Thứ tư, ngày 17/4/2024

Tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác

Thứ Tư 20/07/2022 17:22

Xem với cỡ chữ
Khoảng 3,5 triệu trẻ mắc COVID-19 trong thời gian tháng 2 - 4/2022 nhưng đa phần ở mức độ nhẹ, dẫn đến cha mẹ trẻ có tâm lý chủ quan và không muốn cho con đi tiêm chủng. Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác...

 

Khoảng 3,5 triệu trẻ mắc COVID-19 trong thời gian tháng 2 - 4/2022

Bộ Y tế cho biết, ngày 19/7 có 1.085 ca mắc mới COVID-19, tăng 245 ca so với ngày trước đó Đây là số ca bệnh cao nhất trong 46 ngày qua. Trong ngày tiếp tục không có F0 tử vong, có gần 5.300 F0 khỏi bệnh.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.762.532 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.575 ca nhiễm).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 9.823.574 ca. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, giám sát có 41 trường hợp thở ô xy là gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 31 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 5 ca.

Sáng 20/7: Tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác - Ảnh 1.

Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác...

Trong cuộc họp trực tuyến về tiêm chủng mới tổ chức, Bộ Y tế cho rằng khoảng 3,5 triệu trẻ mắc COVID-19 trong thời gian tháng 2 -4/2022 nhưng đa phần ở mức độ nhẹ, dẫn đến cha mẹ trẻ có tâm lý chủ quan và không muốn cho con đi tiêm chủng.

Các chuyên gia cho rằng với trẻ 5 - dưới 12 tuổi nên tập trung đẩy nhanh tiêm chủng cho trẻ có nguy cơ cao, bị bệnh nền, béo phì...

Sau hơn 3 tháng triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, đến ngày 18/7, tổng số mũi tiêm của cả nước đạt 10.339.835 triệu, trong đó mũi 1: 7.071.687 trẻ (61,8%); đối với mũi 2 là 3.268.148 liều (28,5%).

Chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch

Theo Bộ Y tế, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến thể BA.5 của chủng Omicron, nhất là tại khu vực Châu Âu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng.

Tại Việt Nam, từ cuối tháng 3/2022, dịch có xu hướng giảm mạnh và hiện vẫn đang được cơ bản kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước.

Hai biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước; Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác để chủ động có các biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh; thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình dịch và các yếu tố nguy cơ, chủ động các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh và chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch.

Do đó, cần đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học. Tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch theo công thức "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác... gắn với thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19 để tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.

Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 568,7 triệu ca, trên 6,38 triệu ca tử vong.

Theo báo cáo cập nhật từ Viện Nhi khoa (AAP) và Hiệp hội Bệnh viện nhi của Mỹ, nước này đã ghi nhận trên 6 triệu trẻ em mắc COVID-19 kể từ đầu năm 2022 đến nay. Riêng 4 tuần gần đầy, số ca mắc mới ở trẻ xấp xỉ 287.000 ca.

Trong báo cáo công bố ngày 18/7, AAP nêu rõ số ca bệnh nhi mắc COVID-19 tại Mỹ tăng cao hơn so với cách đây một năm. Do vậy, hiệp hội chuyên khoa này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần thu thập thêm dữ liệu về độ tuổi cụ thể nhằm đánh giá nguy cơ gây bệnh và những tác động tiềm tàng về lâu dài mà các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra đối với trẻ em, từ đó giúp các nhà nghiên cứu có thể tìm ra những biện pháp hạn chế các tác động đối với thể chất, tâm lý và khả năng giao tiếp xã hội của thế hệ trẻ nhỏ cũng như thanh thiếu niên.

Cũng theo thống kê của giới chức y tế Mỹ, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nước này đã ghi nhận hơn 13,9 triệu trẻ dương tính với virus SARS-CoV-2./.

Theo Suckhoedoisong.vn