Chủ nhật, ngày 24/11/2024

Linh hoạt hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn trong phòng chống dịch

Thứ Bảy 13/11/2021 08:13

Xem với cỡ chữ
Đây là một trong những nội dung quan trọng được đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh tại cuộc họp trực tuyến do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh tổ chức.

 


Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo cuộc họp từ điểm cầu Tỉnh ủy Hải Dương. Ảnh chụp màn hình

Chiều 12.11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh về công tác phòng chống dịch. Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự và chỉ đạo cuộc họp từ điểm cầu Tỉnh ủy Hải Dương.

Không để dịch lan rộng

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng đánh giá cái được lớn nhất kể từ khi thực hiện Nghị quyết 128 là kinh tế dần phục hồi và phát triển, lưu thông hàng hóa thuận tiện hơn, nhiều dịch vụ được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch đã làm xuất hiện nhiều thách thức mới. Đó là nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng đang hiện hữu. 

Dự báo dịch có thể lây lan trên diện rộng trong thời gian tới, đồng chí Phạm Xuân Thăng đề nghị các cấp ủy, chính quyền tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Tỉnh ủy, Quy định, chỉ đạo của UBND tỉnh đã ban hành, kiên trì thực hiện Nghị quyết 128. Căn cứ vào diễn biến của dịch, tình hình thực tế của địa phương để điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch sao cho phù hợp, lấy mục tiêu kiểm soát dịch bệnh là chính.

Yêu cầu các cấp, các ngành tập trung cao độ các giải pháp, kiên quyết không để dịch lan ra diện rộng, trước mắt là trong hai tháng cuối năm. Trên cơ sở đó, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021. Cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, có phân cấp, phân quyền trong phòng chống dịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát, quy rõ trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là người đứng đầu trên tinh thần "5 rõ", nếu để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh phải xử lý nghiêm…

Toàn tỉnh kích hoạt lại tổ công tác phòng chống dịch, trong đó có tổ công tác đặc biệt của tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tại những “điểm nóng” về dịch. Từng đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 hai cấp tỉnh và huyện cần tăng cường đi cơ sở để giám sát, theo dõi, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại địa bàn được phân công.

Nhanh hơn, quyết liệt hơn

Toàn tỉnh phải thay đổi tư duy, triển khai các biện pháp chống dịch phù hợp với Nghị quyết 128, không được áp dụng cứng nhắc mà chuyển sang thích ứng linh hoạt, nhanh hơn, quyết liệt hơn. Lấy địa bàn cấp xã làm địa bàn chính trong triển khai các biện pháp chống dịch. Các doanh nghiệp phải kích hoạt phương án phòng chống dịch theo từng cấp độ. Doanh nghiệp nào không chấp hành phải xử lý nghiêm.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh việc học trực tuyến không thể kéo dài mãi vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Cần xem xét việc tổ chức học trên quy mô xã. Xã nào kiểm soát tốt, nguy cơ thấp hoặc không có nguy cơ thì cho học sinh đến trường, riêng các trường THPT do có học sinh ở nhiều địa phương nên phải tính toán kỹ lưỡng. Cho học sinh đi học trở lại thì phải bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Tiếp tục tăng cường việc kiểm soát người từ tỉnh ngoài về, nhất là từ vùng có dịch. Từ thực tiễn 1 tháng qua vẫn còn những bất cập, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp nên điều chỉnh các biện pháp sao cho phù hợp với địa phương. 


Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh họp tại điểm cầu UBND tỉnh

Việc tổ chức cách ly y tế đối với người từ tỉnh ngoài về phải linh hoạt. Chỉ cho cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện, không đủ thì kiên quyết cho đi cách ly tập trung. Những người nào cách ly ở nhà không thực hiện nghiêm quy định, hướng dẫn thì cũng cho đi cách ly tập trung.

Trong công tác xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, các địa phương cần xét nghiệm ngay đối với những người ho sốt trong cộng đồng. Đối với những nơi có nguy cơ cao phải xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ để đánh giá chính xác mức độ dịch. Đối với các doanh nghiệp cần đánh giá tình hình dịch tễ, nguy cơ dịch bệnh để quyết định quy mô tầm soát. Vấn đề mấu chốt là phải xét nghiệm trúng và đúng trên cơ sở đánh giá dịch tễ để giảm chi phí.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp cần có hướng dẫn việc tổ chức cách ly theo hướng đa dạng hóa hình thức để giảm tải sức ép cho các cơ sở y tế. Phải thực hiện phân tầng điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 theo quy định và theo phương châm “4 tại chỗ”. Tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nguyên tắc 5K để giảm bớt nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tùy theo cấp độ dịch được đánh giá hằng tuần, mỗi địa phương chủ động đưa ra giải pháp phù hợp.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 chuẩn bị sẵn sàng phương án, xây dựng kế hoạch cung ứng vaccine tiêm cho những đối tượng có nguy cơ cao, tạo miễn dịch cộng đồng, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Sử dụng nguồn lực cho công tác phòng chống dịch trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, không có điểm nghẽn. Xem xét có hình thức hỗ trợ các tổ “Covid cộng đồng” …

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, kết luận cuộc họp, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để người dân nắm và chấp hành nghiêm quy định trong công tác phòng chống dịch. Tiếp tục thực hiện kiểm soát nghiêm túc người về từ vùng dịch. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác quản lý, giám sát, theo dõi người từ vùng dịch về.

Các địa phương phối hợp với Sở Y tế khẩn trương triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho những khu vực, đối tượng có nguy cơ cao làm cơ sở đánh giá, đưa ra những giải pháp phòng chống dịch phù hợp. 

Sở Y tế tổ chức giám sát, xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 định kỳ, ngẫu nhiên tại các cơ sở khám chữa bệnh để hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch. CDC Hải Dương cần chủ động, linh hoạt hơn trong việc phối hợp với các địa phương vận chuyển, xét nghiệm và trả kết quả nhanh để phục vụ công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục để đưa ra những quyết định đối với việc học trực tuyến, trực tiếp phù hợp nhất. Hạn chế tối đa việc học trực tuyến nhưng phải bảo đảm an toàn khi đi học trực tiếp.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, thành lập thêm các khu cách ly tập trung để chủ động phòng chống dịch. Sở Y tế sớm hoàn thành hướng dẫn cách ly F1 tại nhà.

Gắn tránh nhiệm của các địa phương, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác giám sát, theo dõi, quản lý người cách ly tại nhà. UBND cấp huyện phê duyệt ngay kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động theo hướng dẫn. Giao quyền quyết định cho các địa phương trong thực hiện các biện pháp chống dịch phù hợp với thực tiễn địa phương...
 

Theo Sở Y tế, từ khi thực hiện Nghị quyết 128 đến 17 giờ ngày 12.11, toàn tỉnh ghi nhận 158 ca mắc Covid-19, trong đó có 40 trường hợp đi về từ vùng có dịch, 103 ca lây nhiễm thứ phát và 9 ca phát hiện qua sàng lọc ho sốt cộng đồng, 2 ca phát hiện qua giám sát cộng đồng nguy cơ, 4 trường hợp trong khu phong tỏa.

Đến ngày 12.11, toàn tỉnh có hơn 1 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 (chiếm 73,4%), 503.248 người đã tiêm đủ 2 liều vaccine (chiếm 36,7%), tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm vaccine đạt 61%.

Toàn tỉnh hiện có 5 ổ dịch lớn ở các huyện Kim Thành, Thanh Hà, Ninh Giang, thị xã Kinh Môn và TP Hải Dương. 

 

241 lao động xã Tân Phong tạm thời nghỉ việc

Chiều 12.11, tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch bệnh do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh tổ chức, lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức rà soát, thống kê có 241 lao động là người xã Tân Phong (Ninh Giang). Số lao động này đã được các doanh nghiệp tạm thời cho nghỉ việc ở nhà để phục vụ công tác xét nghiệm, truy vết.

Các doanh nghiệp đã thống kê được 810 lao động có tiếp xúc gần với 241 công nhân là người xã Tân Phong để lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.

Xã Tân Phong (Ninh Giang) đã trở thành ổ dịch lớn ở tỉnh ta. Ngày 12.11, có 22 ca mắc Covid-19 liên quan đến ổ dịch này, trong đó có anh N.V.B. (sinh năm 1987 quê ở Tân Phong, hiện trú ở phường Thanh Bình, TP Hải Dương). Anh B. là công nhân Công ty TNHH KPF Vina Việt Nam ở khu công nghiệp Đại An mở rộng (Cẩm Giàng). Liên quan đến F0 này, lực lượng chức năng đã truy vết được 22F1, 112 F2, trong đó có 20 F1 làm cùng công ty với anh B.

Sáng 12.11, công ty này đã tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác phòng chống dịch. Hơn 460 công nhân của công ty đã được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 và cho nghỉ ở nhà. Công ty đề nghị chính quyền địa phương cho 15 lao động được ở lại nhà máy để duy trì một số hoạt động cần thiết.

Theo Báo Hải Dương

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: