Sáng ngày 12/3/2021, đồng chí Bùi Văn Thăng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các đồng chí Dương Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy; Lê Quang Thụ,Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Nguyễn Tiến Khắc – Phó Chủ tịch UBND huyện đã đi thăm mô hình sản xuất tại làng nghề trồng hoa, cây cảnh thôn Phù Liễn xã Hồng Phong, mô hình trồng cà rốt tại xã Thái Tân, Cộng Hòa và mô hình cấy máy mạ khay ở xã An Lâm.
Thăm khu đồng cấy bằng mạ khay tại xã An Lâm
Vụ lúa chiêm xuân năm nay, mặc dù khung thời vụ gieo cấy tốt nhất đúng vào đợt dịch covid 19 bùng phát trên địa bàn huyện, song với tinh thần vừa chống dịch và phát triển sản xuất, Huyện đã các cơ quan liên quan và các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân tranh thủ đưa nước đổ ải, làm đất gieo cấy, đảm bảo hoàn thành việc gieo cấy trên 4387ha lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất. Đặc biệt là việc tập trung khắc phục khó khăn trong việc huy động máy cấy mạ khay để từ đó thực hiện thành công mô hình cấy máy bằng mạ khay trên diện tích hơn 100 ha của gần 900 hộ nông dân tại 7 xã gồm: Cộng Hòa, Đồng Lạc, Hợp Tiến, Nam Hưng, Phú Điền, An Lâm, Quốc Tuấn. Qua đó góp phần quan trọng trong việc hoàn thành gieo cấy lúa xuân cả vụ trong khung thời vụ tốt nhất. Cùng với gieo cấy lúa xuân, việc trồng cây rau màu xuân hè và thu hoạch cây vụ đông, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân cũng đã được huyện triển khai thực hiện hiệu quả.
Tìm hiểu tình hình tiêu thụ cà rốt tại xã Thái Tân
Thăm mô hình cấy máy mạ khay giống Bắc Thịnh với diện tích 5ha tại cánh đồng thôn An Lương xã An Lâm cho thấy hiệu quả rõ dệt khi thực hiện cấy máy. Mặc dù ban đầu, nông dân thấy cấy máy thưa hàng, cây lúa cấy nông, khóm nhỏ, nhưng đến thời điểm hiện nay cây lúa đang phát triển rất tốt, đẻ nhánh khỏe, khóm lúa to hơn hẳn so với các ruộng cấy tay ở xung quanh. Tình hình sâu bệnh được kiểm soát tốt, chưa xuất hiện đối tượng sâu bệnh hại lúa.
Thương lái đến tận ruộng thu mua cà rốt
Đối với cây rau màu vụ đông xuân, hiện toàn huyện còn khoảng 140ha cà rốt, trong đó có khoảng 100ha đã đến kỳ thu hoạch. Theo báo cáo của lãnh đạo các xã Thái Tân, Cộng Hòa và phản ánh của các thương nhân và những nông dân trực tiếp trồng cà rốt tại thôn Mạc Bình xã Thái Tân và thôn Chi Đoan xã Cộng Hòa thì hiện nay việc tiêu thụ cà rốt của nông dân vẫn khá thuận lợi, giá bán hiện tại đang ở mức từ 4.900đ đến 5.000đ một kg. Nhiều ruộng bà con nông dân đã bán trước đó được 6500đ một kg, sau khi trừ chi phí vẫn có lãi từ 8 đến 12 triệu đồng một sào. Theo chủ cơ sở chế biến nông sản Nguyễn Ngọc Mai ở xã Thái Tân thì hiện nay việc chế biến cà rốt xuất khẩu cũng đang rất thuận lợi, nhiều thời điểm cơ sở không đủ hàng để xuất bán.
Thăm mô hình trồng hoa ở thôn Phù Liễn
Tại làng hoa cây cảnh thôn Phù Liễn xã Hồng Phong, hiện người trồng hoa trong thôn đã trồng được trên 20ha cây hoa đào và các loại cây hoa khác. Việc quy hoạch diện tích trồng hoa cây cảnh của làng nghề đã được thực hiện góp phần tạo thuận lợi cho người trồng hoa đầu tư mở rộng diện tích cũng như đưa các giống hoa mới, tạo tác những cây hoa đào có gía trị cao, từng bước khẳng định thương hiệu làng nghề.
Thăm cơ sở sơ chế cà rốt ở xã Thái Tân
Thực tế thăm đồng đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển của cây lúa, thăm mô hình làng nghề trồng hoa cây cảnh, mô hình chế biến nông sản và việc tiêu thụ cà rốt cho nông dân, các đồng chí Bùi Văn Thăng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Dương Văn Xuyên – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nam Sách cho rằng: sản xuất lúa vụ chiêm xuân, gieo trồng cây màu và thu hoạch, tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn huyện Nam Sách là thuận lợi, hứa hẹn tiếp tục đạt hiệu quả cao, khắc phục và giảm tới mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch Covid 19 tới sản xuất nông nghiệp. Để có được điều này là do có sự chủ động, tích cực của ngành nông nghiệp và cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn trong việc đảm bảo nguồn nước phục vụ đổ ải, làm đất, gieo mạ, cũng như hướng dẫn nông dân quy trình chăm sóc, bảo vệ các trà mạ, gieo cấy đúng khung lịch thời vụ, làm tốt công tác diệt chuột, phòng trừ sâu bệnh. Tích cực tìm kiếm đầu ra hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đồng chí Dương Văn Xuyên – Bí thư Huyện ủy lưu ý ngành nông nghiệp huyện và các xã, thị trấn cần tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nông dân bám sát tình hình thời tiết, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho lúa đạt hiệu quả cao tạo thuận lợi cho lúa xuân sinh trưởng, phát triển. Bên cạnh đó cần tập trung chỉ đạo hướng dẫn bà con nông dân diệt chuột tập trung, đồng loạt, khắc phục tình trạng nông dân mang nilon quây kín ruộng như ở một số cánh đồng của một số xã như hiện nay. Tăng cường quản lý nguồn nước tưới, đảm bảo cung cấp đủ nước tưới dưỡng lúa, chủ động phương án chống úng nội đồng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại trong sản xuất. Đồng chí cũng lưu ý ngành nông nghiệp huyện cần chủ động làm tốt công tác dự tính, dự báo để kịp thời hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các biện pháp phòng chống sâu bệnh. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng thương hiệu tập thể cây cà rốt Nam Sách để nâng cao giá trị, mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ, để nhiều người biết đến cây cà rốt Nam Sách. Đối với làng nghề trồng hoa cây cảnh thôn Phù Liễn tiếp tục tham mưu, đề xuất hình thành vùng sản xuất cho thu nhập cao, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có của làng nghề.