Thứ hai, ngày 29/4/2024

Phát huy vai trò của công tác dân vận trong tham gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Thứ Ba 08/10/2019 13:12

Xem với cỡ chữ
Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong những năm qua, công tác dân vận luôn được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội từ tỉnh đến cơ sở thực hiện đổi mới, sáng tạo, linh hoạt bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện phong trào thi đua xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi, có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân trong tỉnh ngày càng được cải thiện rõ rệt và nâng cao

 

Đ /c Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng Cờ cho các đơn vị tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” ngay từ khi triển khai đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và đã được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa lớn trong toàn tỉnh. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo thành lập các BCĐ Chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp; 100% thôn tiếp tục kiện toàn,thành lập Ban phát triển thôn; phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên, lãnh đạo các sở, ban, ngành phụ trách, trực tiếp theo dõi, phối hợp chỉ đạo các xã trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị -xã hội các cấp chú trọng hướng nhiệm vụ trọng tâm vào công tác xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của mọi tầng lớp nhân dân, làm cho người dân hiểu ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của xây dựng NTM và những nội dung, cách làm, cơ chế, chính sách của Ðảng, Nhà nước về xây dựng NTM.

Công tác tuyên truyền phong trào thi đua được các cấp, các ngành tập trung triển khai sâu rộng với nhiều nội dung và hình thức phong phú như: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng báo đài, cổng thông tin, tạp chí, tờ rơi, hội thi, tọa đàm...về xây dựng nông thôn mới. MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội trong tỉnh đều tổ chức phát động và ký kết giao ước thi đua; các sở, ban ngành tỉnh và các địa phương tham gia hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” tích cực, hiệu quả gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ban Dân vận các cấp đã phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chính trị -xã hội; các sở, ban, ngành, các huyện, thành ủy tích cực tham mưu cho cấp ủy tăng cường chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận; tuyên truyền, vận động nhân dân nắm vững và hiểu đầy đủ nội dung, mục đích, ý nghĩa chương trình xây dựng nông thôn mới và các chủ trương của Đảng, nhà nước về xây dựng nông thôn mới; tham mưu giúp cấp ủy trong việc hướng dẫn xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, tạo sức lan tỏa, rộng khắp trên các lĩnh vực kinh tế- văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trên địa bàn tỉnh; đã xuất hiện hàng nghìn mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, từ đó khơi dậy, huy động sức mạnh đoàn kết, dân chủ chung tay thực hiện có hiệu quả các mục tiêu lớn của chương trình xây dựng NTM như: xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà văn hóa, khu thể thao, đường giao thông, kênh mương thủy lợi...

Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân hưởng thụ”, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể trong tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện QCDC đến từng cơ sở, phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức của cộng đồng, tạo thuận lợi trong việc huy động các nguồn lực trong xây dựng NTM; tổ chức họp dân thông báo, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Người dân được tham gia bàn bạc, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng trong quá trình xây dựng NTM. Qua đó, những thắc mắc, kiến nghị của nhân dân cơ bản đều được giải quyết kịp thời.

  Công tác giám sát và phản biện xã hội, việc đối thoại trực tiếp với nhân dân theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị (Khóa XI) được tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tạo không khí dân chủ trong xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã thực hiện 8.244 cuộc giám sát (cấp tỉnh và cấp huyện: 480; cấp cơ sở: 7.764); Ban TTND đã tổ chức  được 6.232 cuộc giám sát, Ban GSĐTCCĐ 2.255 cuộc giám sát. Thông qua đó, đã góp phần phát hiện, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngăn chặn và xử lý kịp thời công tác quản lý, các hoạt động đầu tư không đúng quy hoạch, các việc làm sai quy định, gây thất thoát, lãng phí vốn và tài sản nhà nước, ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình, xâm hại lợi ích của cộng đồng và nhân dân ; phối hợp tham mưu cho lãnh đạo các cấp tổ chức 1.991 cuộc tiếp xúc đối thoại với nhân dân, (trong đó: cấp tỉnh 13 cuộc, cấp huyện 125 cuộc, cấp xã 1.853 cuộc), qua đó phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm; giải quyết kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân...

Với tinh thần vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, phối hợp tích cực của các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng NTM và bằng việc cụ thể hóa chương trình hoạt động, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đã triển khai nhiều phong trào, cuộc vận động thiết thực gắn với phong trào thi đua xây dựng NTM như: MTTQ với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời NTM, đô thị văn minh”; Hội Cựu chiến binh vận động hội viên tham gia tích cực vào các phong trào phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; Đoàn Thanh niên với phong trào thanh niên tình nguyện; Hội Liên hiệp phụ nữ với phong trào “5 không 3 sạch”; Hội Nông dân với phong trào “Nông dân thi đua xây dựng NTM”, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng”...qua đó đã thu hút, tập hợp được đông đảo cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia.

Nhờ thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động tích cực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều địa phương đã làm tốt công tác huy động các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM bằng các hình thức phù hợp, trên cơ sở phát huy dân chủ để người dân bàn bạc, tự nguyện đóng góp, tham gia như: Hiến đất làm đường giao thông, đóng góp tài lực, vật lực, công sức…cho các công trình phục vụ sản xuất, dân sinh tại địa phương, thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Theo tổng hợp của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, tổng số tiền huy động khoảng trên 44.422,5 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách nhà nước hỗ trợ chiếm 18,7%, vốn lồng ghép chiếm 4,5%, nguồn vốn tín dụng chiếm 54,6%, vốn đầu tư của doanh nghiệp chiếm 10,0%, còn lại là của nhân dân đóng góp chiếm 11,4% và sự tài trợ, ủng hộ của các doanh nghiệp.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 191/220 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 86,8%. Dự kiến cuối năm có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã lên 201/220 xã, đạt 91,4%; có khoảng 5-10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao . Có 3 huyện, thành phố về đích NTM là: Cẩm Giàng, Kinh Môn, Chí Linh. Hiện nay có 5 huyện, thành phố đang chờ Trung ương thẩm định là: Nam Sách, Gia Lộc, Thanh Miện, Bình Giang và Thành phố Hải Dương. Dự kiến cuối năm 2019, có 8 huyện, Thành phố đạt chuẩn NTM (vượt kế hoạch trước hơn 01 năm; theo KH giao đến cuối năm 2020 tỉnh Hải Dương có 80% trở lên số xã đạt chuẩn NTM và có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM hoặc Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM).

Tháng 10/2019, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh Hải Dương đã động viên, khen thưởng và tặng Cờ thi đua cho 16 tập thể, tặng bằng khen cho 63 tập thể, 91 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2010-2020. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào thi đua xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, tồn tại đó là: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào xây dựng NTM chưa thật đầy đủ; vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ nại, chưa chủ động tích cực. Sự quan tâm trong phong trào có nơi, có lúc chưa sâu sát, thiếu thường xuyên, trách nhiệm chưa cao. Công tác tuyên truyền vận động ở một số nới chưa thường xuyên nên hiệu quả còn hạn chế. Việc phát động phong trào thi đua đến nhân dân có lúc, có nơi chưa sâu rộng; kết quả đạt được trong xây dựng NTM chưa đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành 19 xã còn lại của 4 huyện trong tỉnh đạt chuẩn NTM và 4 huyện đạt NTM vào năm 2020; phấn đấu có từ 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; khoảng 10 sản phẩm trở lên được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu đầy đủ bản chất nhân văn của xây dựng NTM; quán triệt tư tưởng “Xây dựng NTM có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”; tập trung chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểm mẫu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; định kỳ tiến hành sơ kết để rút kinh nghiệm, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng và nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua.

Nguyễn Thị Quyên (Ban Dân vận Tỉnh ủy)

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: