Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu kết luận cuộc họp
Các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hải Dương.
Coi cách ly là mặt trận cốt tử
Báo cáo với Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy tình trạng khẩn cấp về y tế Lương Văn Cầu nhắc lại “quả bom” dịch Covid-19 Chí Linh xuất hiện đúng vào thời điểm Đại hội lần thứ XIII của Đảng và gần Tết, việc chống dịch gặp nhiều khó khăn. Dịch bùng phát quá lớn. Ngay lát cắt đầu tiên đã phát hiện 72 ca bệnh là công nhân có dịch tễ rất phức tạp. Lập tức, Chí Linh được phong tỏa. Đồng thời, khi dịch bùng phát ở các địa phương khác, Hải Dương liên tiếp có các hành động tiếp theo với phương châm ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Hải Dương đã hình thành mô hình phong tỏa trong phong tỏa, đóng băng, nội bất xuất ngoại bất nhập.
“Đến nay, chúng tôi tự tin khẳng định đã hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh, làm chủ được tình hình ở Chí Linh. Chúng tôi không chủ quan, nhưng Chí Linh đã khá an toàn”, Phó Chủ tịch UBND khẳng định.
Việc xét nghiệm đã cơ bản đáp ứng yêu cầu. CDC có thể đáp ứng lên đến 30.000 mẫu/ngày và trả kết quả trong 24 giờ. Hoàn toàn có thể khẳng định nguồn lây lan đã được kiểm soát chặt chẽ.
Hiện nay các khu vực cách ly đã được siết chặt, khu tập trung từ 100 người trở lên hoàn toàn do quân đội quản lý, nơi nào không bảo đảm an toàn phòng dịch sẽ “xé nhỏ” để chuyển đi nơi khác. Hải Dương coi cách ly là mặt trận cốt tử.
Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh phát biểu tại cuộc họp
Điểm nóng Cẩm Giàng đã được phong tỏa chặt
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng tổ chuyên gia của Bộ Y tế tại Hải Dương cho biết Cẩm Giàng được phong tỏa là yếu tố ngăn chặn dịch lây lan ra nơi khác. Điểm nóng này đã được phong tỏa chặt, phong tỏa trong phong tỏa, thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt, nhiều lớp. Vấn đề lo ngại ở Cẩm Giàng là dịch xâm nhập vào một số doanh nghiệp. Đặc điểm dịch tế ở đây rất phức tạp, vẫn phát hiện một số ca bệnh ở những nơi phong tỏa trong phong tỏa. Vì vậy, Hải Dương đang dồn lực về Cẩm Giàng.
Ở TP Hải Dương, lực lượng đã truy vết được chùm ca bệnh. Đây là các nguồn lây rộng, giao lưu lớn, nguy cơ xâm nhập, lây lan hoàn toàn có thể xảy ra nên cần thiết phải theo dõi, giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không chủ quan.
Khẳng định Hải Dương đã làm chủ tình hình, PGS.TS Trần Như Dương ví von: “Quả bom ở Chí Linh và Cẩm Giàng đã gây sát thương lớn tại chính nơi phát nổ. Mảnh nổ gây hậu quả cho những nơi khác. Nhưng Hải Dương đã xử lý, thu dọn nhanh, với quan điểm chống dịch không chỉ cho Hải Dương mà giữ an toàn cho cả nước. 24 ngày kề vai sát cánh với Hải Dương cho thấy địa phương đã bám sát các chỉ đạo về chống dịch, từ trên xuống dưới không phút nào nơi lỏng với tinh thần thần tốc. Trong 3 tuần đã truy vết, cách ly 1,4 vạn người. Nếu so sánh, trong vòng 1 tháng Đà Nẵng truy vết cách ly chỉ 1,2 vạn người".
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định Hải Dương đang làm chủ tình hình và kiểm soát tốt dịch bệnh
Không làm hoảng loạn trong xã hội
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng đánh giá chủng virus tại Hải Dương lây lan nhanh. Tỉnh đã áp dụng nhiều chiến thuật, chiến lược chuẩn xác, nhưng kỹ thuật có chỗ phải xem lại. Cần có nhận xét đúng để đưa ra thông tin đúng.
PGS.TS Trần Đắc Phu thắc mắc, nhiều nơi vẫn không phân biệt được thế nào là ổ dịch và vùng dịch, dẫn tới các địa phương có các ứng xử khác nhau. “Tại sao người Hải Dương ở Hải Dương họ không cách ly nhưng về nhiều tỉnh lại cách ly. Tôi không biết các nơi làm theo hướng dẫn nào. Nhiều nơi còn không cho người Hải Dương vào. Không phân biệt được thế nào là cần cách ly, thế nào là không cần cách ly.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thống nhất nhận định các ổ dịch đã được kiểm soát, nhất là ở Chí Linh. Cẩm Giàng cơ bản được kiểm soát, các nơi khác trong tỉnh cần tiếp tục theo dõi. “Mặc dù có những lúng túng nhất định khi dịch xảy ra nhưng Hải Dương đã rất nỗ lực. Câu chuyện cách ly là nỗ lực tuyệt vời của Hải Dương khi trong đêm, một tỉnh cách ly được mấy nghìn người. Số ca nhiều nhưng phải để dư luận đừng hoảng lên, vì các ca đó trong khu cách ly. Nhưng cũng đừng ru ngủ là đã cách ly là không lo".
Việc kiểm soát dịch bệnh tại Hải Dương đang được thực hiện tốt khi đến nay chỉ phát hiện 3 ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng
Phó Thủ tướng yêu cầu siết chặt kỷ cương phát ngôn, trong đó có vai trò của báo chí. Khi nêu có ca bệnh thì nhất thiết phải nói rõ ca đó đã được cách ly từ trước hay chưa, để người dân nhìn vào thấy rằng dù số ca bệnh ở Hải Dương nhiều nhưng chỉ có 3 ca cộng đồng, để không làm hoảng loạn xã hội.
Phó Thủ tướng yêu cầu Hải Dương đánh giá lại năng lực xét nghiệm. Nếu đáp ứng được, có thể rút bớt nhân sự Trung ương. Bộ Y tế chỉ hỗ trợ chuyên môn và xử lý các ca khó. Nếu cần thiết, Ban Chỉ đạo quốc gia sẽ yêu cầu Quảng Ninh chi viện.
Về tiêu thụ nông sản, hàng hóa của Hải Dương, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ngay tờ trình Thủ tướng, nêu rõ giãn cách chỉ là biện pháp phòng ngừa, Hải Dương chỉ có 3 ổ dịch chứ không phải cả tỉnh là ổ dịch để tạo điều kiện thông thương hàng hóa. Điều này cũng xóa bỏ tình trạng ngăn sông, cấm chợ đang bị một số địa phương hiểu sai.