Thứ năm, ngày 16/5/2024

Tiếp thêm cho ngọn lửa nhiệt tình sáng tạo

Thứ Hai 13/07/2020 08:14

Xem với cỡ chữ
Ai đó nói rằng, văn nghệ sĩ như ngọn lửa cháy lên cảm xúc để dâng hiến cho đời đứa con tinh thần từ những hòa trộn tưởng như vô hình thành hiện hữu. Họ cũng như ngọn lửa tự cháy sáng mình, nhưng ngọn lửa ấy không được tiếp thêm năng lượng thì cái sự cháy ấy cũng chỉ có giới hạn nào đó. Vậy nên, tiếp thêm nguồn năng lượng cho các tác giả là một việc làm hết sức cần thiết của tổ chức, xã hội hoặc thậm chí là của cá nhân. Ở đây, tôi muốn nói đến việc tiếp thêm năng lượng sáng tạo văn học nghệ thuật (VHNT).

 

Cách đây gần 2 năm, Hội VHNT tỉnh tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập (1978-2018). Báo cáo quá trình hình thành và phát triển của Hội đã đề cập nhiều mặt trong chặng đường phát triển, trong đó có công tác tổ chức đội ngũ, lực lượng, thành tựu và vai trò vị trí của Hội trong đời sống văn hóa, tinh thần của tỉnh Hải Dương; sự đóng góp về tác giả, tác phẩm với văn học nghệ thuật chung của cả nước. Trong nhiều bài viết, hồi ức về Hội, nhiều anh chị em đã trực tiếp hoặc gián tiếp nói lên sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành có liên quan trong nhiều chặng đường phát triển của Hội. Ở mỗi thời kỳ, sự quan tâm của tỉnh với VHNT đều có nét riêng, càng ngày càng có nền nếp "bài bản" hơn. Đó là sự quan tâm của cấp ủy Đảng song hành với sự quản lý nhà nước về tổ chức Hội cũng như trong hoạt động sáng tạo VHNT. Đây là yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển ngày càng cao của tổ chức Hội.

Khi Hội VHNT ở giai đoạn mới hình thành, Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo đến từng vấn đề cụ thể. Từ mô hình tổ chức, biên chế, định hướng sáng tác đến quỹ lương. Tỉnh còn có động viên bằng bậc lương với một số cán bộ ban đầu để các đồng chí  gắn bó và nêu cao trách nhiệm cho việc xây dựng, củng cố, ổn định tổ chức Hội. Đồng chí Nguyễn Cấp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham gia Ban Vận động thành lập Hội. Giai đoạn đầu còn nhiều khó khăn, chập chững, tỉnh cử nhiều đồng chí tham gia lãnh đạo Hội. Có thời kỳ tỉnh cử đồng chí Nguyễn Sĩ Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Chủ tịch Hội... Đồng chí Ngô Duy Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cũng luôn quan tâm đến vai trò của Hội VHNT. Những bài phát biểu của đồng chí đăng trên các tạp chí ngày đó của Hội đều cho thấy đồng chí cũng như cấp ủy tỉnh, UBND tỉnh thật sự quan tâm và hết lòng khuyến khích các văn nghệ sĩ và Hội trong từng bước đường sáng tạo, nhất là khi mới hình thành và chập chững những bước đi đầu tiên. Năm 1980, Hội VHNT phối hợp với Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng của tỉnh đã in được tập Hồi ký cách mạng, ghi lại những hồi ức rất căn bản về những năm tháng và sự kiện gian khổ của lớp cán bộ cách mạng đầu tiên của tỉnh từ trước năm 1930 đến Cách mạng Tháng 8-1945 với số lượng lớn hơn 3000 cuốn, phát hành trong toàn tỉnh. Khi đó, nhiều đồng chí cán bộ tiền bối của tỉnh còn khỏe, còn minh mẫn đã cung cấp những tư liệu vô giá về những năm tháng đầy khó khăn gian khổ những ngày cách mạng ở tỉnh, mà sau này khó có thể khai thác được nữa. Có được cuốn hồi ký cách mạng này chính là từ ý kiến chỉ đạo cụ thể của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ngô Duy Đông. Đồng chí cũng là một trường hợp gắn bó với VHNT khá ấn tượng. Như mọi người đều biết, nhà văn Nguyễn Tuân là một người có một tâm thế vốn được coi là người bất biết "dọc ngang trời đất trên đầu có ai". Vậy mà ông Ngô Duy Đông có lần đã tiếp nhà văn Nguyễn Tuân trong một bữa cơm kéo dài từ 11 giờ trưa đến tận 3 giờ chiều. Giữa một nhà văn đầy cá tính lại “ngồi được” với một nhà chính trị lâu đến vậy. Từ đó ta có thể hiểu được phần nào, vì sao đồng chí Ngô Duy Đông lại quan tâm đặc biệt với Hội VHNT như vậy. Hội VHNT được tỉnh quan tâm ngay từ khi mới hình thành như vậy cũng là một điều may mắn, trở thành một dấu ấn lâu dài đến nhiều những năm sau.

Ở tỉnh Hải Dương, tổ chức Hội VHNT được đặt trong khối tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và chính trị - xã hội và nghề nghiệp. Cán bộ chủ chốt của Hội thuộc diện Tỉnh ủy quản lý, bảo đảm những tiêu chuẩn quy định cụ thể  của đội ngũ cán bộ theo quy định của tỉnh. Cán bộ viên chức cơ quan Hội thuộc sự quản lý của tổ chức chính quyền tỉnh. Tạp chí Văn nghệ Hải Dương được quy hoạch theo quy định là cơ quan báo chí theo quyết định của Chính phủ. Qua mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, tạp chí văn nghệ đều được tỉnh quan tâm đầu tư bổ sung kinh phí cho việc tăng trang, tăng kỳ phát hành, trả nhuận bút cho tác giả. Chính vì vậy, tạp chí được phát hành, phổ biến tới cơ sở và trao đổi với nhiều cơ quan, ban ngành ở Trung ương và ở ngoài tỉnh. Từ năm 2010, Chính phủ có Nghị định 45/2010/NĐ-CP Quy định về tổ chức hoạt động và quản lý Hội. Bên cạnh sự lãnh đạo, quản lý của tỉnh, Hội còn được định hướng, quản lý, giám sát  theo Nghị định về Hội.  Đó cũng là điều kiện để cán bộ, hội viên của Hội vững tin và phấn khởi trong hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Hội được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo về định hướng cũng như về mọi  hoạt động, quản lý nhằm phát huy vai trò đặc thù của tổ chức sáng tạo VHNT, góp phần quan trọng trong công tác chính trị, tư tưởng và khơi dậy nét đẹp trong tâm hồn và nhân cách con người. Từ đầu những năm 2000, theo số lượng hội viên, tỉnh hỗ trợ mỗi năm một hội viên mức kinh phí hoạt động tương đương một tháng lương cơ bản. Mặc dù còn ít ỏi nhưng cũng tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ có chút kinh phí đi thâm nhập thực tế sáng tác, hội họp, văn phòng phẩm... Về bảo đảm chế độ kinh phí hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo, nhiều cán bộ hội viên chúng ta còn nhớ những câu chuyện rất thật, vừa vui vui, vừa bùi ngùi. Trước đây, các tổ chức VHNT cả nước nói chung chưa có nhiều quy định mang tính nhà nước, lớp cán bộ văn nghệ sĩ lớn như các nhà thơ Cù Huy Cận, nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Trần Hoàn,... Đồng thời, cũng là những người có mối quan hệ thân tình với nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước… Chính vì vậy, có việc, các ông có thể chỉ có những đề nghị cho VHNT bằng thư tay, điện thoại hoặc gặp gỡ riêng thì các đồng chí lãnh đạo đã có thể có những quyết định cụ thể, trực tiếp cho VHNT. Nhưng ở giai đoạn sau này, việc quản lý nhà nước về VHNT đã dần dần đi vào quỹ đạo, từng bước, từng vấn đề được luật hóa, văn bản hóa. Từ đó mà có sự thống nhất chỉ đạo và thực hiện trong cả nước, càng về sau càng rõ ràng và nền nếp hơn và cũng là thuận lợi cho VHNT. Từ đầu những năm 2000, Chính phủ có Thông tư hoặc Thông tư liên tịch hỗ trợ kinh phí hằng năm cho VHNT cả nước với những quy định cụ thể về sáng tác theo các chủ đề, đề tài được Nhà nước hỗ trợ. Chính vì vậy, VHNT cả nước có sự định hướng rõ rệt cho sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, nhất là những tác phẩm về lịch sử kháng chiến cứu nước, truyền thống văn hóa dân tộc; về công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước; về thiếu niên, nhi đồng, nông thôn, dân tộc thiểu số; sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội... Đến nay, đã liên tiếp có nhiều  văn bản Thông tư liên tịch, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT ở Trung ương và các Hội VHNT địa phương theo từng năm và giai đoạn, ban hành trong các năm 2003, 2004, 2007, 2012 cùng các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2011, 2012... Ngoài ra, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, Liên hiệp VHNT Việt Nam, các cơ quan chuyên ngành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... đều có các giải thưởng chuyên đề, hàng năm, đột xuất... cho sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT. Đó là một bảo đảm tốt cho các tác giả, văn nghệ sĩ có điều kiện hoàn thành tác phẩm. Từ năm 2006, Ban Tuyên giáo Trung ương có giải thưởng theo giai đoạn cho các tác phẩm, công trình sáng tạo VHNT về Chủ tịch Hồ Chí Minh theo các Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Trở lại sự phát triển của VHNT với sự quan tâm, chỉ đạo, quản lý của tỉnh, chúng ta thấy, tổ chức và hoạt động sáng tạo của Hội cũng từng bước được cụ thể hóa bằng những quyết định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hướng dẫn của các ban, ngành liên quan. Cách đây 30 năm, khi Hội VHNT vừa mới chập chững ở tuổi lên 10, UBND tỉnh đã ban hành quy định về Giải thưởng VHNT Côn Sơn, giải thưởng cao nhất của tỉnh về VHNT được xét 05 năm một lần. Giải thưởng lần đầu được trao cho các tác phẩm được sáng tạo, phổ biến từ năm 1981-1985. Từ đó đến  năm 2016, UBND tỉnh đã có 07 lần trao Giải thưởng VHNT Côn Sơn với 359 tác phẩm, trong đó có 28 giải A, 81 giải B, 132 giải C, 118 giải Khuyến khích. Đó cũng là một sự ghi nhận của tỉnh đối với các giá trị sáng tạo VHNT của văn nghệ sĩ tỉnh nhà; là động lực tốt để khích lệ văn nghệ sĩ hoàn thành và hoàn thành tốt nhất tác phẩm của mình. Tỉnh Hải Hưng (trước đây) và tỉnh Hải Dương là một trong những tỉnh sớm có giải thưởng 5 năm về VHNT. Từ năm 2011, Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển VHNT đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Từ đó nhiều hoạt động quan trọng cho sáng tác, xuất bản, phổ biến tác phẩm của Hội VHNT có nguồn  kinh phí cụ thể cho hoạt động. Cũng từ Đề án này, các bộ sách Giải thưởng VHNT Côn Sơn từ lần thứ I đến lần thứ VI lần lượt được xuất bản, nhằm lưu lại những tác phẩm tiêu biểu nhất trong 05 năm sáng tạo và ở mỗi thời kỳ. Tỉnh cũng đã phê duyệt kinh phí cho Hội xây thêm tầng 4 mở  rộng hội trường và sửa chữa, bổ sung, cấp thêm nhiều trang bị cần thiết cho sinh hoạt và làm việc...

Với sự quan tâm toàn diện đến từng mặt và cụ thể của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngọn lửa sáng tạo của văn nghệ sĩ tỉnh Hải Dương như được tiếp thêm năng lượng để cháy mãi, cháy sáng... đem lại nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật, góp phần làm giàu thêm giá trị tinh thần cho xã hội và trong cuộc sống.

 

Hà Huy Chương- Nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: