Chủ nhật, ngày 5/5/2024

Hành lang pháp lý quan trọng cho giáo dục đại học

Thứ Tư 07/11/2018 18:05

Xem với cỡ chữ
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là cần thiết để tạo hành lang pháp lý một cách kịp thời cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy tự chủ, góp phần vào đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học một cách thực chất.

Tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khoá XIV sáng 6-11.

Sáng 6-11, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Dự án Luật GDĐH) trước Quốc hội. Theo báo cáo, việc thông qua Dự án Luật GDĐH tại kỳ họp này là cần thiết để tạo hành lang pháp lý một cách kịp thời cho các cơ sở GDĐH phát huy tự chủ, góp phần vào đổi mới, nâng cao chất lượng GDĐH một cách thực chất.

Báo cáo chỉ ra đẩy mạnh tự chủ đại học là nội dung quan trọng và là mục tiêu chính của việc sửa đổi Luật lần này. Cùng với việc giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học thì trách nhiệm quản lý nhà nước có nhiều thay đổi, chuyển từ quản lý sang tạo hành lang pháp lý, giám sát.

Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khoá XIV.

Cũng liên quan đến vấn đề tự chủ đại học, yêu cầu đặt ra khi đối với Dự thảo Luật GDĐH lần này là cần quy định toàn diện các nội dung, điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị đại học của của từng cơ sở GDĐH. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật GDĐH đã được chỉnh lý theo hướng giải thích rõ khái niệm tự chủ; quy định điều kiện, yêu cầu để được tự chủ; cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản; chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình và yêu cầu đặt ra đối với cơ sở GDĐH khi thực hiện tự chủ; quy định rõ khái niệm trách nhiệm giải trình và các nội dung về chất lượng, học phí, kết quả kiểm toán mà nhà trường phải thực hiện công khai, minh bạch với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên có lợi ích liên quan.

Về những ý kiến băn khoăn về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng trường và mối quan hệ giữa Hội đồng trường với các thiết chế quyền lực khác trong trường đại học, theo UBTVQH, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định chuyển một số thẩm quyền trước đây do cơ quan chủ quản và Hiệu trưởng quyết định sang cơ chế Hội đồng trường quyết định; chuyển từ chế độ Thủ trưởng sang chế độ quyết nghị của tập thể, theo đó, thực hiện quyền tự chủ thuộc về Hội đồng trường; Hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ điều hành, quản lý nhà trường theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Báo cáo giải trình chỉ ra điều này phù hợp với xu thế chung của GDĐH trên thế giới.

Tuy nhiên gắn với bối cảnh thực tế tổ chức, quản lý của các trường đại học Việt Nam hiện nay, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để việc hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện bảo đảm hài hòa mối quan hệ quản trị của Hội đồng trường với vai trò thực thi, điều hành của Hiệu trưởng linh hoạt, hiệu quả.

Về đề nghị cần quy định rõ hơn về kiểm định chất lượng, trách nhiệm của cơ sở GDĐH trong kiểm định chất lượng, Dự thảo Luật GDĐH bổ sung quy định về hệ thống bảo đảm chất lượng; trách nhiệm ban hành hệ thống các chuẩn về chương trình đào tạo, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng GDĐH; trách nhiệm của cơ sở GDĐH trong việc xây dựng hệ thống và kế hoạch thực hiện bảo đảm chất lượng đào tạo của nhà trường; bổ sung, chỉnh lý các quy định theo hướng nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức kiểm định chất lượng cũng như việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật GDĐH cũng được chỉnh lý theo hướng làm rõ những vấn đề khác như: quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc đầu tư cho GDĐH; đổi mới phương thức đầu tư, đa dạng hóa nguồn thu; rà soát quy định về tài chính, tài sản và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản đồng bộ với pháp luật liên quan; quy định rõ chính sách xã hội hóa GDĐH; làm rõ khái niệm cơ sở GDĐH tư thục không vì lợi nhuận và chính sách ưu tiên cho mô hình này; quy định cụ thể việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp điều kiện nguồn lực và tự chủ của cơ sở GDĐH; bổ sung kiến thức khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong chương trình đào tạo; quy định chuẩn thời gian đào tạo phù hợp với chương trình và phương thức đào tạo; quy định chặt chẽ yêu cầu, điều kiện chuẩn đối với cơ sở thực hành ở các ngành đặc thù; cho phép các trường đại học được khai thác, sử dụng chung cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm trọng điểm do Nhà nước đầu tư…

Bên cạnh nội dung tiếp thu, giải trình trên, UBTVQH cho biết đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan rà soát kỹ nội dung và kỹ thuật văn bản, bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp và thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan như thể hiện trong Dự thảo Luật kèm theo.

Theo Báo Nhân Dân Điện tử

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: