Chủ nhật, ngày 24/11/2024

Công an huyện Thanh Hà: Nêu cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu

Thứ Sáu 10/08/2018 16:29

Xem với cỡ chữ
Từ một địa bàn phức tạp về tội phạm, nhờ triển khai bài bản, nhất là phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, công an huyện Thanh Hà đã lập lại trật tự an ninh.

Xác định muốn xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại thì phong trào “Công an nhân dân thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy” phải được đẩy mạnh, đặc biệt là cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị phải thực sự gương mẫu đi đầu, là tấm gương sáng để cán bộ chiến sỹ noi theo.

Thực hiện phong trào Công an nhân dân học tập thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy và thực hiện Chỉ thị số 05–CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lãnh đạo công an huyện Thanh Hà đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ trong toàn đơn vị thực hiện việc học và làm theo gương Bác, trong đó xác định rõ trách nhiệm của người lãnh đạo chỉ huy với vai trò dẫn dắt, truyền cảm hứng tạo dựng phong trào cho cán bộ, chiến sĩ.

Lãnh đạo đơn vị xác định khâu đột phá trong việc làm theo lời Bác dạy đó chính là xây dựng phong cách người công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ, trong đó phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của người lãnh đạo, chỉ huy. Để thực hiện có hiệu quả nội dung trên, đơn vị đã thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Thứ nhất , xây dựng, củng cố quy chế làm việc của đơn vị, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường điều lệnh tạo sức mạnh của đơn vị làm nền tảng để triển khai các mặt công tác nghiệp vụ, giải quyết dứt điểm từng vấn đề nổi lên đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Thứ hai, lồng ghép công tác giáo dục chính trị tư tưởng một cách thường xuyên vào các cuộc họp, các hoạt động tập thể, đưa công tác chính trị, tư tưởng vào từng hành động, từng nhiệm vụ để nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ chiến sĩ. Phát hiện và chấn chỉnh ngay những biểu hiện tiêu cực, không để phát triển lây lan trong đơn vị, không để những tiêu cực xã hội tác động, ảnh hưởng đến cán bộ chiến sĩ. Lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ để chia sẻ, động viên kịp thời.

Mặt khác, tổ chức đào tạo tại chỗ về kiến thức nghiệp vụ pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ. Lãnh đạo công an huyện thường xuyên soạn tài liệu, lựa chọn những vấn đề thiết thực về pháp luật và nghiệp vụ liên quan trực tiếp đến công an cấp huyện để mở lớp tập huấn và tự truyền đạt cho cán bộ chiến sĩ, từng bước nâng cao trình độ nghiệp vụ giải quyết công việc, phục vụ nhân dân. Đồng thời, giáo dục tác phong, thái độ ứng xử với nhân dân từ cách xưng hô, cách tiếp xúc, đặt vấn đề, thiết lập văn bản tài liệu…

Thứ ba, đó là việc sử dụng đòn bẩy về tinh thần. Lãnh đạo đơn vị báo cáo Giám đốc công an tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng chống tội phạm, công bố các thư khen, thư cảm ơn của người dân trước đơn vị, tổ chức cho lãnh đạo các xã, thị trấn giao lưu động viên những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Thứ tư , lãnh đạo đơn vị quan tâm đời sống vật chất của cán bộ chiến sỹ, kịp thời khắc phục những thiệt hại, bù đắp chi phí cho cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ. Quá trình chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ có thể gặp những sự cố như thương tích, hư hỏng tài sản, phương tiện hoặc phải chi phí những khoản đột xuất phục vụ công việc thì lãnh đạo phải nhanh chóng chỉ đạo, hỗ trợ bù đắp cho cán bộ chiến sĩ trên cơ sở tiết kiệm các khoản kinh phí được cấp và được tài trợ để thanh toán, không để cán bộ, chiến sĩ thiệt thòi. Từ đó mới động viên được cán bộ, chiến sĩ nhiệt tình, tích cực, sẵn sàng thực hiện những việc khó như bắt ma túy, bắt truy nã hay giải quyết các vụ việc phức tạp.

Thứ năm , trong tiếp nhận và giải quyết các vụ việc: yêu cầu cán bộ chiến sĩ đến hiện trường một cách nhanh nhất, tập trung lực lượng ngay từ đầu, vừa tăng khả năng làm rõ được vụ việc, vừa làm hài lòng người bị hại và nhân dân. Quá trình giải quyết phải thường xuyên thông báo tiến độ cho người bị hại để họ yên tâm và hợp tác với lực lượng công an.

Quá trình giải quyết công việc có thể xuất hiện những sai sót hoặc sự cố dẫn đến người dân hiểu lầm, bức xúc, có đơn khiếu nại tố cáo, một số đối tượng xấu kích động làm phức tạp tình hình… Đối với những trường hợp đó, lãnh đạo công an huyện trực tiếp đối thoại, giải thích cho người dân hiểu. Những việc mà cán bộ còn thiếu sót thì không ngại xin lỗi người dân để nhân dân thông cảm và ủng hộ.

Thứ sáu , đảm bảo sự thực chất và công bằng thưởng phạt nghiêm minh trong công tác thi đua: đối với cơ quan điều tra, lãnh đạo công an huyện trực tiếp xây dựng thang điểm thi đua, quy định điểm cộng cho các kết quả, thành tích hoặc điểm trừ cho các lỗi cụ thể của từng cán bộ để theo dõi từ đầu năm, cuối năm cộng lại lập bảng tổng sắp để đánh giá từng cán bộ làm cơ sở cho công tác thi đua khen thưởng, công tác đánh giá nhận xét cán bộ cuối năm.

Thứ bảy , củng cố chỉnh trang trụ sở đơn vị, tạo môi trường làm việc văn minh, lịch sự, góp phần tạo phong cách chính quy, chuẩn mực của cán bộ, chiến sĩ khi tiếp xúc và làm việc với nhân dân. Đặc biệt, đơn vị đã bố trí phòng chờ với đầy đủ bàn ghế, giấy bút, nước uống cho nhân dân ngồi khi chờ giải quyết công việc.

Thực hiện lời Bác dạy với Công an nhân dân, từ những cố gắng nỗ lực trên của lãnh đạo công an huyện Thanh Hà, đã góp phần thay đổi hành vi, tạo nên thói quen mới, bước đầu hình thành phong cách người công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ, thể hiện trên các kết quả công tác cụ thể như: đã giải quyết được những yêu cầu kiến nghị bức xúc của nhân dân, triệt phá cơ bản các điểm buôn bán ma túy gây phức tạp, các nhóm trộm cắp; làm rõ 100% các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; giải quyết một số vụ án phức tạp như vụ án mua bán người sang Trung Quốc tại xã Quyết Thắng; xử lý hợp tình và hợp lý vụ án hủy hoại tài sản tại xã Tiền Tiến để giải quyết được vụ án, ổn định tình hình. 

Đặc biệt, đã giải quyết được những kiến nghị bức xúc của nhân dân về các nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức như nhóm Lộc The chuyên cưỡng đoạt tài sản ở xã Vĩnh Lập, nhóm đối tượng ở Hải Phòng do Định Ngộ cầm đầu hoạt động bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản nhân dân.

Về tư thế, lễ tiết, tác phong, thái độ làm việc của cán bộ chiến sĩ trong đơn vị cũng được lãnh đạo đơn vị yêu cầu thực hiện nghiêm túc, đã có sự chuyển biến tích cực, tạo được thiện cảm trước nhân dân.

Tuy nhiên, lãnh đạo đơn vị xác định, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, nhất là người đứng đầu vẫn cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa. Thực hiện các phương hướng, giải pháp đã xác định nhằm xây dựng phong cách người công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ một cách thực chất để củng cố niềm tin của nhân dân đối với lực lượng công an. Để phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ và thực chất thời gian tới, đơn vị tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng một cách đồng bộ và thực chất, lấy kết quả công tác để đánh giá chính trị tư tưởng; tổ chức tập huấn về kỹ năng giao tiếp ứng xử tác phong cách làm việc với nhân dân một cách chuẩn mực, lãnh đạo phải làm gương cho cán bộ chiến sĩ noi theo; siết chặt kỷ cương kỷ luật, điều lệnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không đặt ra chỉ tiêu tỷ lệ cán bộ vi phạm trong công tác thi đua; tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức, thái độ phục vụ nhân dân; người lãnh đạo, chỉ huy thường xuyên lắng nghe ý kiến của nhân dân; lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo kết quả công tác và thái độ của cán bộ chiến sĩ. 

Mặt khác, đối với các trường hợp cố tình lợi dụng quyền tự do dân chủ nói xấu, bôi nhọ, vu khống cán bộ chiến sĩ thì cũng cần phải xác minh làm rõ và xử lý nghiêm, đồng thời tuyên truyền công khai cho nhân dân biết, tránh hiểu lầm cán bộ chiến sĩ; tăng cường công tác quản lý cán bộ, phát hiện sớm và xử lý nghiêm minh không để các tiêu cực, thói hư tật xấu lây lan trong lực lượng công an; nâng cao chất lượng cán bộ chiến sỹ có phẩm chất, năng lực đảm bảo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: