Thứ bảy, ngày 23/11/2024

Thành tựu nông nghiệp Hải Dương – nhìn dưới ảnh hưởng từ tấm gương cố Bí thư Kim Ngọc

Thứ Sáu 08/01/2021 15:47

Xem với cỡ chữ
Khẳng định và ghi nhận công lao to lớn của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đối với cách mạng Việt Nam nói chung, nông nghiệp và giai cấp nông dân Việt Nam nói riêng, ngày 29/12/2020 Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo “Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc- Chân dung một con người trong đổi mới, sáng tạo, phát triển nông nghiệp”. Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương tham dự Hội thảo.

Đồng chí Kim Ngọc (Ảnh tư liệu trong cuốn những bài viết về đồng chí Kim Ngọc)

Kim Ngoc- “Người đi trước thời gian”, “Người mở đường cho tư duy đổi mới về nông nghiệp, nông thôn, nông dân” . Đồng chí đã có những cống hiến to lớn đối với đất nước, nhất là chủ trương “khoán hộ” của đồng chí được thể hiện trong Nghị quyết số 68-NQ/TU, ngày 10/9/1966 của Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc về “một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay” đã đưa đến “luồng sinh khí mới”, cách nghĩ và cách làm mới trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc. Kết quả thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TU, ngày 10/9/1966 của Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã đóng góp quan trọng về lý luận và thực tiễn để Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 100 năm 1981 và Nghị quyết số 10 năm 1988 làm thay đổi căn bản kinh tế nông nghiệp của Việt Nam.

Thực hiện Chỉ thị 100 ngày 13/01/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Cải tiến công khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong HTX nông nghiệp”, ngày 06/3/1981 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Hưng đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU về việc “Thực hiện và hoàn thiện các hình thức khoán sản phẩm trong HTX nông nghiêp”. Chỉ thị 100 và Nghị quyết 22 đã bước đầu đáp ứng được nguyện vọng, quyền lợi của người nông dân, nên ngay vụ mùa năm 1981 có tới 402 HTX thực hiện chế độ khoán. Riêng hai huyện Nam Thanh, Ninh Thanh 100% HTX nông nghiệp thực hiện khoán cây lúa đến nhóm và người lao động. HTX khoán cho đội sản xuất, đội sản xuất khoán cho hộ xã viên. HTX và đội sản xuất phụ trách năm khâu: làm đất; chi phí giống; phân bón; tưới nước; phòng trừ sâu bệnh và bảo vệ. Hộ xã viên đảm nhiệm ba khâu: gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm. Đến vụ chiêm xuân năm 1982, 100% HTX ở Hải Dương thực hiện hiện theo khoán mới. Qua 3 vụ thực hiện khoán mới đạt kết quả tốt, đã kích thích quần chúng nông dân tận dụng được mọi khả năng lao động, vốn, vật tư thâm canh cây trồng, nên diện tích, năng suất, sản lượng đều tăng, thu nhập của xã viên cao hơn. Tại Gia Lộc, năng suất lúa năm 1981 đạt 66,61 tạ/ha, năm 1982 đạt 71,4 tạ/ha, cao nhất tỉnh Hải Dương. Tại một số địa phương, cùng với 2 vụ lúa, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính theo hướng thâm canh tăng vụ với cơ cấu cây trồng đa dạng. Nhờ vậy tỉnh tự trang trải được nhu cầu về lương thực, một bộ phận nông dân đã có dự trữ, diện thiếu lương thực đã giảm.

Sau 7 năm triển khai thực hiện (1981-1987), Chỉ thị 100 đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc vì cơ chế tập trung quan liêu vẫn còn được duy trì trong hợp tác xã cũng như toàn bộ hệ thống tái sản xuất xã hội trong nông nghiệp; nhiều HTX đã bị giảm sút cả về kinh tế tập thể lẫn kinh tế gia đình; tiềm năng lao động, đất đai, ngành nghề…chưa được phát huy, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm.

Đề khắc phục những mặt hạn chế của Chỉ thị 100, ngày 05/4/1988 Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10/NQ-TƯ về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, còn gọi là Khoán 10. Để thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Hưng họp ra Nghị quyết 28 về việc “Hoàn thiện khoán sản phẩm cuối cùng đến hộ và nhóm hộ trong hợp tác xã nông nghiệp”. Đến tháng 9/1988, 100 hợp tác xã trong tỉnh đã thực hiện “Khoán 10”. Năm 1988, 1989 là 2 năm đầu thực hiện Khoán 10 cũng là 2 năm gặp thiên tai khắc nghiệt. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, đời sống người dân thiếu thốn nhiều, nhưng cũng là 2 năm Khoán 10 thực sự đi vào cuộc sống ở nông thôn. Khắp các vùng quê Hải Hưng ở đâu cũng thấy không khí làm ăn sôi nổi, khẩn trương. Từ đây xuất hiện nhiều mô hình hộ nông dân sản xuất giỏi, tạo tiền đề cho sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa tập trung.

Trong sự nghiệp đổi mới chung của đất nước, tiếp thu tinh thần tư duy của Bí thư Kim Ngọc, Tỉnh Hải Dương đã quán triệt và vận dụng sáng tạo các Nghị quyết, chính sách của Trung ương, ban hành nhiều chương trình, đề án lớn về phát triển nông nghiệp,nhằm khai thác tốt mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế để sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

 Các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ nông dân về nguồn vốn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị,…được triển khai đồng bộ, thu hút đông đảo nông dân hưởng ứng tham gia, đã tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy nông nghiệp phát triển, tiêu biểu như các chương trình “Nạc hóa đàn lợn”, “Sind hóa đàn bò”; các Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, “Hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giơi hóa sản xuất nông nghiệp”, “Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao”; “Phát triển chăn nuôi, thủy sản theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, quy mô, đảm bảo vệ sinh môi trường”; “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020”, “Chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị”, chính sách hỗ trợ dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, tích tụ ruộng đất, xây dựng đường giao thông nông thôn, đường nội đồng,…

Nông dân Thanh Hà thu hoạch vải (Nguồn Internet)

Nông nghiệp Hải Dương ngày nay đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân.Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng ổn định, chuyển mạnh sang mô hình tập trung.Giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 2,3%/năm (trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 1,9%/năm, lâm nghiệp tăng 5,3%/năm, thủy sản tăng 5,8%/năm). Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2020 đạt 164 triệu đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 69,8 triệu đồng, tương đương khoảng 3.020 USD (đứng thứ 19 trong toàn quốc). Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang phát huy hiệu quả, tăng tỷ trọng giá trị chăn nuôi - thuỷ sản, giảm tỷ trọng giá trị trồng trọt - lâm nghiệp; sản xuất dần chuyển dịch sang mô hình tập trung gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ mới trong sản xuất. Năm 2020 có trên 17.000 ha rau sản xuất theo quy trình GAP, có 23 ha nhà màng, nhà lưới; 13 vùng trồng vải được cấp mã số vùng trồng vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu với diện tích 131,68 ha...Toàn tỉnh có 15 khu chăn nuôi hàng hóa xa khu dân cư có quy mô trên 3ha, 76 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP và chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Các mô hình thủy sản mới cho năng suất cao được áp dụng, nhân rộng như: mô hình sông trong ao, mô hình ao nổi..., cơ giới hóa ở hầu hết các khâu, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất, khâu thu hoạch lúa đạt gần 100%; công tác bảo quản, chế biến nông sản có bước phát triển tích cực.

Nông dân Đức Chính (Cẩm Giàng) vào vụ thu hoạch cà rốt (Nguồn Internet)

Duy trì ổn định diện tích 55.000 ha sản xuất lúa, trong đó có trên 70% diện tích lúa chất lượng cao, đảm bảo an ninh lương thực. Diện tích rau các loại năm 2020 đạt 31.200 ha; diện tích cây ăn quả cơ bản ổn định, một số cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao được phát triển, mở rộng. Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có bước phát triển khá toàn diện, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, xa khu dân cư nhiều giống mới và mô hình sản xuất mới cho năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất. Tỉnh đã hình thành được các vùng sản xuất rau màu tập trung gắn với thị trường tiêu thụ ổn định, như vùng hành, tỏi (Kinh Môn, Nam Sách), vùng củ đậu (Kim Thành, Kinh Môn), vùng cà rốt (Cẩm Giàng, Nam Sách, Chí Linh), vùng su hào, cải bắp, súplơ (Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện), vùng dưa hấu, dưa lê (Tứ Kỳ, Gia Lộc)... Các loại cây lâu năm, sản xuất theo quy trình GAP gắn với xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc đang phát huy thế mạnh theo lợi thế vùng như vải (Thanh Hà, Chí Linh), ổi (Thanh Hà, Ninh Giang, Kinh Môn), cam (Chí Linh, Kinh Môn, Thanh Miện), chuối (Thanh Hà, Tứ Kỳ),... đem lại nguồn thu nhập khá và ổn định cho nông dân.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Hải Dương vẫn xác định nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu với những định hướng phát triển mới theo hướng tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tích tụ ruộng đất và hình thành các vùng sản xuất tập trung. Quy hoạch, phát triển các vùng trọng điểm, chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh ở những địa phương có lợi thế. Đổi mới tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với thị trường trên cơ sở tích tụ đất đai, thu hút các doanh nghiệp đầu tư hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, thì bài học về sự nghiệp, cuộc đời của Bí thư Kim Ngọc vẫn còn nguyên giá trị, để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân khơi dậy khát vọng phát triển, đổi mới sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường,phát huy sức mạnh đoàn kết toàn Đảng, toàn dân để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, nhanh chóng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân tỉnh Hải Dương.

Phạm Thị Hoài, VPTU (Nguồn Tham luận tại Hội thảo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam)

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: