Thứ sáu, ngày 20/9/2024

Thực trạng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Thứ Hai 27/05/2024 10:10

Xem với cỡ chữ
Những năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, du lịch Hải Dương đã phát triển và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thiết thực mang lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, từng bước quảng bá được sản phẩm du lịch của Hải Dương đến du khách trong và ngoài nước.

Đền Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh

Hải Dương là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với sự đa dạng về địa hình, cảnh quan thiên nhiên và số lượng các di tích lịch sử văn hóa. Hiện nay, với 3.199 di tích lịch sử, văn hoá, danh thắng, trong đó có 04 di tích được xếp hạng quốc gia (đặc biệt khu di tích và danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được Chính phủ đưa vào danh mục xây dựng thành khu du lịch quốc gia); 142 di tích quốc gia, 271 di tích cấp tỉnh, 17 khu, điểm du lịch; 11 bảo vật quốc gia; 11 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; 826 lễ hội truyền thống, là "cái nôi" của nghệ thuật Chèo, UNESCO công nhận Hát ca trù là di sản văn hóa đại diện của nhân loại; có nghệ thuật rối nước (Hồng Phong, Thanh Hải, Lê Lợi) nổi tiếng vùng đồng bằng sông Hồng; 66 làng nghề, trong đó có 34 làng nghề truyền thống; sản phẩm OCOP phong phú, đa dạng, làng nghề truyền thống, ẩm thực đặc sản nổi tiếng: bánh đậu xanh, bánh khảo, bánh gai, bún chả, chả rươi... Nhiều vùng có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn như: Đảo Cò Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện; sông Hương, huyện Thanh Hà; khu vực rừng phong xã Hoàng Hoa Thám, rừng dẻ xã Bắc An, thành phố Chí Linh; vùng hành, tỏi, thị xã Kinh Môn; vùng rươi, cáy huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kinh Môn; vùng cà rốt huyện Nam Sách và Cẩm Giàng...

Hải Dương không chỉ có tiềm năng và thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, giá trị lịch sử văn hoá mà còn thuận lợi về giao thông thuỷ, bộ, đường sắt, cảng biển và cảng hàng không, như quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng; quốc lộ 18 Hà Nội - Hải Dương - Quảng Ninh, cao tốc Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng, cảng biển Hải Phòng và cảng hàng không Cát Bi (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh) và Nội Bài (Hà Nội), đặc biệt là mạng lưới giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng như: cầu Dinh, cầu Quang Thanh kết nối với Hải Phòng; cầu Triều, cầu Đông Mai với Quảng Ninh; cầu Hiệp với Thái Bình...

Thời gian qua, ngành Văn hoá Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng Đề án "Du lịch thông minh" và triển khai thực hiện Đề án "Phát triển du lịch chất lượng cao…" với trọng tâm là phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chủ động trong việc khai thác, mời gọi đầu tư nhằm phát huy tối đa tiềm năng, tạo nhiều giá trị khác biệt từ những lợi thế sẵn có về tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hoá góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch có đủ sức cạnh tranh trong vùng, khu vực và cả nước trước xu thế hội nhập và phát triển. Hải Dương đã kí kết với các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng về nhiều lĩnh vực như: phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giao thông, an ninh - quốc phòng, du lịch; tích cực chia sẻ kinh nghiệm, liên kết trong đầu tư hạ tầng giao thông thuận lợi để góp phần phát triển du lịch.

Cùng với đó, tỉnh đã tập trung huy động nhiều nguồn lực phát triển du lịch du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 342 cơ sở lưu trú (khách sạn, homestay, nhà nghỉ) với tổng số 5731 phòng, trong đó có 56 khách sạn với 1892 phòng (01 khách sạn 4 sao, 04 khách sạn 3 sao, 04 khách sạn 2 sao, 02 khách sạn 1 sao, 45 khách sạn không đăng ký xếp hạng) và 6 homestay với 15 phòng; 35 doanh nghiệp lữ hành (24 nội địa, 11 quốc tế). Đã xây dựng, đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch chủ yếu gắn với tiềm năng du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp nông thôn với các khu, điểm du lịch như: Du lịch văn hóa tham quan danh lam thắng cảnh tại Côn Sơn - Kiếp Bạc, An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, đền Chu Văn An, đền Tranh, đền Khúc Thừa Dụ, Văn miếu Mao Điền, đền Bia, chùa Giám, đền Xưa. Du lịch lễ hội gắn với các lễ hội tiêu biểu như lễ hội mùa Xuân, mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, lễ hội đền Cao An  Phụ, lễ hội chùa Nhẫm Dương, lễ hội Văn Miếu Mao Điền, lễ hội đền Tranh, lễ hội làng Tiến sĩ Mộ Trạch… Du lịch nông nghiệp, nông thôn: Đảo cò Chi Lăng Nam - Thanh Miện; sông Hương - Thanh Hà với các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu (vải, ổi, bưởi, rươi, cáy); Kinh Môn (cam, hành, tỏi, đà điểu); Chí Linh (na, nhãn); Nam Sách (hành, tỏi, cà rốt); Tứ Kỳ (rươi, cáy), làng nghề Gốm Chu Đậu, làng nghề gỗ Đông Giao...

Đảo cò Chi Lăng Nam - huyện Thanh Miện

Đồng thời, tích cực thực hiện giới thiệu, quảng bá văn hóa, du lịch Hải Dương đến bạn bè quốc tế thông qua việc tham gia các hội nghị liên kết, hợp tác, các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá văn hoá, du lịch của tỉnh với các địa phương các nước (tỉnh Viêng Chăn (CHDCND Lào), thành phố Tế Nam (Trung Quốc), Changwon (Hàn Quốc), Kagoshima (Nhật Bản);... Tham gia hội chợ, triển lãm, sự kiện về du lịch trong nước và quốc tế; xây dựng các gian hàng giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch bằng hình ảnh các điểm đến hấp dẫn, các dịch vụ du lịch, các sản phẩm du lịch của tỉnh... Qua đó giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch tiêu biểu và sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh, góp phần giới thiệu, quảng bá về văn hóa, con người Hải Dương đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Nhờ đó, du lịch của tỉnh đã bước đầu tăng trưởng và phát triển cả về sản phẩm du lịch, số lượng khách và tổng thu du lịch. Mặc dù chịu tác động gay gắt của đại dịch Covid-19, du lịch của tỉnh vẫn cố gắng vượt qua thách thức, đạt được kết quả đáng ghi nhận, năm 2021 đón 13,7 nghìn lượt khách, năm 2022 đón 1.231 nghìn lượt khách. Năm 2023 du lịch của tỉnh đã có những bước phục hồi, phát triển trở lại, toàn tỉnh ước đón 1.801.485 lượt khách, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đón 73.782 lượt tăng 45,6% so với năm 2022, khách nội địa đón 1.727.702 lượt tăng 46,3% so với năm 2022; với doanh thu đạt 861,35 tỷ đồng, tăng 46,6% so với cùng kỳ năm 2022. Ước tính 6 tháng năm 2024, toàn tỉnh ước đón trên 1.443.894 lượt khách, tăng 57 % so với cùng kỳ năm 2023; trong đó khách nội địa đón khoảng 1.405.215 lượt khách, khách quốc tế đón khoảng 38.639 lượt khách; với doanh thu ước đạt 614,74 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Sản phẩm du lịch chưa rõ nét, thiếu các dịch vụ cần thiết tại điểm đến, chi tiêu của khách du lịch nội địa và quốc tế còn thấp, thời gian lưu trú ngắn; nhất là tại các khu du lịch trọng điểm đã được quy hoạch, các điểm du lịch còn thiếu nhà đón khách và trưng bày, giới thiệu sản phẩm, chưa có phương tiện vận chuyển khách nội vùng, đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe tại các khu, điểm du lịch còn nhỏ, hẹp, nhà vệ sinh công cộng chưa đạt chuẩn... Do đó, chưa thu hút, tạo động lực cho nhiều nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch; còn thiếu nguồn nhân lực du lịch có chất lượng...

Theo Quy hoạch tỉnh Hải Dương, phương án phát triển các khu tổ hợp sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng triển khai trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có 18 khu gồm: Khu du lịch Đảo Ngọc, khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (hình thành khu du lịch quốc gia), khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long, khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí Cồn Vĩnh Trụ; tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đập Viễn; khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nông nghiệp công nghệ cao (du lịch dưới tán rừng); khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với quần thể di tích chùa Thanh Mai; làng du lịch thôn Thanh Mai gắn với vùng trồng hoa; Phát triển các bến thuyền (địa bàn thành phố Chí Linh) phục vụ du lịch; khu du lịch An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương; khu du lịch làng nghề truyền thống gỗ Đông Giao; khu du lịch nông nghiệp sinh thái An Thanh; khu du lịch văn hóa Gốm Chu Đậu; khu du lịch sinh thái Đảo Cò; khu du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nông nghiệp và làng nghề truyền thống huyện Ninh Giang; khu du lịch sinh thái sông Hương và khu du lịch dịch vụ tổng hợp, nghỉ dưỡng và sân gôn Bãi Soi (Tứ Kỳ, Thanh Hà)...

Để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động du lịch của tỉnh trong thời gian tới cần thiết phải có những chính sách hỗ trợ nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển du lịch của tỉnh đã đề ra.

VPTU

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: