dựng quy ước làng văn hóa; tuyên truyền bài trừ các hủ tục lạc hậu; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; giải quyết những vấn đề trọng tâm, bức  xúc. Điển hình như: Đảng ủy xã Tân Dân (Kinh Môn) dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới; cán bộ và nhân dân thôn Quảng Giang, xã Đại hợp (Tứ Kỳ) vì cộng đồng tự nguyện; các cá nhân tiêu biểu như: Ông Chu Văn Ngoãn, Bí thư chi bộ thôn Bắc Đẩu, xã Hưng Đạo (Chí Linh); bà Trần Thị Phương, Ủy viên BCH Hội Liên hiệp phụ nữ xã Duy Tân, chi hội trưởng chi hội Phụ nữ thôn Châu Xá, xã Duy Tân (Kinh Môn)... qua đó đã thực sự phát huy vai trò, hiệu quả trong việc tập hợp sức dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, ổn định an ninh trật tự, bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc.

Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả ở các địa phương, đã nắm chắc tình hình nhân dân, xây dựng lực lượng nòng cốt, kịp thời đề xuất xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp ở cơ sở; khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần trách nhiệm, quyền làm chủ của nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang đã thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, nắm sát tình hình quần chúng nhân dân, cùng cấp uỷ, chính quyền đối thoại, hoà giải nhiều vụ việc phức tạp ngay tại cơ sở; cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị; tham gia đấu tranh giải quyết, làm thất bại mọi âm mưu và các thủ đoạn của các thế lực thù dịch, từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật  nhân dân. Một số mô hình tiêu biểu như: "Khu dân cư, dòng họ, xứ, họ đạo, chi đoàn, chi hội tự quản về an ninh trật tự, không có ma tuý, không có tệ nạn xã hội"; xây dựng tổ hoà giải tại cơ sở thôn, xóm, tổ dân phố; mô hình xây dựng các địa chỉ tin cậy tại công đồng khu dân cư. Các mô hình "Dân vận khéo" trên lĩnh vực quốc phòng an ninh đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự cơ sở, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân. Tiêu biểu như: Tổ Dân vận thôn Tân Kỳ, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng; Tổ dân vân thôn Hà Hải, xã Hà Kỳ, huyện Tứ Kỳ; Tổ dân vận thôn Đông Phong, xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ…

Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, các tổ chức Đảng bằng “Dân vận khéo” đã đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; vận động nhân dân tham gia giám sát, phản biện, xây dựng chính sách, pháp luật, phản ánh kiến nghị của cử tri , qua đó đã xuất hiện nhiều điển hình “Dân vận khéo”, tiêu biểu như: Đảng ủy thị trấn Thanh Hà (huyện Thanh Hà), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; những cá nhân như: Đồng chí Phạm Văn Nam, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng Khối dân vận xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng; Đồng chí Nguyễn Thị Len, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân vận Khu dân cư số 7 phường Ngọc Châu...

Các cấp chính quyền, cơ quan Nhà nước gắn xây dựng điển hình “Dân vận khéo” với cải cách hành chính, “Năm dân vận chính quyền”; đã có nhiều mô hình “Dân vận khéo trong cải cách hành chính, xây dựng bồi dưỡng phong cách làm việc của công chức, viên chức, xác định phục vụ nhân dân là lương tâm nghề nghiệp như: Đảng bộ xã Quang Minh (huyện Gia Lộc); Đảng bộ xã An Sinh (huyện Kinh Môn), Chi bộ thôn Quang Khải, xã Kim Anh (huyện Kim Thành); cá nhân như: Đồng chí Nguyễn Đức Minh, trưởng thôn Văn Diệm, xã Hưng Thái (huyện Ninh Giang); đồng chí Nguyễn Thị Soi, Bí thư chi bộ, trạm trưởng trạm y tế xã Tân Tiến (huyện Gia Lộc)…

Cùng với các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội là những lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động của từng đơn vị, như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào đền ơn đáp nghĩa và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hội Liên hiệp Phụ nữ triển khai mô hình “Dân vận khéo” trong vận động hội viên tích cực hưởng ứng phong trào “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”, xây dựng “Mái ấm tình thương”. Hội Nông dân với phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi" với 770 mô hình phát triển kinh tế, nhiều mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình HTX trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGap xã Liên Mạc (Thanh Hà), HTX chăn nuôi gà Chọi lai thương phẩm xã Gia Lương (Gia Lộc), nuôi cá lồng ở Nam Tân (Nam Sách)…

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2015), Tỉnh ủy Hải Dương đã tổ chức gặp mặt kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và biểu dương các điển hình "Dân vận khéo". Tại buổi gặp mặt, Ban Dân vận Trung ương tặng bằng khen cho 2 tập thể, 1 cá nhân; Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 21 tập thể, 17 cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2011-2015. Hàng năm, các cấp ủy, chính quyền các cấp đều tiến hành đánh giá, rà soát, lựa chọn những mô hình “Dân vận khéo” để tuyên truyền nhân rộng, qua đó đã góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát hiện, xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế so với yêu cầu đặt ra, đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, đặc biệt là công tác kiểm tra, đánh giá, lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa được quan tâm thường xuyên; việc biểu dương, khen thưởng, phổ biến những cách làm hay trong chỉ đạo và xây dựng mô hình “Dân vận khéo” chưa được quan tâm đúng mức và kịp thời. Tính bền vững, lan toả của một số mô hình, điển hình chưa cao; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội còn chưa thường xuyên, chặt chẽ; công tác tham mưu của Ban Dân vận, Khối dân vận cơ sở chưa kịp thời, chất lượng còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ dân vận nhất là ở cơ sở còn nhiều bất cập, khó khăn trong hoạt động...

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tỉnh Hải Dương xác định cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc nội dung đổi mới công tác dân vận theo quan điểm của Đảng, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên các tầng lớp nhân dân về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm tạo sự chuyển biến hơn nữa trong quan hệ giữa Đảng với nhân dân . Tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng phong trào gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Tích cực tham gia Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” do Ban Dân vận Trung ương phát động. Kịp thời tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt, phát hiện những cách làm hay, sáng tạo, những mô hình điển hình trong việc thực hiện xây dựng và nhân rộng mô hình dân vận khéo. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng điển hình “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ” với việc   thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”   và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Nguyễn Thị Quyên (Ban Dân vận Tỉnh ủy)