hiều 22-10, Thông cáo báo chí của Trung tâm Báo chí kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, cho biết một số nội dung, thông tin mới chung quanh phiên họp trù bị trước khi Quốc hội chính thức khai mạc kỳ họp.
Theo đó, tại phiên họp trù bị, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự kiến chương trình kỳ họp thứ sáu. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đề nghị của cơ quan tổ chức hữu quan và căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung một số nội dung vào chương trình kỳ họp.
Cụ thể, Quốc hội bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; xem xét, quyết định việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Đáng chú ý, tại phiên trù bị sáng nay, Quốc hội đã nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Báo cáo và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 589/NQ-UBTVQH14 ngày 20-10-2018 về việc xử lý kỷ luật với ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011 - 2016 bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016, đồng thời giao Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Bắc Son.
Thông cáo báo chí cũng thông tin về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Theo đó, trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến xác đáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chưa trình dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại kỳ họp này.
Về dự án Luật Hành chính công, theo Thông cáo báo chí, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án luật này tại một số phiên họp; đã ghi nhận và đánh giá cao tâm huyết, cố gắng, quyết tâm của đại biểu Quốc hội - Trưởng Ban soạn thảo, các thành viên Ban soạn thảo và rất trân trọng kết quả mà Ban soạn thảo đã đạt được.
Tuy nhiên, sau khi xem xét, thảo luận kỹ lưỡng các mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nội dung dự án luật chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra khi đưa vào Chương trình. Do quá trình soạn thảo kéo dài, nên nhiều mục tiêu, nội dung đặt ra trong quá trình xây dựng dự án đã được Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật ban hành thời gian qua, đồng thời, đề xuất, sửa đổi, bổ sung trong các văn bản luật và dưới luật.
“Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép dừng việc xây dựng dự án Luật Hành chính công. Toàn bộ tài liệu liên quan đến dự án luật có giá trị tham khảo, được gửi trên mạng thông tin điện tử của Quốc hội để phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng pháp luật của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội”, Thông cáo báo chí nêu.
Tiếp đó, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV theo dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tỷ lệ 93,40% tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Lãnh đạo Vụ Thông tin Văn phòng Quốc hội cho biết thêm, phiên khai mạc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV đã được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp. Trung tâm Báo chí kỳ họp được tổ chức và vận hành tại Nhà Quốc hội phục vụ phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước đưa tin kịp thời tới cử tri, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.