Thứ sáu, ngày 26/4/2024

Ninh Giang: Tập trung giám sát các vụ, việc có liên quan nhiều đến quyền và lợi ích của nhân dân

Thứ Bảy 01/09/2018 01:38

Xem với cỡ chữ
Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (gọi tắt là Quyết định số 217). Qua 5 năm triển khai thực hiện, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể  chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn huyện đã tổ chức được nhiều hoạt động, chương trình giám sát phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương

Trên cơ sở Quyết định số 217 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 25/02/2014 về việc lãnh đạo triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; Đ ề án số 01-ĐA/TU, ngày 2/8/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về "Phát huy vai trò giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội giai đoạn 2011- 2015"; Đề án số 09-ĐA/HU, ngày 07/9/2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy Ninh Giang về "Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội giai đoạn 2016 - 2020". Hàng năm, Ủy ban MTTQ huyện đều chủ trì, phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội huyện tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lựa chọn nội dung, chương trình giám sát phù hợp, tập trung vào việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Kết quả, trong 5 năm, Ủy ban MTTQ huyện đã chủ trì phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các ngành liên quan tổ chức được 6 cuộc giám sát, tập trung vào các nội dung như: giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 tại 5 xã (Văn Hội, Hiệp Lực, Ninh Hải, Hoàng Hanh, Ninh Hòa); giám sát công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021; việc phân bổ và thu, chi ngân sách phục vụ hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tại 6 xã trên địa bàn huyện từ năm 2014 – 2015; giám sát việc thực hiện “Quy vùng sản xuất lúa tập trung” theo Nghị quyết của Huyện ủy Ninh Giang tại 11 xã; việc thực hiện quy định của Nhà nước về cấp thẻ BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 - 2016 theo Quyết định số 705-QĐ/TTg tại 5 xã.

Đối với Ủy ban MTTQ cấp xã, đã chủ trì tổ chức được 189 cuộc giám sát, tập trung vào các nội dung trọng tâm của địa phương như: giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chính sách đối với người có công; cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, bầu trưởng thôn, khu dân cư; việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư; giám sát đầu tư của cộng đồng ... Trong 5 năm, Ban thanh tra nhân dân các xã, thị trấn đã phát hiện và kiến nghị với chính quyền các cấp tổng số 719 vụ việc, được các cấp chính quyền giải quyết 691 vụ việc, đạt 96,1%; phối hợp với tổ hoà giải ở cơ sở tham gia hoà giải thành 393 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Ngoài chương trình, nội dung giám sát do Ủy ban MTTQ các cấp trong huyện chủ trì, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn huyện đã tổ chức được 113 cuộc giám sát theo chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức như: Hội LH phụ nữ giám sát việc thực hiện Nghị định 56/2012/NĐ-CP, Luật phòng chống bạo lực gia đình và Luật Bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hội Cựu chiến binh giám sát thực hiện Quyết định số 47, 142, 62 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc Cựu chiến binh tham gia trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và thực hiện các quyết định của Thủ tưởng Chính phủ về việc chi trả chế độ chính sách cho các đối tượng tham gia kháng chiến và làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia chiến đấu tại biên giới phía Nam và phía Bắc. Hội Nông dân giám sát việc đầu tư các công trình phúc lợi xây dựng nông thôn mới ở các xã; việc xử lý đất dôi dư, xen kẹp trên địa bàn huyện; quy vùng xản xuất lúa tập trung; việc kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện theo nội dung chương trình phối hợp giám sát giai đoạn 2016 - 2020. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giám sát việc thực hiện Luật Thanh niên, các văn bản pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em; giám sát việc triển khai thực hiện chương trình Quốc gia về thanh niên…

Thông qua các hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội đã giúp cho cấp ủy, chính quyền các cấp thấy được những tồn tại, hạn chế, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân; phát huy dân chủ và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân trên địa bàn huyện, nhất là ở cơ sở.

Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: nhiều nơi còn lúng túng trong việc lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội, nhất là ở cấp cơ sở; hoạt động giám sát chưa thường xuyên, liên tục. Trình độ năng lực và kỹ năng của một số cán bộ Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội cơ sở trong việc tổ chức giám sát còn hạn chế; việc theo dõi thực hiện sau giám sát hiệu quả chưa cao. Công tác phối hợp giữa Uỷ ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp có lúc, có nơi chưa đồng bộ, chặt chẽ…

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện Quyết định số 217 của Bộ Chính trị, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp trên địa bàn huyện đã tổ chức rút kinh nghiệm và xác định, trong thời gian tới cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Quyết định số 217 của Bộ Chính trị , các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương , của tỉnh và của huyện; tiếp tục chủ động, phối hợp l àm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, đ ồng thời đề cao trách nhiệm phối hợp giữa Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội; tiếp tục tổ chức tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ giám sát và phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp trong huyện. Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; định kỳ sơ kết, tổng kết nhằm nhân rộng cách làm hay, có hiệu quả để rút kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thời gian tới.

Nguyễn Thị Quyên (Ban Dân vận Tỉnh ủy Hải Dương)

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: