Thứ hai, ngày 25/11/2024

Một số kết quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2023

Thứ Tư 24/01/2024 08:42

Xem với cỡ chữ
Năm 2023, hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, phục vụ sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Khoai sọ Miễu Sơn, Chí Linh phục vụ phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh

Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện 13 đề tài, 1 chương trình mới "Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025" và 10 đề tài chuyển tiếp từ năm 2022, bảo đảm 100% kế hoạch. Các kết quả nghiên cứu của từng lĩnh vực cụ thể như sau:

- Lĩnh vực khoa học nông nghiệp: Trong lĩnh vực trồng trọt đã xây dựng thành công các mô hình sản xuất thử và tổ chức ứng dụng, nhân rộng, sản xuất an toàn với nhiều giống lúa, rau màu, cây ăn quả và cây dược liệu mới, có hiệu quả và giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh. Các giống thực hiện đều được đánh giá thích nghi với điều kiện sinh thái của tỉnh, phù hợp với sản xuất hàng hóa tập trung, thể hiện được những ưu việt của giống về năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh, nổi bật như: lúa Lai thơm 6 có năng suất, chất lượng và mùi thơm, được sản xuất an toàn theo VietGAP; lạc L29 kháng vi khuẩn héo xanh; mô hình 3 loại hồng ngâm Gia Thanh, Hạc Trì, Lục Yên; giải pháp khoa học công nghệ phát triển cây hành củ tại Hải Dương bằng việc chọn giống hành trồng trái vụ, nhân invitro lấy củ giống và cây giống nhằm cung cấp giống hành sạch bệnh, giảm chi phí và an toàn trong bảo quản hành giống; phục tráng một số giống rau màu đặc trưng, chất lượng và giá trị kinh tế như hành, dưa chuột gai, khoai sọ Miễu Sơn, Chí Linh phục vụ phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh; mô hình một số cây dược liệu như diệp hạ châu đắng, diệp hạ châu ngọt, kim tiền thảo, ké đầu ngựa... góp phần cung cấp cho ngành nông nghiệp, y tế quy hoạch và phát triển vùng dược liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản: Tích cực ứng dụng nhiều giải pháp kỹ thuật mới trong sản xuất về con giống, tiến bộ về kỹ thuật, quy trình. Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm và hướng tới giá trị cao được quan tâm thông qua phối trộn các nguồn thức ăn sẵn có, sử dụng thảo dược bổ sung vào khẩu phần thức ăn cho gà thương phẩm theo hướng an toàn, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao; phát triển mô hình nuôi thỏ NewZealand theo chuỗi từ sản xuất con giống đến nuôi thương phẩm, hình thành Hợp tác xã để kết nối tiêu thụ sản phẩm; mô hình vịt SHST53, CT1234 có thời gian sinh trưởng ngắn, tăng trọng và cho hiệu quả kinh tế. Với đại gia súc, xây dựng thành công mô hình sinh sản và nuôi đà điểu thương phẩm trên địa bàn tỉnh. Về thủy sản, xây dựng mô hình nuôi cá trê vàng theo hướng VietGAP cho hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm an toàn; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến sản phẩm chả cá rô phi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trên cơ sở khai thác thế mạnh về nguồn nguyên liệu phong phú của địa phương.

Mô hình nuôi thỏ NewZealand

- Lĩnh vực khoa học y, dược: Thực hiện nghiên cứu, ứng dụng phương pháp ELISA, Realtime PCR trong chẩn đoán phát hiện Parvovirus B19 và điều trị bệnh nhân mắc bệnh lý thận. Tập trung nghiên cứu bào chế dung dịch xịt hỗ trợ điều trị tổn thương da từ nano bạc và một số dược liệu trên địa bàn tỉnh, nghiên cứu sản phẩm hỗ trợ hạ đường huyết và tăng cường miễn dịch từ đông trùng hạ thảo, cốm vi sinh từ hai chủng lợi khuẩn Bacillus subtilis và Bacillus clausii. Đồng thời, các nghiên cứu trong lĩnh vực này đã chú trọng xây dựng mô hình trồng một số cây dược liệu theo hướng GACP-WHO để phục vụ sản xuất thuốc chữa bệnh với quy mô công nghiệp dược trên địa bàn tỉnh để định hướng cho người dân trồng, sơ chế dược liệu đáp ứng yêu cầu mới nhất của Bộ Y tế quy định về chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền.

- Lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn: Chú trọng nghiên cứu những yếu tố tác động đến quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Đánh giá tác động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tới phát triển kinh tế - xã hội và đề xuất các giải pháp thu hút FDI trên địa bàn tỉnh; Đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho học sinh phổ thông từ 11 đến 18 tuổi trên địa bàn tỉnh; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước của cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn có khu, cụm công nghiệp tại tỉnh Hải Dương.

- Lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ : Ứng dụng công nghệ trong hệ thống hóa, quản lý và sử dụng dữ liệu địa chất công trình trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ công tác quy hoạch xây dựng, nghiên cứu tiền khả thi, khả thi; Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất gạch từ nhựa nhiệt dẻo phế liệu kết hợp với tro của nhà máy xử lý rác và nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa và tro bay gây ra; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ và thử nghiệm hệ thống phối trộn, đồng nhất vật liệu rời theo nguyên lý khí động học. Nghiên cứu ứng dụng thành tựu công nghệ sinh học trong kéo dài thời gian bảo quản cà chua...

Nhìn chung, việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ có sự lồng ghép, tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, góp phần xây dựng luận cứ khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đặc biệt là những nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp đã chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống, biện pháp canh tác tăng năng suất, hiệu quả kinh tế từ 15-20%, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân.

VPTU

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: