Thứ bảy, ngày 23/11/2024

Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ Bảy 27/03/2021 20:08

Xem với cỡ chữ
Ngày 25/3/2021, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký Quyết định số 442/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Theo đó, Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có phạm vi quy hoạch phần lãnh thổ tỉnh Hải Dương với tổng diện tích tự nhiên là 1.668,23km2. Phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh; phía Nam tiếp giáp với tỉnh Thái Bình; phía Tây tiếp giáp với tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên; phía Đông tiếp giáp với thành phố Hải Phòng. Thời kỳ quy hoạch giai đoạn 2021-2030; tầm nhìn dài hạn đến năm 2050.

Quy hoạch tỉnh Hải Dương nhằm phát huy tối đa các tiềm năng riêng có, thế mạnh khác biệt và nổi trội để phát triển tỉnh Hải Dương thành tỉnh công nghiệp hiện đại, hướng tới trực thuộc Trung ương , có quy mô kinh tế lớn, cơ cấu lại kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; đảm nhiệm vai trò là đầu mối giao lưu kinh tế-xã hội giữa vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với vùng Đông Bắc, vùng duyên hải Bắc bộ và cả nước; có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng cao; công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được đảm bảo và quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Quy hoạch tỉnh sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định. Quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa các quy hoạch cấp trên ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Quy hoạch tỉnh là công cụ pháp lý quan trọng hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa các quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, làm cơ sở lập quy hoạch xây dựng các vùng huyện và liên huyện; quy hoạch đô thị và nông thôn và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành có liên quan; nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững... Đồng thời, là cơ sở để quản lý và thu hút các nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh các khâu đột phá chiến lược phát triển tỉnh; đồng thời loại bỏ các chồng chéo cản trở đầu tư phát triển trên địa bàn; cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo công khai minh bạch, công bằng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cũng như phát huy tối đa hiệu lực và sử dụng bền vững, hiệu quả các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Các yêu cầu về nội dung lập quy hoạch: Định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội  hướng đến tăng trưởng xanh, chuyển đổi số với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành, các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh và tăng cường liên kết vùng; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện. Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển KT-XH, bảo đảm sự phát triển cân bằng giữa kinh tế, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia. Ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập Quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.

Thời hạn lập quy hoạch trong 24 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Tuy nhiên, xác định năm 2021 là năm đầu tiên triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trong Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương phấn đấu hoàn thành toàn bộ nội dung quy hoạch theo quy định của pháp luật để báo cáo các bộ, ngành trung ương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch trong năm 2021.

Nội dung Quyết định số 442/QĐ-TTg   tại đây.

Văn phòng Tỉnh ủy

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: