Ngày 21-10, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Ban Thư ký ASEAN, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức tọa đàm về giới và nhận thức của giới truyền thông.
Các đại biểu trao đổi tại Tọa đàm .
Thiên vị giới và định kiến giới đã phổ biến trong nhiều hình thức truyền thông ở ASEAN. Xuất hiện ít trên truyền thông, phụ nữ thường được miêu tả trong những vai đóng khung theo kiểu định kiến. Đáng quan tâm là, bạo lực đối với phụ nữ đã trở nên bình thường trên truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Truyền thông có ảnh hưởng lớn tới nhận thức xã hội, khiến trẻ em cả hai giới tiếp nhận định kiến giới một cách vô thức. Việc tiếp xúc liên tục với các định kiến về giới làm giảm sự nhạy cảm của công chúng, khiến họ vô cảm với hiện tượng bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử về giới.
Với tỷ lệ 74% dân số ASEAN ngày nay được tiếp cận với internet qua điện thoại di động, một yêu cầu cấp thiết hiện nay là nâng cao nhận thức về giới cho những người làm công tác truyền thông, giải quyết vấn đề những định kiến giới gây ra tác động tiêu cực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Tọa đàm tập trung vào chủ điểm nâng cao hiểu biết và nhận thức của những người làm công tác truyền thông về bình đẳng giới. Các đại biểu đã thảo luận các biện pháp để việc nâng cao nhận thức của truyền thông về giới có thể đóng góp cho việc chống lại những định kiến giới có tác động tiêu cực đối với phụ nữ và trẻ em gái và làm thay đổi quan hệ giới trong bối cảnh của khu vực ASEAN.
Phó Tổng Thư ký Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN Kung Phoak cho rằng, truyền thông có vai trò rất lớn trong giải quyết bất bình đẳng giới. Quan trọng là phụ nữ được khắc họa hình ảnh một cách tích cực trên truyền thông, và các em gái có thể nhìn thấy bản thân mình là những tác nhân mạnh mẽ của sự thay đổi, thay vì đứng ngoài một cách thụ động. Hơn nữa, các em trai có thể coi phụ nữ là một đối tác bình đẳng, có khả năng lãnh đạo.
Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh: “Việc coi đàn ông và trẻ em trai là những tác nhân tạo ra sự thay đổi trong việc giải quyết những định kiến về giới vẫn là một yếu tố quan trọng trong cuộc chiến giành bình đẳng giới”.
Là một hoạt động trong chuỗi các sự kiện hướng tới Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ ba (AMMW-3) sẽ diễn ra tại Hà Nội, tọa đàm nhằm thực hiện các mục tiêu của Ủy ban Phụ nữ ASEAN về tăng cường hiểu biết và nhận thức của những người làm truyền thông về bình đẳng giới. Thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ giới hạn ở những cơ quan công tác về các vấn đề của phụ nữ.
Ủy ban Phụ nữ ASEAN vẫn tiếp tục cam kết lồng ghép bình đẳng giới trong các cơ quan khác của ASEAN, đặc biệt là các cơ quan công tác về truyền thông, thông tin, văn hóa và nghệ thuật như Hội nghị Các quan chức cấp cao ASEAN phụ trách về thông tin (SOMRI), Hội nghị Các quan chức cấp cao ASEAN phụ trách về văn hóa và nghệ thuật (SOMCA).
Tại sự kiện, ca sĩ - nghệ sĩ Hoàng Bách, đại diện hình ảnh Chiến dịch HeforShe tại Việt Nam, cũng chia sẻ trải nghiệm bản thân trong quá trình giữ vai trò đại diện của mình cho chiến dịch vì bình đẳng giới đầy ý nghĩa này.
* Trước đó, ngày 20-10, Cuộc họp lần thứ 17 của Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) cũng khai mạc.
Đây là cuộc họp định kỳ lần thứ hai trong năm của ACWC. Tiếp theo các kết quả của Cuộc họp ACWC lần thứ 16 diễn ra tại Indonesia, tại cuộc họp ở Việt Nam, các đại diện ACWC đã rà sát việc thực hiện các dự án trong khuôn khổ Kế hoạch công tác giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, cuộc họp đã ghi nhận nhiều dự án quan trọng được hoàn thiện như Diễn đàn ASEAN về thúc đẩy tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ tại Singapore; Hội nghị ASEAN 2018 về cải cách tư pháp trẻ vị thành niên tại Thái-lan; Lễ ra mắt Hướng dẫn ASEAN về thu thập và sử dụng dữ liệu về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em và Hướng dẫn khu vực và các thủ tục giải quyết các nhu cầu của nạn nhân bị mua bán.
Cuộc họp cũng cập nhật thông tin thực hiện Kế hoạch hành động khu vực về xóa bỏ bạo lực đối với Phụ nữ (RPA-EVAW). Trong đó, bao gồm các kết quả của Hội nghị quan chức cấp cao về lồng ghép giới trong các cơ quan chuyên ngành của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC); kết quả Diễn đàn Trẻ em ASEAN lần thứ năm được tổ chức tại Brunei Darussalam trong tháng 8 vừa qua; kết quả của Hội thảo khu vực về tăng cường khuôn khổ pháp lý trong bảo vệ trẻ em khỏi bị khai thác tình dục trong lĩnh vực du lịch được đồng tổ chức bởi ACWC và Liên nghị viện ASEAN (AIPA) từ ngày 26 đến 27-7 năm 2018. Đặc biệt là việc xây dựng Tuyên bố ASEAN về bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bóc lột và lạm dụng tình dục trên môi trường mạng; Hướng dẫn và thủ tục khu vực trong giải quyết các nhu cầu của các nạn nhân bị mua bán, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em lên để trình lên các nhà lãnh đạo ASEAN ghi nhận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 11 sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Singapore.
Tại Phiên cập nhật về các dự án đang diễn ra trong khuôn khổ Kế hoạch công tác ACWC 2016-2020, đoàn Việt Nam đã thông tin về dự án Thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN thông qua bảo đảm công nhận địa vị pháp lý của tất cả phụ nữ và trẻ em ASEAN do ACWC Việt Nam điều phối.
Cuộc họp cũng có phiên họp mở với UN Women về tiến độ thực hiện các chương trình hợp tác chung giữa ASEAN - UN Women và các lĩnh vực hợp tác chính trong năm 2019.
Cuộc họp ACWC lần thứ 17 đã diễn ra thành công, với việc thống nhất xây dựng khung khổ kết quả Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN 2025 và Khung khổ kết quả và Hệ thống giám sát, đánh giá Kế hoạch công tác ACWC 2016-2020.
Cuộc họp ACWC lần thứ 18 sẽ diễn ra vào quý I năm 2019 tại Trụ sở Ban Thư ký ASEAN, Indonesia.