Không ít người lao động của Hải Dương chấp nhận phận “4 không”: không hợp đồng, không bảo hiểm xã hội, không bảo hiểm y tế và không được hưởng những phúc lợi của lao động khi không may có sự cố.
Tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân (ảnh Bảo hiểm xã hội Hải Dương)
Thiệt thòi
Anh Nguyễn Văn Hanh, quê ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) năm nay 35 tuổi thì có tới 10 năm kinh nghiệm làm thợ xây. Suốt một thập kỷ gắn bó với nghề “chưa ráo mồ hôi đã hết tiền”, nhưng anh Hanh chưa bao giờ được ký hợp đồng lao động. Chủ thầu cũng không quan tâm đóng bảo hiểm xã hội cho anh cũng như nhiều lao động khác.
Anh Hanh cho biết làm thợ xây chỉ mong mỗi ngày nhận đủ 300.000 đồng tiền công để trang trải cuộc sống nên cũng không còn dư để mua bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế tự nguyện. “Họ chỉ nhận chúng tôi vào làm vài ba tháng, khi xong công trình họ lại nhận nhóm thợ khác nên cũng không ký hợp đồng lao động với bất cứ ai, kể cả thợ chính”, anh Hanh nói.
Nhiều thợ xây không được ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội... nên rất thiệt thòi
Phận lao động “4 không” như anh Hanh không hiếm ở nhiều địa phương trong tỉnh. Chị Phạm Thị Mai quê ở xã Cổ Bì (Bình Giang) trong một lần đi làm thuê ở thị trấn Kẻ Sặt bị tai nạn lao động và từ đó mang đôi chân không lành lặn. Từ ngày bị tai nạn, chị Mai không thể đi làm xa mà chỉ quanh quẩn chăm mấy sào ruộng và làm thuê cho một xưởng gấp vàng mã gần nhà. Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng gia đình chị Mai không thuộc diện hộ nghèo để được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế. “Lao động tự do không để ý mua bảo hiểm xã hội tự nguyện nên khi bị tai nạn tôi không được nhận bất cứ trợ cấp nào. Thường xuyên ốm đau, chi phí sinh hoạt gia đình, tiền đóng học cho con trông cậy cả vào đồng lương của chồng nên tôi chưa dám mua bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế tự nguyện”, chị Mai chia sẻ.
Anh Hanh, chị Mai chỉ là hai trong số hàng nghìn lao động thuộc khu vực phi chính thức tại Hải Dương. Họ thường có việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, không có hợp đồng lao động, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác. Khi đau ốm hay chẳng may gặp tai nạn lao động họ sẽ không được nhận bất cứ một khoản hỗ trợ nào. Khi hết tuổi lao động họ cũng không có lương hưu.
Nhiều lao động tự do phải làm việc với cường độ cao, trong môi trường độc hại nhưng thiếu các phương tiện bảo hộ lao động thiết yếu, thiếu kỹ năng vệ sinh, an toàn lao động. Vì không có hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế nên ngoài công việc thiếu ổn định, thu nhập thấp thì họ còn ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội, không được hưởng chế độ thai sản, tai nạn, bệnh nghề nghiệp, khám sức khỏe định kỳ, tham gia đào tạo nâng cao tay nghề, huấn luyện an toàn lao động…
Không để lọt lưới an sinh
Theo Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có khoảng 33 triệu lao động tự do, chiếm hơn 65% tổng số lao động trong cả nước. Trong đó có hơn 97% số lao động phi chính thức không được đóng bảo hiểm xã hội.
Lực lượng lao động tự do ở Hải Dương lớn nên chính sách an sinh xã hội cho họ cần được quan tâm
Tại Hải Dương, số người tham gia bảo hiểm xã hội cũng mới chiếm 44,7% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới chiếm hơn 11%. Số lao động tự do đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện lại càng ít.
Gần đây Nhà nước thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế toàn dân để tạo điều kiện cho mọi người được chăm sóc sức khỏe, được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất khi về già. Đặc biệt, để khuyến khích người lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, Quốc hội đang xem xét bổ sung chế độ thai sản vào bảo hiểm xã hội tự nguyện, thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện dự kiến sẽ giảm từ 20 năm xuống 15 năm.
Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ giúp lao động tự do có lương hưu khi về già
Theo ông Hoàng Văn Bảo, nguyên Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thì Nhà nước cũng cần sớm thay đổi chính sách bảo hiểm. Không cần phải rạch ròi hai loại bảo hiểm bắt buộc hay tự nguyện. Đóng bảo hiểm cần dựa trên nguyên tắc có đóng, có hưởng “Người lao động ở hai khu vực (chính thức và phi chính thức) cần bình đẳng các chế độ như nhau, đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu”, ông Bảo nói.
Tỷ lệ lao động tự do (lao động thuộc khu vực phi chính thức) của Hải Dương hiện chiếm hơn 60% tổng số lao động của tỉnh. Chiếm tỷ lệ không nhỏ nên việc chăm lo cho lao động khu vực này rất cần thiết. Từ năm 2021 đến tháng 4/2024, Hải Dương đã ban hành 23 Nghị quyết thực hiện các chính sách an sinh xã hội nhưng lại chưa có nhiều chương trình an sinh dành cho lao động khu vực phi chính thức.
Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động tự do được hưởng những lợi ích thiết thực. Được chi trả lương hằng tháng như cán bộ, công nhân, viên chức; được hưởng lương hưu ngay khi nộp đủ số tháng theo thời gian quy định... Bên cạnh đó, người lao động tự do còn có cơ hội tiếp cận với các chính sách khác như bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất… Lợi ích nhiều như vậy nên lao động tự do cần quan tâm hơn đến việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tránh những rủi ro và được hưởng những quyền lợi chính đáng của người lao động.