Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII đã xác định những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hết sức quan trọng đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, cùng cộng đồng doanh nghiệp phải quyết tâm cao.
Tháng 1.2020, Công ty TNHH Ford Việt Nam công bố đầu tư thêm 82 triệu USD nâng cấp và mở rộng Nhà máy Ford Hải Dương. Trong ảnh: Dây chuyền lắp ráp ô tô tại Công ty TNHH Ford Việt Nam
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã coi trọng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh như quy hoạch, kế hoạch, đất đai, xây dựng, môi trường, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội…
5 năm qua, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã có những bước chuyển biến và có tiến bộ trên một số mặt. Các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp được cơ quan nhà nước lắng nghe, nắm bắt, xử lý, tháo gỡ đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với các cấp chính quyền tiếp tục được nâng lên. Thu hút các nguồn vốn cho đầu tư phát triển đã đạt được kết quả tích cực: tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đạt 207.865 tỷ đồng, tăng bình quân 13,5%/năm (vượt 9,4% mục tiêu đề ra) và tăng cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (tăng bình quân 6,1%/năm). Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao, tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư. Điển hình là Tập đoàn Hòa Phát, các Công ty TNHH: May Tinh Lợi, Ford Việt Nam, Hyundai Kefico Việt Nam… Những kết quả trên đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước đang chịu tác động sâu rộng, toàn diện của đại dịch Covid-19.
Mặc dù vậy, bên cạnh những mặt tích cực, công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc. Năng lực cạnh tranh chưa có bước cải thiện đột phá, vẫn ở nhóm trung bình khá trong cả nước. Chất lượng một số dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa cao; chưa phát huy hết tính năng động, sáng tạo của các cấp, các ngành. Chưa tạo được đột phá về thu hút đầu tư; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng và chuyển giao công nghệ.
Chi cục Hải quan Hải Dương kiểm tra hàng hóa tại cảng nội địa Hải Dương
Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng là thực hiện tốt một trong những khâu đột phá đã được xác định, đó là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín và tiềm lực tài chính lớn (trong và ngoài nước) đầu tư vào tỉnh, chú trọng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tỉnh cần rà soát, sớm hoàn thiện các chính sách, các văn bản quy định thuộc thẩm quyền ban hành, hướng tới mục tiêu tạo thông thoáng, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến, giới thiệu đầu tư. Tổ chức thực hiện tốt công tác lập và quản lý các quy hoạch. Thực hiện tốt việc công bố công khai các quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế, chính sách, quy định của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Ba là, quyết liệt thực hiện các biện pháp tạo bước chuyển biến đột phá về giải quyết thủ tục hành chính. Xây dựng quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục đầu tư kinh doanh của các nhà đầu tư, doanh nghiệp theo nguyên tắc: rõ về quy trình, đơn giản về thủ tục; rõ trách nhiệm của từng cơ quan liên quan trong quy trình giải quyết. Thực hiện tốt việc công khai quy trình; có cơ chế để nhà đầu tư, doanh nghiệp giám sát việc thực hiện quy trình. Đề cao và gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị trong thực hiện các bước công việc thuộc trách nhiệm giải quyết của ngành, địa phương, đơn vị trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Bốn là, tạo môi trường thuận lợi, ổn định cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền các cấp trong xử lý, tháo gỡ vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Năm là, đề cao, phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Tăng cường kỷ cương công vụ của cán bộ, công chức. Kiểm tra, xử lý nghiêm cán bộ, công chức gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu đối với doanh nghiệp.
Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư, tập trung ưu tiên vốn đầu tư phát triển cho các ngành, lĩnh vực có tiềm năng lợi thế, đã được xác định trong các trụ cột phát triển kinh tế tỉnh; ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là các công trình, dự án kết nối liên vùng, các dự án có sức lan tỏa, hỗ trợ trực tiếp cho thu hút dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác quản lý đầu tư...