Thứ năm, ngày 31/10/2024

Nhanh chóng hiện thực hóa quy hoạch tỉnh: Bài 1 - 'Công binh' đi trước mở đường

Thứ Năm 01/08/2024 15:34

Xem với cỡ chữ
Đã có 59/63 quy hoạch tỉnh, thành phố được phê duyệt. Đây là kết quả của quyết tâm chính trị và nỗ lực rất lớn của các địa phương và các cơ quan, ban, ngành, khi các quy hoạch, nhất là quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được lập theo phương pháp tích hợp mới theo quy định của Luật Quy hoạch 2017.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, ngày 7/7/2024. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, ngày 7/7/2024.

Quy hoạch đi trước một bước

Công tác quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng, là cơ hội tạo ra không gian và động lực phát triển mới của đất nước, các vùng và các địa phương. Quy hoạch có vai trò dẫn dắt, định hướng, đi trước một bước, là cơ sở, căn cứ pháp lý quan trọng, giúp khai thác, sử dụng hiệu quả các không gian: mặt đất, mặt nước - biển, không gian ngầm; là nền tảng, “bàn đạp” cho phát triển kinh tế - xã hội.

“Công tác quy hoạch được ví như là một người công binh mở đường, nếu mở đường thắng lợi thì cuộc chiến sẽ thắng lợi, còn nếu chúng ta làm không tốt sẽ dẫn đến sự thất bại, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh khi trình bày Báo cáo tại Phiên họp của Quốc hội về tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch (tháng 5/2022).

Một trong những quan điểm về công tác quy hoạch được Nghị quyết số 13 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (năm 2012) đặt ra đó là: Quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại, đồng bộ trên phạm vi cả nước, từng ngành, từng vùng và từng địa phương, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Quy hoạch 2017. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Quy hoạch đã thiết lập Hệ thống quy hoạch quốc gia, gồm 111 quy hoạch từ cấp tỉnh trở lên, thay thế cho 3.654 quy hoạch cùng cấp trong thời kỳ trước đây (2011 - 2020), tương ứng với việc cắt giảm 97% số lượng các loại quy hoạch từ cấp tỉnh trở lên. Trên toàn hệ thống, số lượng quy hoạch cần lập giảm 6.411 quy hoạch so với trước đó.

Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật để triển khai. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do quy định của Luật còn có những bất cập, chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 để giải thích một số nội dung trong Luật Quy hoạch.

Đặc biệt, Quốc hội khóa XV đã lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2022 là “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay” và sau đó với việc ban hành Nghị quyết 61/2022/QH15 đã tháo gỡ cơ bản những khó khăn, vướng mắc và trao cho Chính phủ, Thủ tướng và chính quyền các địa phương những quyền hạn đặc thù, đặc cách trong tổ chức triển khai.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 vào ngày 4/1/2023, Quốc hội khóa XV đã xem xét, phê chuẩn Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, là quy hoạch vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đây là quy hoạch cấp cao nhất, làm căn cứ để quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác.

Trên cơ sở Luật Quy hoạch và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết (Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/8/2022), chỉ thị (Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 25/5/2023 về việc đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) và tổ chức nhiều cuộc họp trực tiếp, trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.

Phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV (tháng 1/2023) đã thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: quochoi.vn)

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV (tháng 1/2023) đã thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xác định việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là việc mới, việc khó nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, với sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nghiêm túc thực hiện và triển khai lập đồng thời các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo được sự chuyển biến rõ nét và đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác quy hoạch.

Công tác quy hoạch đã được tập trung đầu tư, đẩy mạnh thực hiện; công tác lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng được đẩy nhanh tiến độ. Tính tới đầu tháng 7/2024 đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt 110/111 quy hoạch quốc gia, vùng, ngành, lĩnh vực. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch của 59/63 tỉnh, thành phố. Dự kiến trong năm nay, sẽ hoàn thành tương đối toàn diện, đồng bộ, tổng thể các quy hoạch cấp Trung ương, các ngành và các địa phương.

Phát biểu tại nhiều Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm “quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể và bao trùm”. “Quy hoạch phải bảo đảm tính lớp lang, hệ thống, khoa học và từng bước thực hiện quy hoạch có hiệu quả. Nếu có nhà tư vấn tốt thì sẽ có quy hoạch tốt, từ quy hoạch tốt sẽ dự án tốt, có dự án tốt thì sẽ có nhà đầu tư tốt, góp phần thực hiện quy hoạch hiệu quả”, Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 (tháng 4/2024).

Thủ tướng nhấn mạnh, cần chú trọng 3 yếu tố quan trọng về tư tưởng chủ đạo trong công tác quy hoạch. Thứ nhất, luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần. Thứ hai, xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và nhân dân. Thứ ba, quy hoạch phải phù hợp với xu thế phát triển của các ngành, lĩnh vực, vùng, đất nước, thế giới.

Thủ tướng cũng chỉ ra 5 nhiệm vụ của công tác quy hoạch cần tập trung thực hiện. Theo đó, tìm ra và phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, thách thức… để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục. Xây dựng danh mục các dự án, chương trình để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Huy động nguồn lực thực hiện; nguồn lực của tỉnh phải gắn với nguồn lực của vùng, nguồn lực của vùng phải gắn với nguồn lực quốc gia, nguồn lực quốc gia phải gắn với nguồn lực quốc tế. Tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, xác định rõ đây là việc mới, việc khó nhưng cũng là cơ hội lớn để tạo ra không gian phát triển mới, động lực phát triển mới và giá trị mới của đất nước, vùng và địa phương, phấn đấu đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Theo baophapluat.vn

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: