8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII với mục tiêu “xây dựng tỉnh Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại năm 2025 và là tỉnh công nghiệp hiện đại năm 2030” của ngành nông nghiệp.
Đồng chí Phạm Xuân Thăng-Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo
Sáng ngày 10/11, đồng chí Phạm Xuân Thăng-Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng đã giao cho ngành cần triển khai thực hiện tốt 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII với mục tiêu “xây dựng tỉnh Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại năm 2025 và là tỉnh công nghiệp hiện đại năm 2030”.
1. Phải bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII để xây dựng cho ngành nông nghiệp có khát vọng về xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh. Phải chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tập trung cho sản xuất nông nghiệp, trong đó tâp trung các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Hải Dương bứt phá về giá trị và xây dựng nông thôn mới văn minh hiện đại, tạo nền tảng phát triển tỉnh Hải Hương theo hướng “tăng trưởng xanh, chuyển đổi số”.
2. Phải đổi mới, thay đổi tư duy về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng từ sản xuất nông nghiệp sang hướng phát triển kinh tế nông nghiệp. Ngành nông nghiệp cần phải có tư duy toàn cầu trong sản xuất nông nghiệp theo các định hướng: Phải đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp dựa trên động lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới xoay quanh ba trụ cột “nông nghiệp sinh thái”, “nông thôn hiên đại” và “nông dân thông minh”; đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng; thay đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế để hướng tới giá trị xanh được tạo nên từ chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh và kinh tế xanh; tích hợp đa giá trị và tạo giá trị gia tăng tối ưu trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác, trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh.
3. Trong vòng 5 năm tới phải tập trung vào ba nhiệm vụ đột phá trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới: Một là, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi nông nghiệp, kinh tế nông thôn và hạn chế tình trạng tổn thất sau thu hoạch để nâng cao giá trị nông sản, sản phẩm nông nghiệp. Hai là, khuyến khích trong hợp tác sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa nhà nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, hợp tác xã và người nông dân để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Ba là, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ngành nông nghiệp cần lựa chọn mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại phù hợp với điều kiện sản xuất của người nông dân.
4. Tập trung làm tốt tông tác quy hoạch phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, trên cơ sở đó cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm, trong đó cần khoanh vùng đất sản xuất nông nghiệp có lợi thế tạo ra hàng hóa, nông sản đặc hữu, sản phẩm chủ lực để bảo vệ và phát triển bền vững. Không quy hoạch sử dụng đất những nơi có giá trị kinh tế cao chuyển sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ... Quy hoạch các cụm công nghiệp, điểm tiểu thủ công nghiệp tại khu vực thuận lợi, thuận thiện cho việc vận chuyển, thu mua và chế biến sâu nông sản. Khuyến khích quy hoạch các bến, cảng logistics phục vụ vận chuyển hàng hóa và các sản phẩm nông nghiệp. Chú trọng quy hoạch hạ tầng phòng chống thiên tai và thuỷ lợi bài bản phục vụ công tác quản lý nhà nước và khai thác tối đa lợi thế của các dòng sông để thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu và sản xuất trong giai đoạn tới. Cần rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho từng xã đảm bảo chất lượng và phải phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
5. Tăng cường ứng dụng mạnh mẽ, sâu rộng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tập trung triển khai đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Cần ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp, đồng thời phải tích hợp các nội dung này vào đề án “Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
6. Tăng cường xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Ngành cần phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và và lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của tỉnh để đưa lên sàn thương mại điện tử (vải thiều, na, ổi, gạo nếp, rau, cà rốt, hành, tỏi, gà đồi...).
7. Tiếp tục chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh để sớm công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao, phấn đấu mục tiêu đến năm 2025 có 25% số xã đạt nông thôn mới nâng cao. Đồng thời tích cực tham mưu cho cấp ủy định hướng đầu tư phát triển, cải tạo hạ tầng nông nghiệp nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống người dân.
8. Tiếp tục hoàn thiện, sắp xếp tổ chức bộ máy và biên chế theo hướng tinh gọn, nâng cao năng lực tham mưu, mở rộng quan hệ đối ngoại hợp tác quốc tế, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nông nghiệp, cùng với đó phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.