Từ 25/8, Công an tỉnh niêm yết công khai thủ tục hành chính và đánh giá sự hài lòng của người dân khi thực hiện thủ tục hành chính bằng mã QR-code
Nhằm đẩy mạnh hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công, Công an tỉnh đã xây dựng Bộ mã QR-code niêm yết công khai các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an tỉnh, gồm 12 mã QR-code tương ứng với 12 lĩnh vực giải quyết TTHC ở cả 03 cấp tỉnh, huyện, xã (gồm: đăng ký quản lý cư trú; cấp, quản lý CCCD; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; đăng ký, quản lý con dấu; PCCC; quản lý xuất nhập cảnh; tổ chức cán bộ; chính sách; khiếu nại, tố cáo; nộp phạt vi phạm hành chính về giao thông; quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT; đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) và 01 mã QR-code theo dõi, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức khi thực hiện TTHC. Bộ mã QR-code này vừa được niêm yết công khai tại các điểm tiếp công dân giải quyết TTHC của tất cả các phòng có chức năng giải quyết TTHC thuộc Công an tỉnh, 12 Công an huyện, thị xã, thành phố, 235 Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh hướng dẫn người dân thao tác quét mã QR khi đến giải quyết TTHC tại đơn vị
Từ 25/8/2022, người dân, tổ chức khi thực hiện TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an tỉnh có thể sử dụng điện thoại thông minh có kết nối Internet để quét mã QR-code tra cứu nhanh thông tin về thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết TTHC (bao gồm cả thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến đối với các TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an) và đánh giá sự hài lòng sau khi thực hiện TTHC.
Trong thời gian đầu triển khai, các đơn vị có chức năng giải quyết TTHC thuộc Công an tỉnh đã phân công cán bộ trực tiếp hướng dẫn công dân đến giải quyết thủ tục hành chính các thao tác thực hiện quét mã QR-code.
Triển khai Bộ mã QR-code không chỉ tạo thuận lợi cho tổ chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong việc giải quyết TTHC mà còn giúp lãnh đạo Công an tỉnh nhanh chóng nắm được chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết TTHC trong từng lĩnh vực, của từng đơn vị, trên cơ sở đó kịp thời có biện pháp chỉ đạo, chấn chỉnh (trong trường hợp đột xuất khi công dân đánh giá chất lượng công tác giải quyết thủ tục hành chính ở mức “Không hài lòng” hoặc“Rất không hài lòng”), qua đó góp phần đẩy mạnh chất lượng, tiến độ thực hiện dịch vụ hành chính công thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an tỉnh trong thời gian tới.