Thứ năm, ngày 28/11/2024

Chủ tịch Hồ Chí Minh định hướng đào tạo nguồn nhân lực và sử dụng nhân tài trong công cuộc xây dựng đất nước

Thứ Hai 25/04/2022 10:59

Xem với cỡ chữ
Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề đào tạo nguồn nhân lực và trọng dụng nhân tài

Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú kết hợp với lý luận cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận biết tầm quan trọng của yếu tố nhân lực đối với sự phát triển của một dân tộc. Người đã đặc biệt trọng dụng nhân tài và chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ chuẩn bị nguồn lực cho đất nước. Công việc này đã được Người thực hiện một cách kiên trì và không mệt mỏi trong suốt cả cuộc đời mình.

Trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rõ rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” . Do vậy, ngay từ những ngày đầu mới thành lập chính quyền cách mạng, Người đã coi việc xóa mù chữ, tiêu diệt giặc dốt và nâng cao dân trí là nhiệm vụ thứ hai trong số sáu nhiệm vụ cấp bách của đất nước lúc bấy giờ. Trong “Thư gửi các học sinh” nhân ngày khai trường đầu tiên khi nước nhà vừa giành được độc lập tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khích lệ học sinh chăm chỉ học tập để góp phần dựng xây đất nước: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(2). Đặc biệt, Người đã đưa ra một quan điểm mang tính chiến lược có giá trị nhân văn sâu sắc về vấn đề giáo dục bồi dưỡng nguồn lực, đến nay đã trở thành mục tiêu hành động của toàn xã hội: Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người (3).

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thực sự trọng dụng nhân tài và luôn luôn mong muốn thu nạp được nhân tài để giúp dân, giúp nước. Bởi, Người hiểu rất rõ việc dùng người là quốc sách, nó tuy không phải là nguyên nhân duy nhất, nhưng có tác dụng trực tiếp đến sự tồn vong của quốc gia, sự trường tồn và phát triển của dân tộc. Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy mối quan hệ biện chứng và vai trò cấp thiết của nhân tài trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.

Chỉ hai tháng sau ngày độc lập, ngày 14/11/1945, Người viết bài đăng trên Báo Cứu quốc, số 91: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều.”(4)

Đánh giá cao vai trò của nhân lực chất lượng đối với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, đồng thời thể hiện một cách chân thành chủ trương trọng dụng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra một văn bản quan trọng “Tìm người tài đức” đăng trên Báo Cứu quốc số 411, ngày 20/11/1946. Tác phẩm không giống một bài báo, mà là lời hiệu triệu, lời kêu gọi thiết tha được viết với tư cách của người đứng đầu Chính phủ. Người nêu lý do ra văn bản một cách ngắn gọn: “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”. Và Người “tự nhận khuyết điểm” rằng: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận”(5). Đồng thời, Người cũng đề xuất sửa đổi khuyết điểm đó: “Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”(6).

Điểm nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về sử dụng nhân tài là tấm lòng thiết tha, thật sự cầu hiền cùng với cách làm cụ thể, công khai. Nhờ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ, tập hợp được nhiều người có đức, có tài cùng tham gia phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân như các vị nhân sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố,... các trí thức tiêu biểu của thời kỳ này ở trong nước và ngoài nước như các ông Nguyễn Văn Huyên, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ,... Mọi người đều tận tâm, tận lực cống hiến hết sức mình vì sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, sống cần kiệm liêm chính, chí công vô tư và đã thực sự trở thành những nhân tài của đất nước, là những tấm gương sáng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng chế độ mới.

Để có thêm nhiều nhân lực, nhân tài trong các lĩnh vực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Nhà nước phải tiến hành thực hiện bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cho thích hợp với nhiệm vụ mới, xã hội mới. Trong bài “Đảng Lao động Việt Nam với lao động trí óc” đăng trên Báo Nhân dân, ngày 1/5/1951, Người khẳng định: “Lao động trí óc cần được khuyến khích giúp đỡ, phát triển tài năng...”(7), và thẳng thắn yêu cầu: “Ngày nay, chúng ta phải làm hai việc nhằm một mục đích: Một là đào tạo những trí thức mới trong công nông. Hai là cải tạo những trí thức hiện có”(8). Nghĩa là công nông cần học tập để nâng cao trình độ trí thức của mình, trí thức cần gần gũi công nông và học tập tinh thần, nghị lực, sáng kiến và kinh nghiệm lao động của công nông.

Sau ngày hoà bình lập lại, nói chuyện với học sinh Trung học Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhiệm vụ của người học là: “Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh, tức là để làm trọn nhiệm vụ người chủ của nước nhà. Học phải đi đôi với hành”(9). Để làm được việc đó, Người khẳng định trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy là: Chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành những người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt, phải tạo nguồn lực tốt cho nước nhà.

Tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện rõ trong việc: ngay khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và sau này là kháng chiến chống Mỹ đang trong giai đoạn gay go, quyết liệt nhất, Nhà nước ta mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử những thanh niên ưu tú nhất ra nước ngoài học tập để chuẩn bị cho công cuộc xây dựng đất nước sau ngày thắng lợi. Và để đảm bảo đủ số nhân lực cho nhu cầu kiến thiết đất nước, Người chỉ rõ: “Trong việc kiến thiết nước nhà về mọi mặt, ta thiếu rất nhiều cán bộ như kỹ sư, chuyên gia, thợ lành nghề, thầy dạy học,... vì vậy, ta phải phát triển mạnh đại học và chuyên nghiệp. Muốn phát triển đại học và chuyên nghiệp, phải chú trọng cấp 2, cấp 1 và cấp vỡ lòng”.

Là lãnh tụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ: một khi đã có đường lối cách mạng đúng thì cán bộ là khâu quyết định, phải biết lựa chọn cán bộ, phải biết đánh giá và dùng cán bộ, coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Người nhấn mạnh: “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Từ nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của cán bộ trong giải quyết mọi công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy cần phải có đội ngũ cán bộ tốt và để có đội ngũ cán bộ tốt, Người và Đảng ta đã phải dày công đào tạo, huấn luyện và xây dựng nguồn nhân lực ưu tú qua các thời kỳ.

2.       Chủ tịch Hồ Chí Minh định hướng về đào tạo bồi dưỡng nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng phát triển đất nước.

Trong suốt quá trình đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng, đó không chỉ là lực lượng trực tiếp giải quyết những nhiệm vụ hiện tại, mà còn là đội ngũ kế cận, nguồn nhân lực bổ sung có đủ năng lực để kế thừa và phát triển sự nghiệp của những thế hệ đi trước. Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn kĩ mọi việc đối với Đảng, với nhân dân, trong đó Người đã dành một phần để căn dặn định hướng về việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho đất nước: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(10).

Điều gây xúc động lòng người là trước lúc đi xa, trong Bản Di chúc để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành niềm tin tưởng mãnh liệt đối với thế hệ thanh niên của đất nước. Đồng thời Người căn dặn và định hướng cụ thể về việc đào tạo nguồn nhân lực: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khàn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chàm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.(11)

Thực tế cho thấy, sự nghiệp cách mạng là một quá trình lâu dài, phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, phải giải quyết nhiều nhiệm vụ và đòi hỏi sự hy sinh, cống hiến quên mình của nhiều thế hệ cách mạng. Bởi vậy, Đảng và Nhà nước cần phải có chính sách đào tạo hợp lý nhằm trang bị cho thế hệ sau những yếu tố cần thiết, trở thành những con người vừa “hồng”, vừa “chuyên”, có đủ năng lực tiếp nhận và giải quyết công việc khi được giao nhiệm vụ.

Nếu thiếu lực lượng kế cận xứng đáng thì chẳng những sự nghiệp cách mạng sẽ gặp khó khăn, mà ngay cả những thành quả đã gặt hái được cũng khó có thể gìn giữ.

Những nhìn nhận, đánh giá và định hướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho thấy niềm tin tưởng của Người vào trí tuệ, sự sáng tạo và tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tuy vậy, Người vẫn nhắc nhở phải đào tạo cho được nguồn lực thực sự chất lượng, có lập trường chính trị, đạo đức tốt, giỏi chuyên môn nghiệp vụ và có kỷ luật để phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan dễ bảo “đập đi hò đứng”, không dám phụ trách, như thế là một việc thất bại cho Đảng.

Nhận thấy thế hệ thanh niên chính là chủ nhân tương lai và là nhân tố góp phần quan trọng đối với sự tồn vong của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần là do thanh niên”. Người khẳng định, muốn thức tỉnh dân tộc phải thức tỉnh thanh niên, vì thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi sự lớn mạnh, trưởng thành của tuổi trẻ là thành công của Đảng, là thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, là sự trường tồn phát triển của xã hội. Bởi vậy, lúc sinh thời Người đã dày công chăm lo giáo dục, rèn luyện thanh niên trở thành những con người mới của xã hội, chuẩn bị những tiền đề vững vàng để thanh niên sẵn sàng đón nhận sứ mệnh làm chủ nước nhà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh định hướng việc “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” đã thể hiện rõ nét tư tưởng, tình cảm, sự chăm lo của Người đối với sự phát triển của đất nước. Điều này thể hiện sự vĩ đại, sâu sắc trong tầm nhìn của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Với tư tưởng này, Người không chỉ thấy hiện tại mà còn thấy cả tương lai, không chỉ dành tâm huyết trước mắt cho sự nghiệp cách mạng mà còn chăm lo vun trồng cho cái gốc của sự nghiệp cách mạng được thực sự vững bền và ngày càng phát triển.

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 50 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác đào tạo nhân lực và tìm kiếm sử dụng nhân tài trong các lĩnh vực. Thanh niên luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực. Đảng và Nhà nước ta đã tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân để hình thành thế hệ thanh niên có phẩm chất tốt đẹp, có khí phách và quyết tâm hành động thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo cơ hội cho thanh niên được học tập, không ngừng nâng cao trình độ, có tri thức và kỹ năng, vươn lên ngang tầm với thanh niên các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quán triệt quan điểm và định hướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên (ngày 25/7/2008), trong đó xác định rõ: Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trước sự quan tâm, chăm lo và kỳ vọng lớn lao của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu, hơn bao giờ hết, thế hệ thanh niên cần phải nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình để không ngừng tu dưỡng học tập, nghiên cứu, lao động sáng tạo trong các lĩnh vực, phấn đấu trở thành nguồn lực chất lượng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Để làm tròn nhiệm vụ của mình, thanh niên phải cố gắng nhiều hơn nữa, tiến bộ hơn nữa, tích cực rèn “đức”, luyện “tài”, chủ động trang bị các kỹ năng đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, thanh niên Việt Nam được đánh giá là cần cù, nhiều sáng kiến, có trình độ văn hóa, chuyên môn và tay nghề, ý chí và nghị lực không thua kém thanh niên các nước. Tuy nhiên, thanh niên nước ta còn thua kém các nước tiên tiến về kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tham gia các hoạt động quốc tế, năng lực giao tiếp quốc tế còn nhiều hạn chế, nên thiếu sự chia sẻ. Trước tình hình đó, đòi hỏi đội ngũ thanh niên phải chủ động, tích cực học tập và rèn luyện, lao động và sáng tạo; xung phong trong mọi lĩnh vực, hăng hái nhiệt tình, kiên quyết không sợ khó, không sợ khổ trong mọi hoàn cảnh.

Trước xu thế mới, Đảng và Nhà nước ta cũng đã có những nghiên cứu, tính toán cân nhắc trong việc thay đổi chính sách đào tạo, bồi dưỡng nói chung và chính sách đào tạo, bồi dưỡng thanh niên nói riêng. Một trong những trụ cột quan trọng của xu thế hiện tại là nhân tài, vì thế việc tạo ra môi trường đào tạo, nuôi dưỡng và thu hút thanh niên tài năng là điều cấp thiết đối với Việt Nam hiện nay. Tại Đại hội XI, Đảng ta đã nêu ra những tiêu chí, những chuẩn mực của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cần phải chăm lo xây dựng để có nguồn nhân lực chất lượng cao. Những chuẩn mực đó là: “Xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính. có khả năng sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ vào quá trình lao động sản xuất và quản lý”.

Thực tế cho thấy, việc đào tạo nguồn nhân lực nói chung và phát triển nhân lực chất lượng cao nói riêng không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành nào, mà đó là trách nhiệm của toàn xã hội, là trách nhiệm của các cấp, các ngành. Muốn nguồn nhân lực của chúng ta tự tin và phát triển toàn diện, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần phải có chiến lược, kế hoạch thực hiện một cách nghiêm túc và cụ thể, phải có các hoạt động thiết thực hỗ trợ, đào tạo nguồn lực có kỹ năng, kỷ luật, có tác phong lao động công nghiệp và nếp sống văn minh.

Chúng ta chỉ có thể làm tốt nhiệm vụ này khi những người đứng đầu các Bộ, ban, ngành, lãnh đạo các địa phương, các đơn vị đều phải xác định rõ tầm quan trọng của yếu tố nhân lực đối với sự cường thịnh của đất nước, từ đó họ phải là những người đầu tiên có tinh thần trách nhiệm và thực sự tâm huyết đối với việc đào tạo nguồn nhân lực và tìm kiếm nhân tài cho đất nước. Để làm được như vậy, đòi hỏi mỗi người cán bộ lãnh đạo cần phải thực sự có trí tuệ, có tình yêu thương đất nước, có tấm lòng nhân ái và tinh thần tự tôn dân tộc, nếu ngược lại thì chỉ làm cho đất nước ngày càng tụt hậu, tổ chức chậm phát triển, và thực trạng “nói hay làm dở” sẽ mãi tồn tại.

Thực tiễn luôn thay đổi không ngừng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa đã hơn một nửa thế kỷ, nhưng giá trị tư tưởng và định hướng của Người về đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng nhân tài trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Định hướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản vô giá, là mục tiêu lớn lao, là nguồn sức mạnh cho thế hệ hôm nay và mai sau vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, nhằm xây dựng “một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(12) như mong muốn cuối cùng của Người trước lúc đi xa./.

Chú thích:

1.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,

Hà Nội, 2011, tập 4, tr.7.

2.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,

Hà Nội, 2011, tập 4, tr.34-35.

3.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,

Hà Nội, 2011, tập 11, tr.528.

4.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,

Hà Nội, 2011, tập 4, tr.114.

5,6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.504.

7.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,

Hà Nội, 2011, tập 7, tr.71.

8.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,

Hà Nội, 2011, tập 7, tr.72.

9.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,

Hà Nội, 2011, tập 9, tr.179.

10,     11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.622.

12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.624.

Trongnghia2k