Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài, kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn, đầy sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mít tinh chào mừng Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945 tại thị xã Hải Dương
Khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng được tiến hành bằng sức mạnh của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta!”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước đã đồng loạt đứng dậy, tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Chỉ trong 1 tuần vào tháng 8.1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn.
Nhưng để có được thắng lợi đó là một quá trình chuẩn bị về mọi mặt suốt 15 năm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiến trình lãnh đạo cách mạng.
Trước hết, Đảng ta đã đưa ra đường lối cách mạng đúng đắn trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (tháng 2.1930) với mục tiêu: làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập và đi tới xã hội cộng sản. Trong đường lối đó đã giải quyết thành công mối quan hệ giữa vấn đề giai cấp với vấn đề dân tộc, giương cao ngọn cờ dân tộc, đặt vấn đề dân tộc lên trên, lên trước. Vì vậy, cách mạng đã tập hợp được lực lượng của cả dân tộc, ngoài công nông còn có các giai cấp và tầng lớp khác trong xã hội. Với 3 nghị quyết lịch sử gồm: Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (tháng 11.1939), 7 (tháng 11.1940) và 8 (tháng 5.1941) đã phát triển hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Đường lối đó đặt lợi ích và mục tiêu độc lập dân tộc lên trên hết, trước hết; dựa vào sức mạnh đoàn kết của toàn dân, xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất vững mạnh. Đường lối, chủ trương đó được bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với thực tiễn đấu tranh cách mạng như bản Chỉ thị lịch sử "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" của Thường vụ Trung ương Đảng ngày 12.3.1945; Nghị quyết hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào ngày 15.8.1945 và nhiều chủ trương quan trọng khác của Trung ương, của các Xứ ủy, Tỉnh ủy, thể hiện tầm trí tuệ, bản lĩnh chính trị, trách nhiệm cao của Đảng, của người lãnh đạo đối với dân tộc.
Thứ hai, sự chủ động, sáng tạo về xây dựng lực lượng cách mạng, theo chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: sự nghiệp giải phóng dân tộc phải bắt đầu từ dân, dân trước súng sau, có dân sẽ có súng, có dân thì có tất cả. Mặt trận Việt Minh ra đời (ngày19.5.1941) với các đoàn thể cứu quốc đã tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc hình thành đạo quân chính trị của quần chúng trên cả nước. Lực lượng đó bao gồm công nhân, nông dân, trí thức và mọi tầng lớp nhân dân có tinh thần yêu nước, quyết tâm đấu tranh giành độc lập. Từ lực lượng chính trị của quần chúng mà xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, hình thành các căn cứ địa cách mạng. Đảng ta và Bác Hồ đặc biệt coi trọng phát triển thực lực cách mạng "chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi". Thực lực cách mạng chỉ có được dựa trên công tác tổ chức, tuyên truyền thật sự có hiệu quả. Bác chỉ rõ tổ chức tuyên truyền càng rộng rãi, tức là cách mạng càng chóng thành công.
Thứ ba, Đảng ta hết sức chủ động, năng động và sáng tạo về hình thức, phương pháp đấu tranh, chủ động thúc đẩy và nắm bắt thời cơ, chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Tháng 5.1941, Trung ương Đảng xác định phương pháp cách mạng là thông qua con đường khởi nghĩa vũ trang để giành chính quyền, giành độc lập và đi từ khởi nghĩa từng phần đến tổng khởi nghĩa. Cách mạng Tháng Tám đã được hoàn thành bởi lực lượng chính trị của quần chúng có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang và đấu tranh quân sự. Hình thức khởi nghĩa chủ yếu là sự nổi dậy của quần chúng nhân dân với 3 loại hình: khởi nghĩa đồng thời nổ ra ở cả nông thôn và thành thị; khởi nghĩa từ nông thôn và kết thúc ở thành thị; khởi nghĩa ở đô thị và kết thúc ở nông thôn. Hình thức đấu tranh hết sức sáng tạo ở từng địa phương dựa trên cơ sở đã chủ động về chuẩn bị lực lượng và nắm bắt tình hình trong nước và thế giới. Khi phát xít Nhật đầu hàng, quân đồng minh chưa kịp vào, thời khắc lịch sử đến và đi rất nhanh chỉ một tuần vào cuối tháng 8.1945. Thời cơ này đã được Đảng, Bác Hồ lãnh đạo nhân dân chuẩn bị trước và chớp lấy thời cơ giành chính quyền. Hải Dương là một trong 4 tỉnh đã chủ động giành chính quyền trước ở tỉnh lỵ vào chiều 17.8.1945 khi thời cơ đến. Điều đó cho thấy Tỉnh ủy Hải Dương đã quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng vận dụng một cách sáng tạo vào tình hình cụ thể của địa phương. Lãnh đạo nhân dân chủ động chớp thời cơ giành chính quyền thắng lợi sớm nhất trong toàn quốc, góp phần quan trọng cho cuộc Tổng khởi nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi vĩ đại có ý nghĩa lịch sử với dân tộc và thời đại, đã để lại những bài học quý báu, trong đó có bài học về sự chủ động, sáng tạo, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Cách mạng Tháng Tám là một cuộc cách mạng điển hình thể hiện ở chỗ: khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước bằng sức mạnh của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ý nghĩa và bài học của Cách mạng Tháng Tám còn nguyên giá trị với mọi thời đại.