Sau gần 10 năm ì ạch thi công xây dựng, tuyến đường vào trung tâm đặc biệt khó khăn Phú Sơn, huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An) vẫn chưa hoàn thành, khiến việc đi lại cũng như tiêu thụ nông sản hàng hóa cho người dân vẫn gặp nhiều khó khăn.
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Tân Kỳ cho biết: Dự án đường và cầu vào xã Phú Sơn (Tân Kỳ), gồm 18 km đường nhựa (một tuyến chính 10 km và một tuyến nhánh gần 8 km) và cầu Phú Sơn bắc qua sông Con được khởi công xây dựng từ năm 2009. Do vướng mặt bằng, lại thiếu vốn, thi công ì ạch, kéo dài, khiến tổng mức đầu tư phải điều chỉnh từ 98,7 tỷ đồng lên đến 162 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư xây dựng đường giao thông vào trung tâm các xã chưa có đường ô-tô, do UBND huyện Tân Kỳ làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, tuyến đường trên và cây cầu sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng sau 36 tháng. Tuyến đường này sẽ nối liền đường Hồ Chí Minh vào trung tâm xã Phú Sơn, và cụm các xã 135 khác. Khi hoàn thành, tuyến đường này được kỳ vọng góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương cũng như giao thương giữa các vùng miền; chấm dứt việc người dân nơi đây hằng ngày phải đi đò qua sông, nhất là vào mùa mưa lũ.
Tuy nhiên, đến nay, sau gần 10 năm kể từ ngày khởi công, đã nhiều lần thay đổi nhà thầu và gia hạn thời gian thi công, dự án vẫn còn dang dở, các gói thầu mới hoàn thành khoảng 80 đến 85% khối lượng công viêc. Trong đó, tuyến đường dẫn lên cầu ở phía xã Nghĩa Hành chưa hoàn tất vì chưa thi công hệ thống cống hộp 3x4x4 m. Không có cống, đồng nghĩa với việc có cầu cũng như không. Tuyến đường thuộc dự án dài 18 km, đến nay đã hoàn thành được 13 km; trong số 5 km còn lại đang dở dang, có khoảng 3 km thuộc phần đường dẫn lên cầu chưa được triển khai, trong đó có một đoạn phải làm cống. Vì vậy, địa phương đã mở một lối đi vòng tạm, dài khoảng 1 km bằng đất đỏ băng qua những cánh đồng thuộc địa bàn xã Nghĩa Hành. Một số người dân và giáo viên thường xuyên qua lại đoạn đường này đã tự góp tiền, thuê xe đổ đất đắp, để giảm độ dốc lên đầu cầu. Nhưng nếu mưa xuống đường này cũng hết sức lầy lội, trơn trượt, khó qua lại; chưa kể, nước sông dâng cao, đường lên cầu bị ngập, người dân và học sinh lại phải đi đò qua sông hết sức nguy hiểm.
Chị Phan Thị An, xóm Trung Sơn, xã Phú Sơn cho biết: “Tôi và nhiều người dân trong vùng này thường xuyên qua lại đây buôn bán làm ăn, trao đổi hàng hóa. Do cầu chưa xong phải đi đường tạm nên khi trời mưa xuống, người, xe máy, nhất là ô-tô chở mía, sắn... qua lại rất khó khăn”. Chị An cũng đề nghị, trong lúc chưa làm được cống hộp, đề nghị huyện Tân Kỳ trích kinh phí làm cầu tạm để thông đường dẫn lên cầu giúp người dân và học sinh đi qua cầu được thuận lợi, nhất là những ngày mưa lũ.
Phú Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Kỳ, có 1.450 hộ dân với 4.850 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 30%. Thu nhập của người dân ở đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp, với cây trồng chủ lực đó là 200 ha cây mía, 100 ha cây sắn và hơn 200 ha rừng nguyên liệu… nhưng do giao thông đi lại khó khăn, trục đường chính giao thương với các địa phương bị chia cắt nên nông sản làm ra khó xuất bán và bán với giá thấp hơn nhiều so với thị trường. Bởi vậy, đời sống của người dân ở đây mãi khó khăn, hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn gần 33%.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn Trần Ngọc Kỷ: “Dự án khởi công xây dựng đã 10 năm, đến nay cơ bản đã hoàn thành phần cầu, chỉ còn lại hai bên mố cầu chưa hoàn thiện nên nhân dân và hàng trăm học sinh đi lại rất khó khăn; đặc biệt các sản phẩm nông nghiệp nhân dân sản xuất phục vụ cho các nhà máy chế biến phải đi đường vòng, đội chi phí vận chuyển lên rất cao. Chúng tôi đề nghị chủ đầu tư ưu tiên sắp xếp nguồn vốn, làm nhanh đoạn đường dẫn lên cầu ở phía xã Nghĩa Hành cũng như sớm hoàn thành dự án, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn và tạo thuận lợi cho nhân dân lưu thông trên tuyến đường này”.
Tình trạng công trình dang dở gây bức xúc cho người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị cần sớm hoàn thiện dự án này tạo điều kiện thuận lợi lưu thông và phát triển kinh tế - xã hội của xã đặc biệt khó khăn Phú Sơn, cũng như cụm xã 135 ở khu vực này nhưng việc giải quyết của các cơ quan chức năng đấn nay vẫn dậm chân tại chỗ. Người dân nơi đây vẫn đang mong mỏi dự án sớm hoàn thành để niềm mơ ước suốt hàng chục năm qua trở thành hiện thực.