Những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực; các phong trào, mô hình học tập đã phát triển mạnh mẽ, sâu rộng.
Hội Khuyến học tỉnh Hải Dương nhận Cờ thi đua xuất sắc Chính phủ tặng năm 2020
Thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” và các văn bản của Trung ương về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, lợi ích của khuyến học, khuyến tài, việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập với nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Đồng thời, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Sau 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư, công tác khuyến học khuyến tài của tỉnh đã được nhiều kết quả tích cực.
Hệ thống Hội khuyến học tiếp tục được xây dựng và củng cố, toàn tỉnh hiện có 01 Hội Khuyến học cấp tỉnh; 12 hội khuyến học huyện, thành phố; 235 hội khuyến học xã phường, thị trấn. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 775.728 hội viên khuyến học, đạt tỷ lệ 40,1 % trên dân số, tăng 3,83% so với năm 2022. Toàn tỉnh có 2.142 chi hội, đơn vị khuyến học, 9.256 Ban Khuyến học dòng họ, Liên gia Khuyến học. Hầu hết các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các trường đại học, cao đẳng, các khối lực lượng vũ trang từ tỉnh đến cơ sở đều có Ban Khuyến học, Chi hội khuyến học, 100% các trường THCS, Tiểu học thành lập Chi hội Khuyến học, một số trường THPT trong tỉnh đã thành lập được Chi hội Khuyến học. 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có Trung tâm học tập cộng đồng.
Cùng với đó, các phong trào, mô hình học tập đã phát triển mạnh mẽ, đẩy mạnh phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong đơn vị, cộng đồng, gia đình, dòng họ; góp phần tích cực vào việc xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh. Sau 5 năm, toàn tỉnh có 417.588 gia đình được công nhận "Gia đình học tập"; 7.262 dòng họ được biểu dương "Dòng họ học tập"; 1.314 cộng đồng được công nhận "Cộng đồng học tập"; 1.190 đơn vị được công nhận là "Đơn vị học tập".
Thực hiện Chương trình "Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030", năm 2021, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức triển khai thí điểm mô hình "Công dân học tập" cho 03 đơn vị trên địa bàn tỉnh; đến năm 2023, đã triển khai ra diện rộng đến nhiều nhóm đối tượng. Kết quả: Nhóm nông dân và lao động nông thôn: có 246.321 người đăng ký đạt “Công dân học tập”, trong đó có 107.089 người đạt "Công dân học tập", tỷ lệ đạt 43,47%. Nhóm công nhân lao động, thợ thủ công, thợ sửa chữa thiết bị gia dụng có 211.665 người đăng ký, trong đó có 137.088 người đạt "Công dân học tập", tỷ lệ đạt 64,76%. Nhóm cán bộ quản lý, cán bộ CCVC từ cấp xã trở lên, doanh nhân, quản lý doanh nghiệp có 61.119 người đăng ký, trong đó 53.000 người đạt "Công dân học tập", tỷ lệ đạt 86,71%.
Mạng lưới trường lớp trong hệ thống giáo dục của tỉnh được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập phong phú, đa dạng của nhân dân, từng bước hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Tỉnh đã hoàn thành việc sáp nhập 12 trung tâm giáo dục thường xuyên, 7 trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp - Hướng nghiệp - Dạy nghề thành 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ttrực thuộc các huyện, thị xã, thành phố. Thực hiện Đề án "Phấn đấu Hải Dương có 01 trường đại học đa ngành, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển", Hải Dương đã sáp nhập trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương. Trên địa bàn tỉnh hiện có 04 trường Đại học, 33 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tỉnh chỉ đạo, triển khai quy hoạch lại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chất lượng giáo dục, chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn ngày một nâng cao. Công tác hướng nghiệp, dạy nghề, đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên, lao động nông thôn được quan tâm. Công tác xóa mù chữ cho người lớn quan tâm. Tỉ lệ người trong độ tuổi 15 - 60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 chiếm 99,65%; số người trong độ tuổi 15-60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 chiếm 99,36%. 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh và 100% số huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được chú trọng. Trong 5 năm (2019 - 2024), toàn tỉnh có 103.903 lượt cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã đi học đào tạo, bồi dưỡng. Qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của tỉnh tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng, từng bước hình thành đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, trình độ quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; từng bước rèn luyện thói quen tự học, góp phần xây dựng lực lượng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, kỹ năng công tác, thúc đẩy phong trào "học tập suốt đời" trên địa bàn tỉnh.
Trường THPT Chu Văn An (TP Hải Dương) là một trong số những trường tư thục được đánh giá có chất lượng đào tạo tốt
Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, huy động mọi nguồn lực của xã hội để phát triển giáo dục tại địa phương; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục được đầu tư bổ sung đảm bảo yêu cầu hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 43 trường tư thục và 148 cơ sở GDMN độc lập (53 nhóm trẻ, 5 lớp mẫu giáo, 90 lớp mầm non độc lập). Tăng tỉ lệ trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Trên địa bàn tỉnh hiện có 01 trường đại học ngoài công lập và 15 trường THPT tư thục. Hệ thống thiết chế văn hóa các cấp trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo, hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cơ bản đảm bảo theo quy định. Đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 01 thư viện tỉnh, 12 thư viện cấp huyện, 31 thư viện xã, 1.291 tủ sách thôn, khu dân cư và 03 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng.
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy, tăng cường hợp tác quốc tế khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập từng bước được quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 33 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó nhiều đơn vị có xu hướng liên kết hợp tác với tổ chức nước ngoài đào tạo nhân lực, tiêu biểu như: Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương hợp tác với Trường Đại học Bách khoa cộng hòa (RP) của Singapore; Trường Cao đẳng Cơ giới xây dựng hợp tác với Tổ chức Asia society for social improvement and sustainable transformation inc (Tổ chức phi chính phủ của Philippines); Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường thủy I hợp tác với Tổ chức PUM (tổ chức phi chính phủ của Hà Lan); Trường Đại học Hải Dương phối hợp với Tổ chức Good People International (Hàn Quốc) thực hiện Dự án “Lớp học thú vị Việt Nam Asiana” và phối hợp với Google Việt Nam Digital 4.0 tổ chức khóa học Digital 4.0 phát triển kỹ năng ứng dụng kỹ thuật số vào kinh doanh online cho giảng viên và sinh viên ngành Quản trị kinh doanh...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập còn gặp một số hạn chế, khó khăn như: Việc học tập và ý thức tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ, Nhân dân còn chưa cao. Một số đơn vị, doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức khuyến học nên sự lan tỏa phong trào còn hạn chế. Một số trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả chưa cao, nội dung còn đơn điệu, chưa đa dạng hình thức; cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; cán bộ quản lý kiêm nhiệm còn hạn chế về năng lực quản lý, kỹ năng tổ chức. Hội khuyến học các cấp (nhất là cấp cơ sở) khó khăn về thực hiện số hóa, triển khai phần mềm tin học thực hiện mô hình “Công dân học tập”. Kinh phí chi cho các hoạt động của công tác xây dựng xã hội học tập còn hạn chế....
Trong thời gian tới, để nâng cao công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp giữa các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với các công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện lồng ghép, đưa nội dung khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vào các chương trình đào tạo của Trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị cấp huyện và các cơ sở giáo dục - đào tạo khác. Tiếp tục cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập gắn với triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị. Tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030" và Kế hoạch "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030" trên địa bàn tỉnh. Xây dựng xã hội học tập gắn với xây dựng văn hóa, xây dựng con người Xứ Đông - Hải Dương với nhiệm vụ xây dựng "Người Hải Dương văn minh, hiếu học và khát vọng vươn lên". Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; chú trọng đổi mới phương pháp, đa dạng hóa hình thức học tập phù hợp tình hình thực tiễn; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Đổi mới phương thức hoạt động của Hội Khuyến học các cấp; làm tốt công tác xã hội hóa trong xây dựng xã hội học tập; phát huy hiệu quả của Quỹ Khuyến học trong xây dựng xã hội học tập. Từng bước tổ chức xây dựng mô hình "Công dân học tập", "Cộng đồng học tập cấp xã, cấp huyện", tiến tới đạt "Tỉnh học tập"...