Chủ nhật, ngày 24/11/2024

Trách nhiệm và nghĩa tình

Thứ Năm 16/07/2020 10:54

Xem với cỡ chữ
Đã từ lâu phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" ở tỉnh Hải Dương không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa tình. Nó đã lan tỏa trở thành nét đẹp trong Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân và toàn thể xã hội. Đó là sự biết ơn, lời tri ân sâu sắc của quê hương Hải Dương đến những người có công (NCC) với cách mạng.

 

Cán bộ chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quy tập hài cốt các liệt sĩ ở xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ).

Lan tỏa phong trào đền ơn đáp nghĩa

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta bất kể trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn ghi nhớ công ơn to lớn của các thương binh, liệt sĩ, những người đã hy sinh hoặc bỏ lại một phần xương máu của mình trên chiến trường vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Thực hiện mong ước ấy của Bác, những năm qua tỉnh Hải Dương luôn coi trọng công tác đền ơn đáp nghĩa. Đó không chỉ là trách nhiệm với NCC mà còn là nghĩa tình sâu đậm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, của mảnh đất xứ Đông.

Trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống Pháp, Mỹ; các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Lào, Camphuchia…hàng vạn con em Hải Dương đã khoác ba lô lên đường, hy sinh tuổi thanh xuân cho đất nước. Trong số đó đã không ít người con mảnh đất xứ Đông đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường hoặc hy sinh một phần máu xương tô thắm cho những vùng biên cương của Tổ quốc…

Thấy rõ trách nhiệm với những mất mát hy sinh đó, trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương, các đoàn thể chính trị, xã hội và cả cộng đồng luôn coi công tác đền ơn đáp nghĩa là nhiệm vụ chính trị hàng đầu.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc chi trả chế độ chính sách đối với NCC. Nhờ đó, việc thực hiện chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng, trợ cấp một lần, nhiều chế độ ưu đãi khác đối với NCC, thân nhân NCC được thực hiện kịp thời, đầy đủ, nghiêm túc. Điển hình như từ năm 2013 đến năm 2019, các đơn vị liên quan đã giải quyết chế độ ưu đãi giáo dục, đào tạo cho hơn 1.720 học sinh, sinh viên là thân nhân NCC; thực hiện chế độ điều dưỡng sức khỏe tại các trung tâm trong và ngoài tỉnh, điều dưỡng tại nhà cho hơn 115.000 lượt NCC và thân nhân; hỗ trợ phương tiện chỉnh hình, phục hồi chức năng cho khoảng 7.400 lượt người; hỗ trợ kinh phí xây, sửa nhà ở cho hơn 5.650 hộ NCC với mức hỗ trợ xây nhà là 44 triệu đồng/hộ, sửa nhà là 20 triệu đồng/hộ...

Ngoài chế độ chung theo quy định của Nhà nước, vào dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ hằng năm, tỉnh Hải Dương đều trích kinh phí tặng quà cho NCC và thân nhân NCC đang thuộc diện hưởng trợ cấp hằng tháng, với mức từ 300.000 đồng/suất trở lên.

Để thể hiện trách nhiệm, nghĩa tình, đạo lý cao đẹp vào dịp này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện đều trực tiếp đến thăm hỏi, tặng quà động viên các gia đình NCC tiêu biểu.

Cùng với đó, trong những năm qua, hơn 4.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 39.000 gia đình liệt sĩ, hơn 31.000 thương binh, bệnh binh và hàng chục nghìn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam, bị địch bắt, tù đày, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, giúp đỡ, phụng dưỡng chu đáo của MTTQ và các tổ chức thành viên.

Lễ truy điệu các liệt sĩ sau khi quy tập ở xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ)

Riêng trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017), MTTQ các cấp với vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân đã đứng ra vận động các tổ chức thành viên, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức cùng toàn thể xã hội ủng hộ Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" hơn 12,4 tỷ đồng. Cũng trong dịp đó, MTTQ các cấp với vai trò cầu nối đã vận động 69 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phụng dưỡng suốt đời 86 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến thời điểm này, tất cả các Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống của Hải Dương đều được các tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng đến suốt đời.

Đặc biệt công tác đền ơn đáp nghĩa của tỉnh Hải Dương còn nhận được sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, ngân hàng. Tiêu biểu như Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại có thời điểm nhận phụng dưỡng, sửa nhà cho 10 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; đóng góp hàng tỷ đồng cho Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" do MTTQ phát động. Từ tháng 1.2015 đến hết năm 2019, Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương nhận phụng dưỡng 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Đến năm 2018, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương nhận phụng dưỡng  4 Bà mẹ Việt Nam anh hùng…

Tiếp nối mạch nguồn đạo lý đó, trách nhiệm, nghĩa tình đó, năm nay, UBND tỉnh đã quyết định trích hơn 31,8 tỷ đồng ngân sách để thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công và một số đơn vị nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2020). Theo đó, tỉnh dự kiến tặng 62.926 suất quà (mỗi suất 500.000 đồng gồm tiền mặt và hiện vật) cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng, bệnh binh, người tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Ngoài ra còn tặng quà cho người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày đang hưởng trợ cấp hằng tháng và người hưởng trợ cấp hằng tháng theo các Quyết định 142, 53 và 62 của Thủ tướng Chính phủ.

Những món quà vật chất tuy không thể xoa dịu nỗi đau mất mát của những gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng song nó là lời khẳng định trách nhiệm, nghĩa tình mà Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân luôn đau đáu thực hiện.

Trách nhiệm với người nằm xuống

Chiến tranh đã lùi xa song còn rất nhiều các liệt sĩ, nhất là các liệt sĩ thời chống Pháp hy sinh nằm tại các địa phương trong tỉnh. Thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập để thân nhân của các liệt sĩ được an ủi, sự hy sinh của họ được Tổ quốc ghi nhận là trách nhiệm của các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân với người nằm xuống.

Những ngày tháng 7 này, các cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh luôn bận rộn. Là người lính thời bình, không có những giây phút đối mặt khốc liệt với đạn bom song họ đang mang một trách nhiệm lớn lao: trách nhiệm với các đồng đội đã ngã xuống. Với phương châm "Còn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, còn tổ chức tìm kiếm, quy tập", trong các năm vừa qua việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ luôn là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác chế độ chính sách của tỉnh. Trong cuộc đời quân ngũ của mình, có những chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã cùng các đồng đội lăn lộn ăn gió nằm sương 2 tháng trên đất bạn Lào tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ.

Năm 2018, từ trao đổi của ông Nguyễn Văn Tân, nguyên là Đại tá quân đội đã nghỉ hưu ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng) và một số người dân ở thôn Phúc Cầu, xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng), các cán bộ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức một chuyến khảo sát thực địa sau khi có thông tin mộ phần của 6 liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ chống Pháp đang yên nghỉ nơi đây. Theo đó, vào khoảng đầu năm 1947, Trung đoàn 44, Liên khu 3 (Giờ là Quân khu 3) được lệnh đánh quân Pháp tiến từ Hải Phòng lên Hà Nội. Trận đánh ác liệt diễn ra trên địa bàn xã cẩm Phúc gây cho ta một số tổn thất, trong đó có 6 chiến sĩ hy sinh. Sau trận đánh, các chiến sĩ hy sinh đã được nhân dân địa phương chôn cất chu đáo. Các ngôi mộ đều nằm ngoài nghĩa trang, chưa được quy tập. Trong 6 ngôi mộ trên hiện chỉ có một ngôi có văn bia ghi tên Vũ Manh Lư, quê ở thôn Chương, xã Lam Sơn (Thanh Miện), còn lại đều vô danh. Tuy nhiên do các mộ phần nằm trong đất của một số gia đình nên vẫn được nhân dân địa phương hương khói. Từ các thông tin trên, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã cử cán bộ phối với địa phương xuống thực địa để nắm bắt. Đồng thời cũng đã có công văn gửi vào đơn vị của các chiến sĩ này để xác minh với mong muốn những người nằm xuống để tìm về với gia đình. Với nỗ lực đó, năm 2019, sau khi hoàn thành các thủ tục xác minh, tỉnh ta đã quy tập 14 hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng). Ngày 11/11/2019, lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ được tổ chức theo đúng nghi thức, trang nghiêm.

Một trong những lần khiến các chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhớ nhất là năm 2018 dầm trong mưa rét quy tập 9 hài cốt liệt sĩ chống Pháp ở thôn An Thổ, xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ). Từ thông tin của thân nhân liệt sĩ, cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã gặp nhân chứng là người chôn cất các liệt sĩ còn sống, chính quyền, nhân dân địa phương để thu thập và xác định được, ngày 3.1.1954, thực dân Pháp chở 14 tù binh là các cán bộ, du kích, chiến sĩ cách mạng của ta từ nhà tù Hải Dương ra nhà tù ở Hải Phòng. Khi xe đi đến đại bàn thôn An Thổ đã bị trúng mìn khiến 3 tù binh bị thương và 11 tù binh hi sinh. Sau khi sự việc xảy ra, binh lính Pháp trong đoàn áp giải và từ bốt An Thổ gần đó đã tới mang số lính Pháp bị chết và bị thương về Ninh Giang. Số tù binh là các chiến sĩ của ta hi sinh bị quân Pháp bỏ lại bên đường. Do là vùng bị Pháp tạm chiếm nên sau khi quân Pháp rút, nhân dân thôn An Thổ đã chôn cất những tù binh này tại Gò Bồ súng.

Sau khi làm xong các thủ tục cần thiết, ngày 7.1.2018, đội quy tập của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiến hành cất bốc, quy tập. Đợt đó, ngoài đội quy tập còn có gần 300 cán bộ, chiến sĩ, dân quân làm nhiệm vụ san lấp mặt bằng. Thời tiết mưa rét, nhiệt độ xuống 9°c. Trong các ngày quy tập, các cán bộ chiến sĩ phải dựng lều bạt ăn nghỉ ngay tại hiện trường. Thế nhưng mang trách nhiệm với người nằm xuống, anh em đội quy tập vượt qua mọi khó khăn để vào cuộc. Sau hơn một ngày đào cuốc, đội đã tìm thấy hài cốt liệt sĩ thứ nhất.

Hôm đó, địa phương bố trí hai cụ cao niên có kinh nghiệm tham gia cất bốc hài cốt liệt sĩ cùng đội. Thế nhưng do sức khỏe các cụ hạn chế nên các chiến sĩ trong đội quy tập phải tự tay bốc hót, tắm rửa cho các liệt sĩ. Trong những ngày rét mướt đó, họ dùng bay cạy tỉ mỉ cạy từng mảnh sành, nắn từng hòn đất để tìm kiếm các phần hài cốt. Ngày kế tiếp, đội cất bốc được 4 hài cốt liệt sĩ. Các ngày sau, toàn bộ 9 hài cốt các liệt sĩ được quy tập theo đúng phong tục truyền thống.

Trong quá trình khai quật, đã không ít lần các chiến sĩ đội quy tập ức nghẹn khi chứng kiến hài cốt các liệt sĩ còn nguyên cùm ở phần xương chân. Có hài cốt còn có dấu vết bị trói tay bằng dây thừng. Còn khi cất bốc liệt sĩ số 9, phần xương đùi bị đế bê tông của cột điện trùm lên, anh em phải chui vào dùng bay đục cạy từng mảng bê tông lấy ra. Sau quy tập, giờ các liệt sĩ đã được an nghỉ trong nghĩa trang liệt sĩ xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ).

Một trong những việc làm thiết thực trong thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công là năm 2018, Ban chỉ đạo quốc gia 1237 đã chỉ đạo tất cả các tỉnh, thành trong cả nước lập bản đồ, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ. Đây là nội dung quan trọng của Đề án 1237 về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013.

Đặc biệt, năm 2017, Ban chỉ đạo quốc gia 1237 đã chọn tỉnh ta và tỉnh Quảng Bình làm điểm trong việc việc lập bản đồ, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ để nhân rộng toàn quốc. Về phía tỉnh ta đã chọn 19 thôn thuộc 4 xã Việt Hồng, Hồng Lạc (Thanh Hà) và Đức Xương, Đoàn Thượng (Gia Lộc) để triển khai. Sau khi phát 4000 phiếu lấy ý kiến, đã thu được 228 phiếu có thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ. Qua các bước xác minh, kiểm đếm đã kết luận, tại 4 xã trên có 82 liệt sĩ hy sinh, trong đó đã tìm kiếm, quy tập được 81 liệt sĩ. Từ làm điểm tại hai huyện, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã cung cấp thông tin giúp gia đình của hai liệt sĩ ở tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa tìm được mộ phần người thân.

Coi lập bản đồ, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ là nhiệm vụ quan trọng đối với người có công, sau khi có chỉ đạo của trên, Ban chỉ đạo 1237 của tỉnh đã khẩn trương triển khai công tác lập bản đồ, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ đến các địa phương. Đến nay, tất cả 12 huyện, thành phố, thị xã đã hoàn thành công tác lập bản đồ, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự lễ truy điệu các liệt sĩ sau khi quy tập ở xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ).

Qua hơn 5 năm triển khai Đề án 1237 về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, trên địa bàn tỉnh đã rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách 3.826 liệt sĩ của đơn vị, địa phương, trong đó thời kỳ chống Pháp là 3.708 liệt sĩ báo cáo về Cục Chính sách để chuẩn hóa số liệu, thông tin. Kiểm tra, xác minh, bổ sung và chuẩn hóa thông tin và gửi lại cho 20 đơn vị 3.803 liệt sĩ. Rà soát, phân tích bổ sung cung cấp thông tin 195 liệt sĩ thuộc 26 tỉnh, thành hy sinh trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Tiếp nhận danh sách 4.214 liệt sĩ quê Hải Dương hy sinh tại các tỉnh, thành gửi về cấp huyện, xã để cung cấp cho thân nhân liệt sĩ...

Những việc làm mang nặng trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hải Dương trong những ngày tháng 7 này chính là nén tâm nhang dâng lên anh linh các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, là những bó hoa đời sâu nặng nghĩa tình dành tặng cho những thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Ngọc Hùng

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: