Thứ ba, ngày 23/4/2024

Mãi sáng ngời tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng: Bài 2 - Vì sao phải bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng?

Thứ Sáu 19/05/2023 08:59

Xem với cỡ chữ
Các thế lực thù địch không ngừng tấn công, bôi nhọ tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm hạ thấp uy tín của Người, hòng xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 


Ngày 26.7.1962, Bác Hồ cùng đạp guồng nước chống úng với nhân dân xã Hiệp Lực (Ninh Giang)

Di sản tinh thần vô giá của Đảng và đất nước

Trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng ta xác định: “Đảng lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Chính nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam đó đã chỉ đường dẫn lối cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn đi đúng hướng, vượt qua bao “phong ba bão táp” để giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác trên chặng đường xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới đạo đức cách mạng. Dù trải qua nhiều thập kỷ, bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều biến động song các tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng vẫn còn vẹn nguyên tính khoa học, tính thực tiễn, tính thời đại, có giá trị to lớn, bền vững. Những tư tưởng ấy không cao xa mà rất gần gũi, không trừu tượng mà rất giản dị, đã thấm sâu, ngấm vào khối óc, con tim của bao thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam, biến thành những hành động cụ thể hằng ngày, tạo thành một sức mạnh vô địch trong bảo vệ, xây dựng Tổ quốc!

Thấu suốt được những giá trị vô giá trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, ở thời kỳ nào, trong giai đoạn cách mạng nào, Đảng ta cũng luôn vận dụng, kế thừa, phát huy, phát triển sáng tạo tư tưởng của Người.

Công tác xây dựng Đảng về đạo đức nói chung, xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên nói riêng là việc làm vừa cấp bách, vừa lâu dài. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, tiếp thu tư tưởng Hồ Chí Minh và xuất phát từ thực tế một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận, quy định, đồng thời tổ chức thực hiện quyết liệt để phòng chống những biểu hiện suy thoái. Tiêu biểu là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Kết luận số 21-KL/TW ngày 25.10.2021).

Trong Văn kiện Đại hội XII, bên cạnh công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, Đảng ta đã xác định thêm công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Tiếp tục kế thừa và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng mở rộng, làm sâu sắc thêm, sáng tạo nhiều điểm mới trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức: “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức. Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị”.

Làm thất bại sự chống phá của thế lực thù địch

Từ nhiều năm qua, các thế lực thù địch luôn tìm mọi thủ đoạn hòng lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam, phá hoại Nhà nước, bôi nhọ uy tín, hình ảnh các lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. Đặc biệt, chúng đã, đang và sẽ phủ định, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng. Thế lực thù địch thường đưa các luận điệu vô căn cứ rằng: “Con người Hồ Chí Minh huyền thoại chỉ được tạo dựng, tô vẽ nhờ thi ca, văn học, báo chí và các tư liệu. Còn con người thật thì đủ thói xấu...”. Chỉ dựa vào những thông tin thiếu kiểm chứng, không căn cứ, chúng cố tình xuyên tạc, bôi nhọ đời tư, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho rằng Bác có nhiều vợ; việc sang phương Tây không phải là để tìm đường cứu nước mà vì lợi ích cá nhân… Chúng bình luận sai trái rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là một tấm gương sáng ngời, vĩ đại về đạo đức thì không thể có tư tưởng về đạo đức cách mạng và đảng viên, người dân không nên học, làm theo những tư tưởng đó. 

Bôi nhọ tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng nói riêng, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, các thế lực thù địch có âm mưu thâm độc là hạ thấp, tiến tới xóa bỏ tư tưởng Hồ Chí Minh, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng để đánh đổ sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, việc bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là việc làm rất cần thiết, cấp bách, phải được tiến hành thường xuyên, đồng bộ, kiên quyết, kiên trì nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ đất nước, bảo vệ uy tín, hình ảnh cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thời gian tới, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sẽ ngày càng nặng nề. Để đạt mục tiêu “Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: trở thành nước phát triển, thu nhập cao” nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn dân tộc Việt Nam phải luôn luôn đoàn kết, nỗ lực, lao động sáng tạo, giữ vững kim chỉ nam trong hành động. Trên hành trình ấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng sẽ là một nguồn động lực, niềm động viên to lớn để tiến bước tới thành công!

Theo Báo Hải Dương

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: