Sáng 4-11, tại Trụ sở T.Ư Đảng, Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021- 2026 họp cuộc đầu tiên, thông qua Quy chế làm việc, cách thức làm việc và bàn kế hoạch để xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ tới. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp, có các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tham gia BCĐ và Tổ giúp việc của BCĐ.
Sau khi nghe Ban Tổ chức T.Ư báo cáo, ý kiến thảo luận của các đồng chí trong BCĐ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kết luận cuộc họp. Đồng chí nêu rõ, công tác quy hoạch cán bộ, nhất là quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là công việc rất hệ trọng và đây là một bước chuẩn bị nhân sự cho Đại hội nhiệm kỳ tới của Đảng. Quy hoạch không phải là công tác nhân sự, nhưng là cơ sở rất quan trọng cho công tác nhân sự, vì thế trong quá trình thực hiện phải công phu, kỹ lưỡng, nghiêm túc, nếu phát hiện những trường hợp vi phạm, hoặc không đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì đưa ra khỏi quy hoạch, đồng thời bổ sung nhân tố mới đủ điều kiện vào quy hoạch. Đây là vấn đề nhạy cảm, do đó phải làm hết sức thận trọng, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng về công tác cán bộ, công tâm, khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, cá nhân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý phải làm từng bước chặt chẽ, khoa học. Khi làm quy hoạch phải chú ý tính toàn diện, trước hết là tiêu chuẩn. Cán bộ được đưa vào quy hoạch phải có trình độ về mọi mặt, có trình độ lý luận cơ bản, nắm vững chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, am hiểu công tác xây dựng Đảng, có trình độ chuyên môn; lưu ý các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, công nghệ. Cần có cơ cấu hợp lý, nhưng không vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn, tiêu chuẩn vẫn là yêu cầu hàng đầu. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh tuyệt đối không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cơ hội chính trị, quan điểm lệch lạc, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực, người thân, người quen không đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp chạy quy hoạch, chạy phiếu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý phải làm từng bước, từng nấc, chắc chắn, chặt chẽ, công phu, chi tiết; quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương, mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sau đó mới đến các chức danh chủ chốt. Đồng thời cần tính toán kỹ lưỡng thời điểm làm quy hoạch, nhất là với các chức danh chủ chốt.
Đối với BCĐ và Tổ giúp việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng đây là đội ngũ có trách nhiệm rất quan trọng vì đây là bước chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới. Từng đồng chí phải thật sự công tâm, trong sáng, khách quan, gương mẫu, tinh thông, tuyệt đối không tư lợi; các thành viên Tổ giúp việc phải là người giúp việc đắc lực, tin cậy của BCĐ.
Từ tình hình thực tế, nhất là qua phân tích một số vụ việc cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật trong thời gian vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng đó là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác cán bộ để tránh tình trạng ấy tái diễn. Các đồng chí trong BCĐ, Tổ giúp việc cần phát huy tinh thần, trách nhiệm, hết sức vì công việc, thực hiện nghiêm các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc làm việc; tuyệt đối không được lợi dụng công việc để vướng vào tiêu cực, nếu để xảy ra việc gì thì BCĐ, tổ giúp việc phải chịu trách nhiệm trước. Các đồng chí trong BCĐ, Tổ giúp việc phải là những người gương mẫu nêu đúng Quy định về trách nhiệm nêu gương của Ban Chấp hành Trung ương vừa mới ban hành.
Trước đó, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư đã đọc Quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026; Quyết định của Ban Bí thư về việc thành lập Tổ giúp việc của BCĐ; Quy chế làm việc của BCĐ; Dự thảo Kế hoạch xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026.
BCĐ gồm sáu đồng chí: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Minh Chính, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư; Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư.
BCĐ có nhiệm vụ xây dựng Quy chế làm việc, chương trình công tác; chỉ đạo cụ thể hóa Kế hoạch xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021- 2026, báo cáo Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến theo lộ trình trước khi Bộ Chính trị xem xét quyết định theo thẩm quyền. Tổ giúp việc gồm các đồng chí có tinh thần trách nhiệm cao; có phẩm chất, kinh nghiệm, năng lực và tin cậy, công tác ở các cơ quan: Ban Tổ chức T.Ư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Nội chính T.Ư, Văn phòng T.Ư Đảng, Bộ Nội vụ, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan.