Thứ hai, ngày 29/4/2024

Nghệ nhân - người giữ lửa làng nghề tiểu thủ công nghiệp

Thứ Tư 02/10/2019 16:15

Xem với cỡ chữ
Tôn vinh nghệ nhân là một trong những yếu tố để bảo tồn làng nghề và ngược lại muốn bảo tồn, phát triển làng nghề nhất thiết phải phát huy vai trò của các nghệ nhân.

Sự hình thành và phát triển làng nghề CN, TTCN

Theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn thì nghề truyền thống là nghề đã hình thành từ lâu đời, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển đến ngày nay hoặc có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân cư tương tự tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn quy định tại Điều 4 Nghị định này. Làng nghề truyền thống là làng nghề có nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời.

Có thể khẳng định, các làng nghề ở Hải Dương có lịch sử hình thành và phát triển từ xa xưa, được phân bố chủ yếu tại các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tính từ 2004 đến nay, toàn tỉnh Hải Dương có 67 làng nghề được công nhận làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN, TTCN). Tuy nhiên do không đạt các tiêu chí làng nghề theo quy định nên đầu năm 2019, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 839/QĐ-UBND ngày 11/3/2019 về thu hồi danh hiệu công nhận làng nghề CN, TTCN của 2 làng nghề Lấu Khê (sản xuất vật liệu không nung) tại xã Hiệp Cát, huyện Nam Sách và làng nghề chế biến bún bánh Lang Khê tại xã An Lâm, huyện Nam Sách. Do vậy, cho đến nay trên địa bàn tỉnh chỉ còn 65 làng nghề CN, TTCN.

Sản phẩm của các làng nghề trong tỉnh Hải Dương khá phong phú, đa dạng và được chia thành 19 nhóm nghề chính như: Nhóm làng nghề mộc; Nhóm làng nghề chế biến nông sản thực phẩm; Nhóm làng nghề thêu ren;Nhóm làng nghề sản xuất hương; Nhóm làng nghề sản xuất Giầy da;Nhóm làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng không nung; Dệt chiếu cói, mây, tre đan; Nhóm làng nghề sản xuất gốm; Sản xuất chổi chít; Cơ khí; Nấu rượu; Sản xuất thừng, rợ; Nhóm nghề Kim hoàn; Nhóm làng nghề ươm tơ; trạm khắc đá; Sản xuất lược bí; Rèn; Thêu tranh, móc sợi.

Làng nghề mộc

Có thể thấy làng nghề TTCN là cơ sở xuất phát quan trọng bước đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế. Phát triển làng nghề TTCN là phát triển các ngành TTCN có tính cổ truyền. Thực tế hiện nay, các ngành nghề TTCN truyền thống đang diễn ra theo ba chiều hướng như : (1) Một số nghề cổ truyền bị triệt tiêu dần và biến mất; (2) Một số nghề khác tiếp tục tồn tại, phát triển thích ứng với hoàn cảnh mới; (3) Một số nghề mới sẽ hình thành.

Như vậy, làng nghề TTCN tồn tại và phát triển là một tất yếu khách quan trong sự phát triển kinh tế - xã hội, qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống của Việt Nam trong quá trình hội nhập với kinh tế thế giới và khu vực.

Phát triển làng nghề gắn với vai trò của các nghệ nhân

Tôn vinh nghệ nhân là một trong những yếu tố để bảo tồn làng nghề và ngược lại muốn bảo tồn, phát triển làng nghề nhất thiết phải phát huy vai trò của các nghệ nhân. Thực tiễn ngày càng cho thấy sản phẩm làng nghề muốn tồn tại và phát triển trong xã hội hiện đại thì không chỉ có chất lượng kỹ thuật mà còn phải có giá trị thẩm mỹ cao, mang bản sắc văn hóa Việt Nam và tâm hồn, trí tuệ của nghệ nhân. Những nghệ nhân lâu năm, giàu kinh nghiệm là linh hồn, “báu vật” sống nắm giữ tinh hoa của làng nghề truyền thống. Đây là chỗ dựa vững chắc cho làng nghề tồn tại và phát triển.

Vai trò của các nghệ nhân làng nghề Hải Dương rất quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, vì vậy rất cần sự quan tâmcủa toàn xã hội. Bởi mỗi làng nghề truyền thống đều có những nghệ nhân lâu năm giàu kinh nghiệm. Họ nắm giữ những bí quyết gia truyền là vốn quý của cha ông nhưng đến nay đa phần đều cao tuổi, cần được chăm sóc sức khỏe, đồng thời tạo mọi điều kiện để nghệ nhân truyền đạt kinh nghiệm quý giá tích lũy cả đời mình. Nhiều nghệ nhân cao tuổi tâm huyết với nghề luôn mong muốn có cơ sở vật chất và điều kiện tốt để truyền nghề cho thế hệ trẻ phát huy tốt hơn các giá trị mà làng nghề mang lại.

Trong những năm qua, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh Hải Dương tổ chức bình xét, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nghề TTCN cho các huyện, thành phố, các doanh nghiệp TTCN và các làng nghề trên địa bàn tỉnh được 4 đợt vào các năm 2012, 2014 , 2016, 2018 với 47 nghệ nhân. Trong đó có 05 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”. Việc tôn vinh này có ý nghĩa lớn động viên tinh thần các nghệ nhân làng nghề.

Trong những năm tới, các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục có những chính sách cụ thể để phát triển làng nghề, phát huy tài năng của các nghệ nhân. Làng nghề phát triển, kinh tế TTCN phát triển thì tài năng của các nghệ nhân mới được thể hiện, sẽ ngày càng nhiều nghệ nhân được tôn vinh. Chính họ là những người góp phần bảo tồn nét văn hóa xứ đông, giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống tỉnh Hải Dương./.

sct.haiduong.gov.vn

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: