Thứ sáu, ngày 19/4/2024

Giao thông tại Pháp đình trệ do biểu tình phản đối giá xăng dầu tăng

Thứ Hai 19/11/2018 16:52

Xem với cỡ chữ
Từ sáng hôm nay, 17-11, hàng chục nghìn người theo phong trào áo "phát quang màu vàng" đã tiến hành phong tỏa các trục giao thông trên toàn nước Pháp. Mục đích là để phản đối giá xăng dầu tăng cao liên tục trong vòng một năm qua.

Để thực thi chính sách bảo vệ môi trường, chính phủ Pháp đã tăng thuế nhằm giảm số xe gây ô nhiễm. Chỉ trong vòng một năm qua, giá xăng - dầu đã tăng tới 15% và 23%. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là lái xe tải đường dài, những người có thu nhập thấp và người dân ở các vùng nông thôn hằng ngày phải di chuyển bằng xe ô-tô.

Từ lời kêu gọi trên mạng xã hội, phong trào "áo phát quang màu vàng" - loại áo an toàn giao thông - đã hình thành với hơn một triệu chữ ký ủng hộ trong mấy tuần qua. Phong trào này không có tổ chức chính thức, không có lãnh đạo hay liên kết chính trị, mà chủ yếu huy động sự ủng hộ và tham gia của những người sử dụng ô-tô hằng ngày thông qua mạng xã hội.

Đúng vào ngày biểu tình được kêu gọi trên mạng xã hội, hàng nghìn người mặc áo an toàn giao thông đã phong tỏa các trục giao thông trên khắp nước Pháp. Bộ Nội vụ Pháp cho biết, tính tới đầu giờ chiều 17-11, có khoảng 124 nghìn người tham gia phong tỏa gần hai nghìn điểm giao thông. Họ sử dụng nhiều cách khác nhau để làm gián đoạn giao thông như chặn đường tốc và các vòng xuyến lớn, đi bộ qua lại liên tục tại các ngã tư, chạy chậm hoặc chặn bớt các làn đường để làm ùn tắc giao thông...

Sơ đồ các điểm biểu tình, chặn xe trên khắp nước Pháp.

Diễn ra từ sáng sớm 17-11, nhiều điểm giao thông trên nước Pháp ở đường cao tốc và đường vành đai các thành phố bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Căng thẳng đã xảy ra giữa những người chặn đường và người tham gia giao thông. Một số vụ tai nạn tại tỉnh Savoie ở đông nam nước Pháp đã xảy ra khi một chiếc xe ô-tô lao vào những người chặn đường, làm một người chết.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết, một phụ nữ đang chở con đi khám bệnh bị nhưng người biểu tình chặn lại, đập lên nóc xe, do đó hoảng hốt và lao xe đi. Hàng chục người bị thương trong đó có một cảnh sát tại một số nơi khác. Bộ trưởng Nội vụ Pháp nói rằng, các lực lượng an ninh được tăng cường tối đa để giao thông không bị tê liệt và bảo đảm an toàn cho mọi người.

Truyền hình Pháp đưa tin liên tục về diễn biến tại các điểm chặn giao thông. Ý kiến của những người tham gia phong trào phong tỏa giao thông nói rằng họ buộc phải hành động như vậy để phản đối các chính sách của chính phủ hiện nay liên quan đến việc tăng thuế giá xăng dầu, gas, điện, giảm lương hưu và khiến cho cuộc sống của họ rất khó khăn. Lo ngại hành động của những người biểu tình, một số trung tâm thương mại và siêu thị đã đóng cửa. Một số vụ va chạm đã giữa những người chặn đường và người đi đường.

Bắt đầu từ những ý kiến trên mạng xã hội, bày tỏ sự tức giận về giá xăng dầu, phong trào này đã lan rộng sau khi Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định là ủng hộ kế hoạch tăng thuế để giá bán dầu diesel ngang giá xăng. Ông E. Macron cho biết có thể hỗ trợ những người phải di chuyển bằng ô-tô từ 30km trở lên hằng ngày. Giá xăng dầu tăng nhanh và ở mức cao trong năm qua đã ảnh hưởng tới nhiều người sử dụng xe ô-tô chạy bằng diesel vì trước đó giá diesel luôn ở mức thấp hơn nhiều so với giá xăng. Tại Pháp, có tới 80% xe ô-tô chạy bằng diesel.

Các nhà phân tích cho rằng chính phủ sẽ phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ phong trào phản đối chưa từng có như thế này. Khác với phong trào biểu tình của lực lượng công đoàn, những người tham gia phong trào này có đủ thành phần gồm công nhân, nông dân cùng với ủng hộ của một số tổ chức chính trị có quan điểm đối lập về chính sách kinh tế của chính phủ hiện nay.

Kết quả thăm dò dư luận của viện nghiên cứu Elabe công bố tuần này cho thấy có tới 73% người được hỏi ủng hộ hành động của phong trào này và 70% muốn chính phủ dừng chính sách tăng thuế xăng dầu, dự kiến kéo dài đến năm 2022. Có 54% người đã bỏ phiếu cho ông E. Macron cho biết họ ủng hộ phong trào này.

Chính phủ Pháp quyết tâm theo đuổi chính sách giảm bớt ô nhiễm, khuyến khích người dân bỏ xe chạy bằng diesel, trong khi đó người dân phản đối tăng giá nhiên liệu. Hai bên đều có lý riêng của mình nhưng đây là dịp để các phe phái chính trị ủng hộ người biểu tình nhằm thu hút phiếu trong cuộc nghị viện châu Âu vào tháng 5-2019.

Theo Báo Nhân dân Điện tử