Thứ năm, ngày 2/5/2024

Cuốn sách của Tổng Bí thư lan tỏa xung lực lớn, đẩy lùi trở lực mới - Bài cuối: Nhân lên thuận lợi, giải quyết thách thức thế nào?

Thứ Hai 19/06/2023 10:31

Xem với cỡ chữ
Những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức luôn phát sinh đan xen trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đòi hỏi tất yếu là phải biết nhân lên những yếu tố thuận lợi và xử lý tốt các chướng ngại.

 

Giải quyết mối quan hệ hữu cơ

Như đã phân tích, cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” giống như những xung lực lớn trong cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm”. Tuy nhiên, thế lực thù địch tung ra luận điệu tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm do "hệ lụy, hệ quả" của công cuộc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là khó khăn mới.
 


Sáng 14.6.2023, phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến thông báo nhanh kết quả Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII và học tập, quán triệt, tuyên truyền tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng nhấn mạnh các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương trong tỉnh tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu kỹ tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để áp dụng vào thực tế công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Do đó, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho cả hệ thống chính trị và nhân dân ta là cần biết nhân lên, phát huy yếu tố thuận lợi, đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi nhân tố làm cản trở công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đây giống như 2 mặt của một vấn đề, có quan hệ khăng khít, hữu cơ với nhau. Việc giải quyết vấn đề này sẽ tác động tới vấn đề kia và ngược lại. Làm tốt việc phát huy giá trị cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là “đòn giáng” mạnh vào luận điệu xuyên tạc cho rằng tình trạng thiếu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên có hệ lụy từ công cuộc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ngược lại, đấu tranh với luận điệu này thì cần quan tâm tới các biện pháp nhằm lan tỏa giá trị, tác dụng cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngay từ khi xuất bản vào tháng 2.2023, cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” đã tạo được tiếng vang. Nhiều bạn đọc chủ động mua, tìm hiểu nội dung cuốn sách để học tập, nghiên cứu, mở rộng hiểu biết. Rất kịp thời, cả hệ thống chính trị đang tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về nội dung tác phẩm này.

Một số kiến nghị

Với vai trò như một cẩm nang trong công tác phòng chống tham nhũng và tiêu cực, việc học tập, quán triệt tư tưởng, nội dung cốt lõi của cuốn sách và áp dụng những tư tưởng đó trong thực tế đấu tranh với "giặc nội xâm" giai đoạn tới là một yêu cầu tất yếu, một đòi hỏi cấp bách, khách quan từ thực tiễn.
 


Các cán bộ của tỉnh Hải Dương chăm chú học tập, lĩnh hội nội dung tác phẩm  “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng


Để góp ý thực hiện tốt nhiệm vụ, yêu cầu này, tôi xin kiến nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cần làm tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cả hệ thống chính trị và tới đông đảo nhân dân về nội dung, giá trị cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Công tác tuyên truyền cần được tiến hành đồng bộ, đa dạng như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, tại các cuộc họp, hội nghị của các cấp, ngành, đoàn thể… Giới thiệu cuốn sách trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ. Tổ chức các cuộc tọa đàm, trao đổi, hội thảo, cuộc thi… để phân tích, làm sáng tỏ các kết quả nổi bật, khó khăn, thách thức, các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đề cập trong sách. Ngành văn hóa cần tạo điều kiện thuận lợi để các văn nghệ sĩ, trí thức sáng tác các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật liên quan tới cuốn sách. Ngành giáo dục và đào tạo, ngành lao động cần đưa nội dung tác phẩm vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong hệ thống cơ sở giáo dục - đào tạo quốc dân, các trường đào tạo nghề, trường bồi dưỡng lý luận chính trị.

Thứ 2, cần thể chế hóa, cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra trong cuốn sách thành quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chương trình hành động, kế hoạch của từng cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương. Phải biến những tư tưởng, lý luận, bài học kinh nghiệm trong sách thành những hành động trên thực tế, đẩy mạnh hơn nữa công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, giành thêm những thắng lợi mới, to lớn hơn để thỏa mãn tâm nguyện cao đẹp của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thứ 3, trên cơ sở tư tưởng, phương châm chỉ đạo và những đúc kết thực tiễn trong sách, các cơ quan nghiên cứu lý luận cần tổ chức nghiên cứu, phát triển thêm để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện lý luận về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình đổi mới đất nước, ở giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Phản bác kịp thời, đấu tranh hiệu quả

Tôi nghĩ rằng một yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải nhận diện, phản bác, đấu tranh kịp thời, hiệu quả với quan điểm sai trái cho rằng tình trạng thiếu trách nhiệm của một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên là do “hệ lụy”, “hậu quả” của công cuộc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nếu chậm trễ đấu tranh, đấu tranh không sắc bén với luận điệu sai trái nêu trên sẽ rất nguy hiểm bởi thế lực thù địch sẽ tiếp tục kích động, chống phá để gây tâm lý dao động, nghi ngờ về thành tựu của cuộc chiến chống “giặc nội xâm”.
 


Nhiều giảng viên Trường Chính trị tỉnh Hải Dương chủ động nghiên cứu, thảo luận về nội dung cuốn sách mới của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Để xác định các nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả tấn công vào luận điệu sai trái này, tôi xin kiến nghị một số giải pháp sau:

Một là, cơ quan chức năng cần khoanh định rõ đối tượng thù địch và những cán bộ, đảng viên tiêu cực, suy thoái đã tạo dựng, phát ngôn, phát tán, cổ vũ cho luận điệu sai trái để có biện pháp đấu tranh phù hợp. Với những cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm, năng lực yếu, có nhận thức lệch lạc thì cần phân loại theo nguyên nhân, tính chất, mức độ để áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp. Những người do thiếu hiểu biết mà dẫn tới sai lầm, có vi phạm lần đầu, không nghiêm trọng thì có thể nhắc nhở, phê bình. Với những người nhận thức rõ song cố tình vi phạm, chống phá, không ăn năn hối cải thì tùy theo tính chất, mức độ nặng nhẹ để xử lý hành chính, xử lý kỷ luật Đảng, thậm chí xử lý hình sự. Những tổ chức nào mà để xảy ra tình trạng cán bộ phát tán, cổ vũ cho luận điệu sai trái thì cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm, gắn với xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Với những thế lực thù địch ở bên ngoài, hệ thống chính trị, mà nòng cốt là Ban Chỉ đạo 35 các cấp cần tổ chức đấu tranh quyết liệt, mạnh mẽ, kiên trì.

Hai là, Nhà nước cần tăng cường hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật. Điều này sẽ tạo môi trường lành mạnh để cán bộ phát huy đầy đủ tinh thần trách nhiệm.

Ba là, Chính phủ sớm thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ Kết luận số 14-KL/TW ngày 22.9.2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Nếu làm tốt việc này sẽ giúp đội ngũ cán bộ yên tâm, dám đột phá, sáng tạo, khắc phục tình trạng thiếu trách nhiệm, sợ chịu trách nhiệm như hiện nay. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm phát hiện, bảo vệ, biểu dương những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Khi viết những dòng cuối cùng của loạt bài này, tôi chợt hướng mắt nhìn bầu trời trong xanh cao vời vợi và ngẫm nghĩ về cuộc chiến chống “giặc nội xâm” rất cam go, gian khổ. Song tôi luôn luôn có niềm tin tưởng sắt đá rằng: Kế thừa những thành tựu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, Đảng ta sẽ tiếp tục lãnh đạo hệ thống chính trị, nhân dân giành thêm những kết quả to lớn, toàn diện trong những năm tiếp theo, để dựng xây hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
 

Qua hơn 4 tháng từ lúc được xuất bản, thực tiễn đã xuất hiện một số cách làm tốt, sáng tạo trong việc học tập, tuyên truyền, làm theo nội dung cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sáng 14.6.2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức Hội nghị trực tuyến thông báo nhanh kết quả Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII và học tập, quán triệt, tuyên truyền tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hội nghị được tổ chức tại điểm cầu cấp tỉnh, kết nối trực tuyến tới tất cả 12 điểm cầu ở các huyện, thị xã, thành phố và 36 điểm cầu cơ sở với tổng số gần 8.800 đại biểu tham dự.

Ngày 9.5.2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo đưa nội dung về phòng chống tham nhũng vào giảng dạy tại các trường đại học. Trong số các tài liệu giảng dạy có cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngày 20.4.2023, Ban Thường vụ Đoàn Khối các cơ quan Trung ương tổ chức ra mắt Bộ công cụ tuyên truyền về cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.  
Theo Báo Hải Dương

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: