Nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2023) và hưởng ứng Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3 năm 2023, từ số báo này, báo Hải Dương đăng loạt bài “Mãi sáng ngời tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng”.
Sinh thời, Bác Hồ đã có 5 lần về thăm, làm việc tại tỉnh Hải Dương. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân Hải Dương tại Hội trường Tỉnh ủy (nay là Bảo tàng tỉnh Hải Dương) ngày 31.5.1957
Lời dạy ấy của Bác Hồ về mối quan hệ giữa đạo đức và tài năng vẫn luôn hàm chứa giá trị lớn về lý luận và thực tiễn, được đông đảo cán bộ, đảng viên học tập và làm theo mỗi ngày.
Đạo đức là gốc của người cách mạng
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những di sản vô giá mà Người đã để lại cho Đảng, nhân dân Việt Nam và cùng với Chủ nghĩa Mác - Lênin tạo thành nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh bao trùm rất nhiều lĩnh vực như về cách mạng giải phóng dân tộc; Chủ nghĩa xã hội và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền và Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; về con người, văn hóa… Trong đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng là một bộ phận quan trọng, được Người đặc biệt quan tâm.
Sinh thời, Bác Hồ đã có nhiều lời căn dặn, huấn thị, chỉ đạo, viết nhiều tác phẩm sách, báo… để nói, bàn luận về đạo đức cách mạng. Các cuốn sách, bài viết, bài báo mà Bác Hồ bàn về đạo đức cách mạng nổi bật là “Đường Cách mệnh”, “Sửa đổi lối làm việc”, “Đạo đức cách mạng”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “Di chúc”…
Cuối năm 1958, Bác Hồ viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng” với bút danh Trần Lực. Trong tác phẩm này, nhìn nhận về nguồn gốc của đạo đức cách mạng, Bác Hồ đã có quan điểm rất sáng suốt, mang tính chân lý: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”.
Người từng chỉ rõ đạo đức là gốc của người cách mạng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”.
Bác chỉ rõ cách thức vun bồi đạo đức cách mạng
Người đưa ra một quan điểm về đạo đức cách mạng là: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên hết, lên trước lợi ích của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân. Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng”.
Nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo đức cách mạng. Người khẳng định mỗi người có năng lực, công việc to nhỏ khác nhau, song ai giữ được đạo đức cách mạng thì đều là người cao thượng và mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không.
Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những luận điểm, dẫn chứng sâu sắc, thuyết phục về các phẩm chất đạo đức của người cách mạng; thực trạng đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên; đồng thời chỉ rõ những định hướng, cách thức xây dựng, bồi tụ đạo đức cách mạng. Bác khẳng định những phẩm chất đạo đức cách mạng là trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; thương yêu con người, sống có tình có nghĩa; có tinh thần quốc tế trong sáng.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy mỗi cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng đạo đức suốt đời; nói phải đi đôi với làm; tích cực nêu gương; xây đi đôi với chống; thường xuyên tự phê bình và phê bình. Người huấn thị muốn xây dựng, giữ gìn đạo đức cách mạng thì mỗi người phải biết giữ kỷ luật, phòng chống các khuyết điểm, sai lầm, nhất là các chứng bệnh như: tham lam, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc lãnh tụ, “hữu danh vô thực”, kéo bè kéo cánh, cá nhân, lười biếng, xu nịnh a dua, tị nạnh. Sau khi phân tích thấu đáo nguyên nhân dẫn tới các khuyết điểm, các căn bệnh, người đã “kê đơn thuốc” rất chính xác để phòng chống. Mà “phương thuốc” hay nhất, theo Bác, đó là phải “thiết thực tự phê bình và phê bình”. Những lời chỉ bảo ân cần của Người thật sáng suốt, còn vẹn nguyên tính thực tiễn cho tới ngày nay và mãi mãi về sau!
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng vừa mang tính lý luận sâu sắc, vừa mang giá trị thực tiễn cao, được Bác nói, viết rất dễ hiểu, gần gũi nên có giá trị lớn, sức thuyết phục với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Và chính cuộc đời Bác Hồ là một hiện thân, một tấm gương vĩ đại về đạo đức cách mạng sáng ngời của một người chiến sĩ cộng sản, một người yêu nước, thương dân thiết tha, lại càng tạo sức lan tỏa, sức truyền cảm cho tư tưởng Hồ Chí Minh.