Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các thành phần tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt đối với nông dân, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại và nâng cao chất lượng nông sản
Đ/c Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực BCH Trung ương HND Việt Nam thăm mô hình tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cà chua an toàn HND xã Nhân Huệ, TP Chí Linh
Những mô hình tiêu biểu
Mô hình tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ gà thương phẩm an toàn Hội Nông dân xã Tân Việt (Thanh Hà) được thành lập từ 2019 với 20 hộ nông dân, tổng quy mô 20.000 con/lứa. Mô hình lựa chọn giống gà Ri lai Hòa Phát thương phẩm nuôi theo hướng an toàn. Các cấp Hội Nông dân (HND) đã vận động các hộ tham gia Tổ hợp tác, mở 2 lớp tập huấn quy trình nuôi gà an toàn cho 120 lượt thành viên; kiểm tra hướng dẫn chăm sóc phòng trị bệnh... HND tỉnh hỗ trợ trực tiếp mỗi hộ tham gia mô hình 750.000đồng/hộ kinh phí sản xuất ban đầu. Các thành viên mô hình cùng liên kết mua giống gà, thức ăn, vaccine phòng bệnh, men Balasa No1 xử lý chất thải chăn nuôi nên được mua vật tư với giá cả hợp lý. Ngoài ra, cùng trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, thông tin thị trường, đổi ngày công lao động mỗi khi đến đợt tiêm phòng vaccine cho gà. Do sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi nên môi trường không ô nhiễm, gà nuôi nhanh lớn, ít bệnh... Sau 4 tháng nuôi, gà thương phẩm đạt khối lượng trung bình khoảng hơn 2kg/con. Bình quân 1 hộ nuôi 1.000 gà, sau 4 tháng cho lợi nhuận đạt 36 - 40 triệu đồng. Gà thương phẩm được xuất bán cho các thương lái ở Hải Phòng, Hà Nội và nhiều nhà hàng, quán ăn trong tỉnh Hải Dương.
Mô hình Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cà chua an toàn HND xã Nhân Huệ (Chí Linh) có quy mô 5 ha. HND tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 120 lượt thành viên mô hình và cán bộ, hội viên, nông dân; tổ chức kiểm tra đồng ruộng và hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh; hỗ trợ trực tiếp kinh phí sản xuất 226.800 đồng/sào. Các thành viên mô hình cùng lựa chọn giống cà chua Savior ghép trên gốc cà tím, mua phân bón NPK Lâm Thao theo phương thức trả chậm, thông qua đầu mối cung ứng là Tổ trưởng Tổ hợp tác. HND các cấp và Tổ trưởng Tổ hợp tác chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, đơn vị để tiêu thụ sản phẩm. Kết quả, khoảng 50% sản phẩm cà chua gắn tem truy xuất nguồn gốc được đóng gói, tiêu thụ bởi Công ty CP Greenfarm Mộc Châu (có chi nhánh đại diện tại Hà Nội) với giá cao hơn giá thị trường là 1.000đ/kg; 50% sản phẩm còn lại được Tổ trưởng thu mua để cung cấp cho các bếp ăn tại khu công nghiệp trong tỉnh.
Đẩy mạnh chuỗi liên kết
Giai đoạn 2017 - 2019, HND tỉnh đã xây dựng thành công 6 Tổ hợp tác tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu của nông dân mang lại hiệu quả kinh tế cao tại các huyện (TP): Gia Lộc, Tứ Kỳ, Bình Giang, Thanh Hà, Chí Linh với 182 hộ tham gia. Việc thành lập các mô hình này chính là cách HND tỉnh hiện thực hóa nghị quyết số 04 - NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương HND Việt Nam (Khoá VII) về "Đẩy mạnh xây dựng chi HND nghề nghiệp, tổ HND nghề nghiệp". Đồng thời, góp phần nâng cao vai trò của tổ chức HND trong việc hỗ trợ hội viên áp dụng phương thức sản xuất mới, tìm đầu ra sản phẩm, giúp hội viên thêm gắn bó với tổ chức hội. Để đạt được thành công đó, HND tỉnh đã phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phân tích rõ lợi thế của từng địa phương để định hướng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng. Đồng thời, thường xuyên đồng hành cùng các tổ hợp tác từ việc tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giám sát, hỗ trợ tem gắn truy xuất nguồn gốc, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, HND các cấp chủ động liên kết với các doanh nghiệp lớn bảo tiêu sản phẩm, sản phẩm xuất tới đâu thu mua hết tới đó càng tạo sự tin tưởng cho thành viên. Từ những mô hình có hiệu quả, đến nay các cấp Hội trong tỉnh đã chỉ đạo xây dựng được 54 chi hội nông dân nghề nghiệp với 1.961 hội viên và 68 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 1.702 hội viên và 418 mô hình kinh tế tập thể. Các chi hội nghề nghiệp, mô hình liên kết thể hiện rõ vai trò của Hội như: Tạo nguồn vốn cho các thành viên từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, các ngân hàng, tổ chức dạy nghề, tập huấn chuyển giao KHKT, xây dựng các câu lạc bộ, tổ chức tham quan trao đổi kinh nghiệm, tư vấn giới thiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc…
Có thể nói, việc hình thành các tổ liên kết trong tổ chức Hội nông dân với phương thức sản xuất mới giúp chính người nông dân thay đổi nhận thức, thói quen canh tác. Từ chỗ nhìn thấy hiệu quả kinh tế từ các mô hình này, nông dân sẽ mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nâng cao giá trị sản phẩm. Sâu xa hơn chính là giúp cho mỗi hội viên nông dân nhìn thấy cơ hội làm giàu của mình từ chính hiệp định thương mại TPP, EVFTA...
Năm 2020, HND tỉnh Hải Dương tiếp tục chỉ đạo, trực tiếp hỗ trợ xây dựng 8 mô hình Tổ hợp tác liên kết và tiêu thụ nông sản tại Chí Linh, Thanh Hà, Thanh Miện, Ninh Giang, Nam Sách và Gia Lộc. Đây sẽ là cơ hội giúp nông dân tại các địa phương thay đổi thói quen canh tác, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.