Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 91% dân số thế giới đang hít thở không khí chứa quá nhiều hạt vật chất (đường kính dưới 2,5 μm) và tiếp xúc nồng độ vượt quá mức cho phép (10 μg/m³ mỗi năm). Sự tiếp xúc quá mức này gây ra khoảng bảy triệu ca tử vong mỗi năm.
Sương mù chứa hạt nhỏ xuất hiện tại Paris vào thời điểm “thành phố của ánh sáng” đối mặt tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất trong một thập kỷ, ngày 9-12-2016. (Ảnh: Reuters)
Con số này cao hơn tổng số ca tử vong có nguồn gốc từ AIDS (1,1 triệu ca), lao (1,4 triệu ca), tiểu đường (1,6 triệu ca) và tai nạn giao thông (1,3 triệu ca).
Trước thực trạng nêu trên, WHO sẽ triển khai hội nghị quy mô toàn cầu về xây dựng các hành động cấp bách nhằm phòng, chống các nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người do ô nhiễm môi trường, tiến tới đưa vào khung chương trình nghị sự quốc tế. Hội nghị sẽ diễn ra tại Geneva, từ ngày 30-10 đến 1-11 tới.
Thông qua việc tổ chức hội nghị quốc tế lần thứ nhất này, bên cạnh tình trạng nóng lên toàn cầu, WHO có ý định thiết lập các hoạt động phòng, chống ô nhiễm không khí trong khuôn khổ các chương trình nghị sự quốc tế. Hội nghị muốn nhấn mạnh thông điệp: ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn tới bảy triệu ca tử vong mỗi năm, vấn đề này cần được nhìn nhận như một “nguy cơ môi trường lớn nhất đối với sức khỏe” của con người.
Để nâng cao hiệu quả của “lời kêu gọi khẩn cấp” nêu trên, đại diện của các nhóm khoa học và y tế, các tổ chức liên chính phủ, các nhà hoạt động xã hội trong lĩnh vực năng lượng và vận tải cũng như các nhà hoạch định chính sách, các quan chức phụ trách những vấn đề môi trường và y tế, đã được mời tới tham dự hội nghị.
Bà Maria Neira, Giám đốc Văn phòng Y tế và Môi trường của WHO và điều phối viên hội nghị cho biết, bất chấp những con số không ngừng tăng này, “chỉ một vài tháng trước, ô nhiễm không khí mới bắt đầu được thừa nhận như một nguy cơ gây ra bệnh không lây nhiễm tương tự rượu hoặc thuốc lá”. Đặc biệt, vấn nạn này thậm chí còn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai, chỉ sau thuốc lá. 1/3 số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm như đột quỵ, ung thư phổi, đau tim và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do ô nhiễm không khí.
Bà Maria Neira cũng nhấn mạnh, các giải pháp đối với tình trạng ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông hoặc hoạt động sản xuất công nghiệp gây ra cũng cần được triển khai song song với giảm phát thải khí nhà kính.
Không giống biến đổi khí hậu, Liên hợp quốc chưa đưa ra quy định nào về vấn đề ô nhiễm không khí. Do vậy, hội nghị toàn cầu lần này sẽ ưu tiên lựa chọn các cam kết tự nguyện từ các quốc gia và thành phố trên thế giới nhằm tạo ra một cuộc vận động quy mô toàn cầu. Đặc biệt, bà Maria Neira cam kết sẽ theo dõi từng hành động cụ thể của các bên.