Để cân đối cơ cấu thu ngân sách, bảo đảm được tính ổn định, bền vững của ngân sách nhà nước, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể.
Từ năm 2017, Hải Dương tự cân đối thu, chi và có đóng góp với ngân sách Trung ương. Số thu nội địa không ngừng tăng cao qua các năm, cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, theo đúng định hướng phát triển của tỉnh, đó là tăng dần tỷ trọng từ các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.
Thống kê tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Hải Dương ước đạt 85.471 tỷ đồng, tăng 13% dự toán, tăng 36.049 tỷ đồng so với giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, thu nội địa ước đạt 63.826 tỷ đồng (tăng bình quân 11,6%/năm và bằng 2 lần so giai đoạn 2011-2015), chiếm 78% tổng thu NSNN và đứng thứ 6 trong vùng đồng bằng sông Hồng; thu xuất khẩu đạt 17.083 tỷ đồng, bằng 2,5 lần so với giai đoạn 2011-2015.
Mặc dù vậy, cơ cấu thu ngân sách của tỉnh hiện chưa cân đối, chưa bảo đảm được tính ổn định, bền vững của ngân sách nhà nước. Cụ thể, cơ cấu thu NSNN phụ thuộc nhiều vào số thu tại một số doanh nghiệp lớn như các Công ty: TNHH Ford Việt Nam, CP Thép Hòa Phát Hải Dương, CP Bia Hà Nội - Hải Dương, CP Nhiệt điện Phả Lại… chiếm khoảng 40% tổng thu ngân sách của tỉnh. Vì vậy, khi tình hình kinh tế thế giới, trong nước biến động hoặc các chính sách của Trung ương thay đổi sẽ tác động rất lớn đến số thu ngân sách của các doanh nghiệp này. Cơ cấu các khoản thu không thường xuyên (chủ yếu là tiền thu sử dụng đất, tiền bán tài sản…) chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng thu nội địa (trung bình khoảng 20% trong giai đoạn 2016-2020). Trong tương lai gần, nguồn thu này sẽ giảm dần và ảnh hưởng đến sự bền vững của cơ cấu thu NSNN. Thu ngân sách đóng góp từ khu vực doanh nghiệp nhà nước sụt giảm khá mạnh (từ 19% giai đoạn 2011-2015 xuống còn 7% giai đoạn 2016-2020); thu từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh trong giai đoạn 2016-2020 chỉ chiếm tỷ trọng từ 16-18% tổng thu NSNN.
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Tứ Lộc hướng dẫn người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước
Về cơ cấu chi ngân sách nhà nước, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách địa phương của tỉnh giảm dần: giai đoạn 2011 - 2015 chiếm 80%, giai đoạn 2016 - 2020 chiếm khoảng 72%, dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 chiếm khoảng 65-67%. Tỷ trọng chi đầu tư tăng dần, giai đoạn 2011-2015 chiếm 17%, giai đoạn 2016 - 2020 chiếm khoảng 25%, dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 chiếm 30-32%. Tuy nhiên, cơ cấu chi thường xuyên còn nhiều bất cập, chi lương, các khoản có tính chất lương và chi thực hiện chính sách an sinh xã hội còn chiếm tỷ lệ khá cao (trên 60%) tổng chi thường xuyên (chi các lĩnh vực giáo dục và đào tạo khoảng 40-41%; chi lĩnh vực y tế khoảng 10% tổng chi thường xuyên). Tình trạng giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm, không đạt theo tiến độ dự toán dẫn tới chuyển nguồn lớn; đầu tư còn phân tán, dàn trải, kéo dài vẫn còn diễn ra.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngân sách của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 cần tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tạo môi trường và động lực phát triển kinh tế - xã hội, tập trung thúc đẩy tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu nội địa ổn định, bền vững và lâu dài. Chú trọng thu hút đầu tư từ các quốc gia có nền kinh tế lớn, tiềm lực về vốn, công nghệ, trình độ quản lý; các công ty đa quốc gia, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, các công ty, tập đoàn lớn trong nước. Ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, dự án có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Thứ hai, cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, khắc phục những bất cập trong cơ cấu thu, chi NSNN.
Thứ ba, tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách theo quy định của pháp luật, trong đó giữ nghiêm kỷ luật thu ngân sách có vai trò hết sức quan trọng. Tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, tạo sự thống nhất cao. Cải tiến công tác lập, giao dự toán thu ngân sách bảo đảm sát hợp với thực tế phát sinh từng cấp ngân sách, từng lĩnh vực thu. Rà soát khắc phục tình trạng kê khai thiếu thuế phải nộp, trốn, lậu thuế, nợ đọng thuế lớn. Kiên quyết và điều hành chi ngân sách được Quốc hội, HĐND các cấp thông qua. Tuyệt đối không chi ngoài dự toán, trừ những trường hợp phát sinh, cấp bách, phải chi bảo đảm đời sống của nhân dân. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi ngân sách, đặc biệt trong chi thường xuyên. Kiến nghị với Trung ương và tỉnh không ban hành các chính sách khi không chuẩn bị và bảo đảm được nguồn ngân sách.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho đầu tư phát triển, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lựa chọn lĩnh vực ưu tiên, công trình trọng điểm có tác động kích thích phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngân sách cần tập trung vào các nhiệm vụ thiết yếu, còn lại khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư vốn thực hiện các nhiệm vụ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Thứ năm, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý thu, chi ngân sách; kiện toàn bộ máy và nhân sự, nâng cao trình độ, phẩm chất đạo đức công vụ của cán bộ, công chức làm công tác tài chính, ngân sách ở các cấp ngân sách và các đơn vị thụ hưởng ngân sách; hiện đại hóa trong lĩnh vực công nghệ thông tin để đơn giản thủ tục hành chính, thuận tiện cho công tác thu và quản lý thu, chi ngân sách.
Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm kỷ luật tài chính.
2020 là năm rất khó khăn, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra trên phạm vi toàn cầu, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng sâu rộng đến sản xuất, kinh doanh và tác động của việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, dẫn đến hụt thu thường xuyên ngân sách rất lớn. Ngành tài chính sẽ áp dụng nhiều biện pháp khai thác các nguồn thu để có nguồn đáp ứng nhu cầu chi, tham mưu và triển khai thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi, cắt giảm, giãn hoãn những nội dung chi chưa thật sự cần thiết, cơ cấu lại các nội dung chi để bù hụt thu thường xuyên...