Giai đoạn 2020 - 2022, tỉnh Hải Dương đã thực hiện tốt các chính sách pháp luật hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên góp phần duy trì việc làm, tạo thêm việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Hình ảnh: Tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên nông thôn tại huyện Nam Sách năm 2021
Năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 379.600 thanh niên, chiếm khoảng 19,6% tổng dân số, trong đó nam là 190.391 người chiếm 50,1%, nữ là 189.217 người chiếm 49,9%; thanh niên sống ở thành thị là 119.160 người chiếm 31,3%, thanh niên sống ở nông thôn là 260.448 người chiếm 68,7%. Số thanh niên có việc làm là 212.576 người, chiếm tỷ lệ 56% tổng số thanh niên. Thời gian qua, tỉnh Hải Dương đã thực hiện tốt các chính sách pháp luật hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên góp phần duy trì việc làm, tạo thêm việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh nhà.
Xác định được vị trí và tầm quan trọng của việc triển khai phổ biến, tuyên truyền chính sách trong quá trình thực hiện chính sách về việc làm cho thanh niên, các cấp, các ngành và các địa phương đã đưa ra nhiều hình thức phong phú, đa dạng và hiệu quả. Các cơ quan chức năng, đoàn thể chính trị - xã hội đã thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, các hội nghị tập huấn, các buổi giao ban.. để tuyên truyền các chính sách cho thanh niên. Ngoài các hình thức tuyên truyền truyền thống thì các hình thức mới áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin và mạng internet như giao lưu trực tuyến, hỏi đáp trực tiếp hoặc trao đổi qua hộp thư điện tử... được áp dụng và triển khai thực hiện.
Thực hiện các chương trình, đề án của Nhà nước về hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, tỉnh Hải Dương đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện chính sách. Công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên được triển khai thực hiện nhanh chóng, đạt được nhiều kết quả tích cực. Đã tư vấn việc làm, tư vấn học nghề và tư vấn pháp luật lao động, giới thiệu việc làm cho 67.532 lượt lao động. Thường xuyên nắm bắt tình hình lao động tại các doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động hoặc giới thiệu việc làm cho lao động bị cắt giảm. Năm 2023, theo báo cáo của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động cả năm là 44.737 lao động.
Đồng thời, đã tổ chức 03 ngày hội và 02 Hội nghị tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh, thu hút sự tham gia trực tiếp của 3.100 học sinh THCS, THPT và trên 6.000 học sinh theo hình thức trực tuyến. Qua đó đã phát động và đẩy mạnh các hoạt động tư vấn tuyển sinh, giáo dục nghề nghiệp ở các địa phương còn lại trên địa bàn tỉnh. Thị trường lao động được tiếp tục củng cố và phát triển, đã tổ chức 198 phiên giao dịch việc làm thu hút sự tham gia của 4.472 doanh nghiệp và người lao động, trong đó số người nhận được việc làm sau khi phỏng vấn, giới thiệu là 11.526 người.
Tăng cường hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp; thực hiện ưu đãi tín dụng cho thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp; hỗ trợ vay vốn, ưu đãi thuế, tín dụng để phát triển sản xuất. Hằng năm, tổ chức các hoạt động thúc đẩy thanh niên sáng tạo trong khỏi nghiệp, lập nghiệp như: Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp; Ngày hội việc làm; Tọa đàm thanh niên khởi nghiệp; Triển lãm giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP, khởi nghiệp thanh niên… thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia. Trong giai đoạn 2020 - 2022, đã hỗ trợ và giới thiệu 104 dự án khởi nghiệp của thanh niên đến Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giúp giải ngân và cho vay theo Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019 - 2025 với tổng nguồn vốn trên 8 tỷ đồng. Giai đoạn 2020 - 2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới được 112.666 lao động, đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài 20.358 người, trong đó có 13.664 thanh niên. Phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay số tiền 392,096 tỷ đồng, thu hút 7.417 dự án và tạo việc làm mới cho 7.417 lao động.
Hình ảnh: Giới thiệu sản phẩm OCOP và khởi nghiệp của thanh niên làm kinh tế tiêu biểu của Hải Dương năm 2022
Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Kết quả từ năm 2020 - 2022, toàn tỉnh tuyển mới được 114.303 người, trong đó cao đẳng 6.295 người, trung cấp 11.155 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 96.853 người. Cùng với đó, đã triển khai đồng bộ, thường xuyên, phù hợp và hiệu quả các chính sách hỗ trợ đối với thanh niên thất nghiệp, thanh niên mất việc làm. Thời gian qua, đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của 38.466 người lao động; ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng đối với 37.213 người với tổng số kinh phí gần 725,3 tỷ đồng; tổng số thanh niên được hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 10.357 người. Thực hiện chính sách hỗ trợ học nghề đối với 494 người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số kinh phí 3,45 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chính sách pháp luật về việc làm đối với thanh niên trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: Thông tin về thị trường lao động chưa được cập nhật trên hệ thống dữ liệu, việc kết nối giữa người tìm việc và người sử dụng lao động chưa thuận lợi, linh hoạt và hiệu quả. Lao động trong thanh niên chưa qua đào tạo nghề còn cao, nhất là thanh niên nông thôn chưa tiếp cận được nhiều thông tin đào tạo nghề, cơ hội tìm việc làm sau đào tạo nghề còn hạn chế. Một bộ phận thanh niên chưa tích cực học tập, rèn luyện; sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc, thụ động lười lao động; có lối sống đua đòi, hưởng thụ dẫn đến sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Công tác phối hợp giữa chính quyền và các đoàn thể của một số phường, xã trên địa bàn trong triển khai chính sách, pháp luật về việc làm cho thanh niên hiệu quả chưa cao. Tình trạng vi phạm pháp luật trong một số bộ phận thanh niên còn xảy ra, nhất là vi phạm luật an toàn giao thông, mắc các tệ nạn xã hội, gây rối trật tự công cộng…
Trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp để nâng cao việc làm cho thanh niên, đó là: Huy động sự tham gia toàn diện, đồng bộ của cả hệ thống chính trị đối với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm;; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nói chung và thanh niên nói riêng; phối hợp tổ chức tư vấn cho người lao động về các chương trình đào tạo nghề, thông tin về việc làm để người lao động lựa chọn cho mình ngành nghề và việc làm phù hợp; tiến hành rà soát, cập nhật dữ liệu thông tin cung - cầu lao động để theo dõi, quản lý; tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường lao động có thu nhập cao, ổn định để cung cấp thông tin cho người lao động; tăng cường thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động...