Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nhằm bù đắp những hy sinh, mất mát cho các gia đình chính sách đã hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Đ/c Trần Đức Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương thăm và trao tặng quà cho người có công tại thành phố Hải Dương
Theo thống kê, tỉnh Hải Dương hiện có trên 230.000 người có công, trong đó có 38.941 liệt sĩ; 22.520 thương binh; 10.484 bệnh binh; 4.122 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 3.642 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 10.416 người hoạt động kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hoá học; 139.073 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc đã được tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến... Hiện nay, tỉnh Hải Dương đang thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho khoảng 37.000 người có công và thân nhân người có công với số tiền chi trả trợ cấp hàng tháng trên 69,5 tỷ đồng/tháng. Trên cơ sở các văn bản chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực ưu đãi người có công, tỉnh đã tổ chức quán triệt, triển khai một cách sâu rộng tới các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội, tầng lớp nhân dân.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực người có công, Sở LĐ-TB&XH đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Trong năm 2023, tỉnh Hải Dương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho đối tượng người có công như: Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 quy định mức quà tặng cho đối tượng là con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; gia đình quân nhân đang công tác tại địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn; đơn vị quân đội và một số đối tượng thuộc lĩnh vực giảm nghèo, bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Nghị quyết số 8/2023/NQ-HĐND quy định mức chi thực hiện một số chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng, người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ của tỉnh Hải Dương…
Cùng với đó, Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng. Tổ chức chu đáo việc thăm tặng quà người có công và các hoạt động tri ân nhân dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 và các ngày lễ lớn... Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa. Duy trì 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, 100% gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương.
Tính riêng trong quý I/2024, toàn tỉnh đã chuyển 56.798 suất quà của Chủ tịch nước với tổng kinh phí 17,3 tỷ đồng; 56.729 suất quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBMTTQ, UBND tỉnh với tổng kinh phí 45,3 tỷ đồng tới đối tượng người có công. Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với ngành Công an tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc tiến độ thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Tổ chức điều dưỡng tập trung trong tỉnh đối với 135 người có công và thân nhân. Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 01/3/2024 về việc thăm, tặng quà cho đại diện thân nhân liệt sĩ, người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ; thương binh, bệnh binh, quân nhân trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn tỉnh Hải Dương nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đặc biệt, để thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công, tỉnh Hải Dương cũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 02 cơ sở đang thực hiện chức năng chăm sóc người có công, gồm: Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở LĐ-TB&XH, thực hiện chức năng điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho người có công với cách mạng thuộc tỉnh Hải Dương và các tỉnh lân cận. Trong giai đoạn 2021-2023, Trung tâm thực hiện điều dưỡng trung bình từ 750-4.500 người có công và thân nhân người có công/năm. Đối với Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương, thực hiện chức năng tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần mãn tính, không tự chủ được bản thân, có hành vi nguy hại cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn nơi công cộng theo quy định của pháp luật. Hiện nay, Trung tâm đang nuôi dưỡng, điều trị cho gần 60 bệnh nhân là người có công và thân nhân người có công bị mắc bệnh tâm thần.
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các văn bản chính sách ưu đãi người có công. Phối hợp giải quyết các chế độ, chính sách đối với người có công và thân nhân theo đúng quy định. Tập trung tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ. Tổ chức tốt các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ…/.