Thứ sáu, ngày 29/3/2024

Hải Dương cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp để bứt phá trong chuyển đổi số

Chủ Nhật 17/01/2021 10:09

Xem với cỡ chữ
Đây là khẳng định của ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương tại Hội nghị chuyên đề “Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương – Chuyển đổi số để bứt phá”.

Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương – chuyển đổi số để bứt phá

Ngày 16/1, tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị chuyên đề “Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương – Chuyển đổi số để bứt phá” với sự tham dự của hơn 450 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh cùng đại diện các công ty, tập đoàn công nghệ lớn.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khẳng định chuyển đổi số là chủ trương lớn của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cũng xác định là một mục tiêu xuyên suốt và quyết tâm thực hiện. Là sự cần thiết và hiệu quả của chuyển đổi số trong toàn xã hội, đặc biệt là DN. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tác động sâu rộng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và hoạt động của các DN thì chuyển đổi số là giải pháp hiệu quả giúp DN vượt qua khó khăn.

Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương phát biểu khai mạc hội nghị
Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương phát biểu khai mạc hội nghị

Tại hội nghị, ông Thăng đã trực tiếp thuyết trình, giới thiệu với các doanh nhân , cộng đồng DN về các tiềm năng thế mạnh khác biệt của Hải Dương và quyết tâm đẩy nhanh, đẩy mạnh chuyển đổi số của tỉnh. Theo đó, Chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh Hải Dương trong 10 năm tới, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Quan điểm xuyên suốt và bao trùm đó là “tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương”. Cùng với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định định hướng phát triển gồm 4 trụ cột, 3 nền tảng, 1 trung tâm, 3 đô thị động lực và 3 trục phát triển.

Cụ thể, 4 trụ cột là: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Bên cạnh đó, 3 nền tảng gồm: văn hóa, con người Hải Dương; môi trường đầu tư , kinh doanh thông thoáng; kết cấu hạ tầng, giao thông đồng bộ, hiện đại. Một trung tâm là thành phố Hải Dương, 3 đô thị động lực là thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn và huyện Bình Giang. Đồng thời, 3 trục phát triển là Bắc Nam, Đông Tây và dọc theo sông Thái Bình.

Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp thuyết trình, giới thiệu những tiềm năng, chiến lược phát triển của tỉnh Hải Dương tới hơn 450 doanh nghiệp
Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp thuyết trình, giới thiệu những tiềm năng, chiến lược phát triển của tỉnh Hải Dương tới hơn 450 doanh nghiệp

Bên cạnh đó, triết lý phát triển “Phát huy tối đa tiềm năng, tạo nhiều giá trị khác biệt”, tỉnh đề ra phương châm hành động “Chủ động, Sáng tạo, Quyết liệt, Hiệu quả” và “5 rõ” (rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm) cũng đã được ông Thăng nhấn mạnh.

Theo đánh giá của ông Thăng, thời gian tới cộng đồng DN, doanh nhân tỉnh Hải Dương sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Đó là chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước sẽ có nhiều đổi mới theo hướng hỗ trợ DN tốt hơn. Một số hiệp định thương mại, đầu tư ký kết giữa Việt Nam và quốc tế với nhiều chính sách có hiệu lực giúp các DN có điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Làn sóng chuyển dịch đầu tư đến Việt Nam tạo cơ hội cho DN Hải Dương tham gia vào chuỗi cung ứng và cung cấp lao động, việc làm.

Một số nhà đầu tư lớn trong nước (các tập đoàn SunGroup, TH, T&T...) đã và đang nghiên cứu đầu tư vào Hải Dương cũng sẽ tạo cơ hội cho DN tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng, tạo việc làm. Các DN lớn trong nước sẽ là “đầu tàu” dẫn dắt các DN trong tỉnh phát triển. Đặc biệt, hạ tầng giao thông trong tỉnh ngày càng đồng bộ, hiện đại, kết nối liên vùng, mở rộng không gian phát triển tạo ra những cơ hội mới về thu hút đầu tư. Thêm nữa là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với kinh tế số, chuyển đổi số đang mở ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp bứt phá, phát triển.

Các đại biểu tham dự Hội nghị chuyên đề “doanh nghiệp tỉnh Hải Dương – Chuyển đổi số để bứt phá”
Các đại biểu tham dự Hội nghị chuyên đề “Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương – Chuyển đổi số để bứt phá”

Theo báo cáo, tỉnh Hải Dương hiện có 14.000 DN đăng ký kinh doanh, có khoảng 9.000 DN đang hoạt động, đứng thứ 13/63 cả nước. Năm 2020, Hải Dương có gần 900 DN ngừng hoạt động, thành lập mới khoảng 1.700 DN. Trong đó, DN vừa và lớn chiếm khoảng 9,4%, còn lại là các DN siêu nhỏ và nhỏ. Tổng số vốn trong DN là 285.292 tỷ đồng. Vốn sản xuất kinh doanh trung bình của mỗi DN là khoảng 30 tỷ đồng, doanh thu của các DN là 349.505 tỷ đồng.

Hải Dương cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp

Để đồng hành cùng với các DN trên địa bàn tỉnh trong chuyển đổi số, tỉnh Hải Dương hiện nay cũng đang tích cực chỉ đạo triển khai “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ. Tỉnh cũng quyết tâm thực hiện Đề án “Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” đã được phê duyệt.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp về các giải pháp và công nghệ trong chuyển đổi số trong giờ giải lao
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp về các giải pháp và công nghệ trong chuyển đổi số trong giờ giải lao

“Tỉnh sẽ hỗ trợ 50% chi phí chứng thực chữ ký số cho DN mới thành lập; hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN và của tỉnh. Phấn đấu hoàn thành triển khai 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong quý II/2021 để giảm bớt thời gian, phòng ngừa tiêu cực trong giải quyết các thủ tục hành chính”, ông Thăng khẳng định. Đồng thời, với phương châm “phục vụ nhân dân, đồng hành với DN”, tỉnh sẽ tiếp tục tạo các điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, hỗ trợ các DN phát triển như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (chỉ số PCI).

Ông Thăng cam kết Hải Dương sẽ căn cứ vào mức độ hài lòng của người dân, DN để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Kiên quyết điều chuyển, thay thế, đưa ra khỏi bộ máy những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, không chấp hành kỷ luật, kỷ cương, không trọng dân, trọng DN. Lãnh đạo tỉnh luôn sẵn sàng tiếp nhận những phản ánh của DN để xem xét chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo xử lý tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức. Điều đó được minh chứng bằng việc Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã công khai số điện thoại di động và địa chỉ email cá nhân đến đông đảo DN trong tỉnh trực tiếp ngay tại hội nghị.

Bế mạc hội nghị, ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục khẳng định một lần nữa, chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, là “chiếc chìa khóa vàng” để các DN nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp , phát triển bền vững. Đồng thời mong muốn các DN tích cực hưởng ứng và tham gia vào công cuộc chuyển đổi số, là nhân tố quan trọng trong mục tiêu xây dựng tỉnh Hải Dương thành chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tỉnh sẽ luôn luôn đồng hành cùng cộng đồng DN trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, vận hội để ngày càng phát triển lớn mạnh.

Ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu bế mạc hội nghị
Ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu bế mạc hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe các chuyên gia hàng đầu của Tập đoàn FPT, Dell cung cấp những thông tin về chuyển đổi số, kinh tế số; giải pháp thực tiễn chuyển đổi số doanh nghiệp. Theo đó, tỉnh Hải Dương và Tập đoàn FPT sẽ phối hợp thiết lập mô hình công nghệ quản lý số để đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình xúc tiến đầu tư, thực hiện dự án và sản xuất, bảo đảm công khai minh bạch và làm rõ trách nhiệm của những người có sai phạm gây khó dễ cho DN.

Theo Báo Đầu tư

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: