Thứ bảy, ngày 20/4/2024

Cẩm Giàng nơi giành chính quyền đầu tiên của tỉnh Hải Dương

Thứ Ba 17/08/2021 09:50

Xem với cỡ chữ
Cách đây 76 năm, vào ngày 17/8/1945 Cẩm Giàng là huyện đầu tiên giành chính quyền trong cách mạng Tháng 8 năm 1945 trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

 

Hình ảnh Cẩm Giàng hôm nay

Huyện Cẩm Giàng cách thành phố Hải Dương 13km về phía Tây Bắc, phía bắc giáp huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh); phía đông giáp huyện Nam Sách và TP.Hải Dương; phía nam giáp huyện Bình Giang và huyện Gia Lộc; phía tây giáp thị xã Mỹ Hào (tỉnh Hưng Yên) và huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh). Với diện tích tự nhiên 11011,85 ha; dân số hơn 150,6 nghìn người; huyện có 15 xã và 2 thị trấn.

Cẩm Giàng có truyền thống văn hóa - giáo dục lâu đời với 2 di tích Quốc gia được xếp hạng đặc biệt là Văn Miếu Mao Điền, xã Cẩm Điền - Trường học, trường thi xứ Đông và cụm di tích Đền Xưa (xã Cẩm Vũ) - Đền Bia (xã Cẩm Văn) và Chùa Giám (xã Cẩm Sơn). Không chỉ giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, Cẩm Giàng còn là nơi hội đủ những điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hai ngành nông nghiệp và công nghiệp với đất đai màu mỡ do phù sa sông Thái Bình bồi đắp. Hệ thống đường giao thông với 3 trục: quốc lộ 5A, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 38 nối đường 5A với đường 5B. Cẩm Giàng là vùng đất cổ được hình thành sớm trong lịch sử làng xã Việt Nam, thuộc trung tâm nền văn minh Châu thổ sông Hồng, nơi đây hiện còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích lịch sử- văn hóa và danh thắng.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam. Giữa năm 1944, đồng chí Học Phi về xem xét phong trào và bàn việc thành lập chi bộ Đảng để lãnh đạo phong trào. Cuối năm 1944, tại nhà riêng của đồng chí Ngô Thị Sâm (thôn Bình Phiên, xã Ngọc Liên), các đồng chí Ngô Thị Mỹ Hảo, Nguyễn Văn Ân, Nguyễn Văn Lâm được kết nạp vào Đảng; đồng thời thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Cẩm Giàng (tiền thân của Đảng bộ huyện Cẩm Giàng ngày nay) gồm 04 đồng chí do đồng chí Ngô Thị Sâm (tức Ba Miễn) làm Bí thư. Chi bộ Đảng ra đời là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào cách mạng địa phương trong thời gian này, là một bước ngoặt lịch sử của Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Chi bộ Đảng cộng sản được thành lập đã có tác động tích cực thúc đẩy lực lượng cách mạng lên một bước. Từ đây phong trào cách mạng phát triển, cơ sở Việt Minh bí mật được tổ chức ở một số nơi. Cùng với đó, từ Bình Phiên, thị trấn Cẩm Giàng, cơ sở quần chúng cách mạng được phát triển rộng sang các thôn thuộc khu Bắc huyện Cẩm Giàng. Bằng các hoạt động hợp pháp như tập võ, diễn kịch, thành lập các hội “Tương tế”, “Ái hữu” tương trợ nhau trong lúc đói nghèo… đã được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Cuối năm 1944, phát xít Nhật bị thất bại liên tiếp, Đảng cộng sản Việt Nam đã đề ra nội dung “Lãnh đạo toàn dân tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”. Lúc này các tổ nhóm Việt Minh phát triển rộng khắp trên địa bàn Cẩm Giàng như: Bình Phiên - Ngọc Liên, thị trấn Cẩm Giàng, Bằng - Phú Quân - Cẩm Định, Phú Lộc - Cẩm Vũ, Lường Xá - Lương Điền; Hòa Tô, Hoàng Xá - Cẩm Điền; Kim Đôi, Nga Hoàng - Cẩm Hoàng, Địch Tràng - Đức Chính, Hỷ Duyệt - Cẩm Hưng… Đến tháng 06/1945, hầu hết các xã, thị trấn có tổ chức Việt Minh tuyên truyền đường lối, chính sách của Mặt trận Việt Minh để giác ngộ quần chúng đấu tranh. Khu vực Phú Lộc là nơi trung tâm, căn cứ đi lại, hội họp để chỉ đạo phong trào cách mạng huyện Cẩm Giàng. Ngày 14/8/1945, Nhật đầu hàng đồng minh, chiến tranh thế giới hai kết thúc. Ngày 16/8/1945 tại thôn An Tĩnh (xã Cao An), Hội nghị cán bộ Việt Minh huyện Cẩm Giàng được triệu tập khẩn cấp đề ra công tác chuẩn bị giành chính quyền huyện. Ngày 17/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Mặt trận Việt Minh; quần chúng nhân dân, tự vệ Cẩm Giàng từ căn cứ Phú Lộc và nhiều nơi khác tiến vào huyện đường thu vũ khí, sổ sách, triện bạ… Tên tri huyện Cẩm Giàng Nguyễn Thiện Thuật sáng sớm 17/8/1945 bỏ trốn và bị lực lượng cách mạng bắt sống tại khúc sông thôn Phiên Thành, xã Tân Trường. Huyện Cẩm Giàng là huyện đầu tiên giành chính quyền trong cách mạng tháng 8 năm 1945 trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Sau khi giành chính quyền huyện, đoàn quân khởi nghĩa kéo về thôn Nga Hoàng (thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng ngày nay) mừng thắng lợi. Đoàn quân khởi nghĩa đi đến đâu cũng được quần chúng reo mừng hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam độc lập muôn năm”. Tiếp đó các cán bộ Việt Minh về thôn Bình Phiên họp lập Ủy ban cách mạng lâm thời. Lực lượng vũ trang và các lực lượng khác về thôn Phú Lộc chuẩn bị và bảo vệ cuộc mít tinh mừng chính quyền mới ra mắt. Sáng ngày 20/8/1945, cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại thị trấn Cẩm Giàng, từ ngày 20/8/1945 đến 22/8/1945 toàn bộ chính quyền cách mạng đã được thiết lập ở hầu hết từ huyện đến xã, thị trấn. Ngày 20/7/1946, một sự kiện quan trọng có nhiều ý nghĩa trong bước phát triển của phong trào cách mạng huyện Cẩm Giàng, đó là Hội nghị thành lập Đảng bộ huyện được triệu tập. Hội nghị đã quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ nhất, đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác về mọi mặt của huyện và cử ra ban Huyện ủy do đồng chí Ngô Thị Sâm làm Bí thư. Đây là sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị - xã hội của nhân dân huyện Cẩm Giàng; là mốc son lịch sử đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Cẩm Giàng, lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của huyện đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng tổ quốc đã có hàng vạn người con của quê hương lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Hàng ngàn người đi dân công hoả tuyến và thanh niên xung phong, nhiều gia đình có từ 5 đến 6 người con đều tham gia Quân đội, huyện Cẩm Giàng có trên 2.500 người con ưu tú đã anh dũng hi sinh, gần 1.300 thương, bệnh binh, hàng trăm bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Đặc biệt nhân dân và LLVT của huyện Cẩm Giàng và nhiều xã, thị trấn đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý anh hùng LLVT nhân dân. Đã có hàng ngàn tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương, Bằng có công với nước.

Khu công nghiệp Phúc Điền, huyện Cẩm Giàng

Phát huy truyền thống cách mạng, sau gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cẩm Giàng đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu quan trọng, đáng tự hào. Cuộc sống của người dân đã và đang đổi thay từng ngày. Kinh tế liên tục tăng trưởng khá và ổn định. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện giai đoạn 2015 - 2020 tăng bình quân 16,3%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 58,5 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng giá trị chăn nuôi - thuỷ sản, giảm tỷ trọng giá trị trồng trọt. Năm 2018, 17/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Cẩm Giang đạt chuẩn văn minh đô thị, huyện Cẩm Giàng vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt với Văn miếu Mao Điền và cụm di tích đền Xưa, chùa Giám, đền Bia, Bằng công nhận huyện Cẩm Giàng đạt chuẩn nông thôn mới và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước. Năm 2019, huyện Cẩm Giàng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới. 

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 7 khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp, trong đó có 5 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với 750 doanh nghiệp và hơn 60.000 lao động. Thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng, hoạt động quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa được thực hiện tốt. Toàn huyện hiện có 89,7 % làng văn hoá; 88,83% hộ gia đình đạt gia đình văn hoá; 45/53 trường (đạt 84,9%) đạt chuẩn Quốc gia; 17/17 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về Y tế. Quốc phòng, quân sự địa phương không ngừng được củng cố, tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt.. Đảng bộ huyện Cẩm Giàng có 41 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc với 6.253 đảng viên. 

Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cẩm Giàng tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, không ngừng tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục lãnh đạo nhân dân huyện nhà đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng huyện Cẩm Giàng phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV, năm 2030 trở thành thị xã. 

Trần Tâm

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: