Chuyển phát nhanh được ví như công cụ không thể thiếu giúp hàng Việt xuất khẩu xuyên biên giới và đến được tay người tiêu dùng an toàn, đúng thời gian.
Hiệu quả được chứng minh
Xuất khẩu xuyên biên giới đã được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đón nhận, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực tế, có không ít doanh nghiệp thành công với xuất khẩu xuyên biên giới. Câu chuyện chuyển mình ngoạn mục của Công ty CP Sản xuất và thương mại Kim Cương Xanh với thương hiệu Light Coffee đã truyền cảm hứng cho rất nhiều doanh nghiệp. Trong thời điểm cả xã hội thực hiện giãn cách, kinh doanh truyền thống không thực hiện được, thương mại điện tử đã cứu cánh giúp Kim Cương Xanh “sống” và tiếp tục phát triển kinh doanh trên môi trường số. Hiện 60% doanh thu của doanh nghiệp đến từ kinh doanh online.
Bình luận về doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng trưởng trên 20% mỗi năm (theo báo cáo của AlphaBeta), ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nói: Các doanh nghiệp Việt ngày càng ý thức hơn về việc làm sao để bán được sản phẩm ra nước ngoài, đặc biệt là nông sản để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch. Việc bán hàng ra nước ngoài cũng dễ dàng và thông thương hơn, tiết giảm nhiều thời gian và chi phí so với giai đoạn trước.
Tọa đàm "Chỉ dẫn đỏ" phản ánh đa dạng ý kiến về ưu, nhược điểm của chuyển phát nhanh
với xuất khẩu xuyên biên giới
Ông Dương Công Tấn Phát - Giám đốc thu mua Droppii - đơn vị đang hỗ trợ nhiều địa phương bán các sản phẩm OCOP ra thị trường Campuchia, Thái Lan, đồng tình và cho biết: Khách hàng quốc tế rất quan tâm đến đặc sản vùng miền của Việt Nam. Bán lẻ nông sản ra quốc tế sẽ là xu hướng phát triển rất tốt trong tương lai.
Dưới góc nhìn của một đơn vị vận chuyển quốc tế, tại buổi Toạ đàm “Chỉ dẫn đỏ” tập phát sóng thứ 4 về chủ đề “Chuyển phát nhanh tiếp sức hàng Việt xuất ngoại”, ông Phan Bình - Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam, đánh giá: Việt Nam có nhiều sản phẩm độc đáo và tiềm năng lớn khi cạnh tranh trên trường quốc tế. Điển hình, những chiếc túi làm bằng bao bì đựng thức ăn chăn nuôi mang thương hiệu cám Con Cò từng trở thành xu hướng, được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản.
Giải quyết những khúc mắc
Xuất khẩu xuyên biên giới dù được đánh giá là “mỏ vàng” nhưng vẫn chưa được doanh nghiệp Việt khai thác hết tiềm năng. Đứng ở góc độ nhà sản xuất, ông Dương Công Tấn Phát nêu nguyên do: Liên quan đến logistics - đặc biệt là việc giao nhận. Bên cạnh vận chuyển hàng hóa, chi phí ship hàng mẫu hoặc các giấy tờ liên quan kiểm định chất lượng sản phẩm sang nước bạn cũng khá cao khiến nhiều đơn vị e ngại khi trong quá trình tìm kiếm đối tác quốc tế. Họ không biết gửi hàng mẫu hay các giấy tờ chứng minh sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu có hiệu quả hay không, nhưng trước mắt đã đầu tư một khoản lớn cho chi phí vận chuyển.
Ngoài ra, vấn đề phải đóng gói làm sao để đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ nguyên bao bì hoặc hộp mẫu khi đến tay khách hàng cũng khiến doanh nghiệp “lăn tăn”. Trong khi đó, đây là những "điểm chạm" rất quan trọng của khách hàng khi đánh giá về sản phẩm.
" Nếu như đơn vị chuyển phát nhanh có thể giải quyết bài toán này cho doanh nghiệp nhỏ - tức là mang hàng mẫu hay những hộp quà nguyên vẹn đến khách hàng - sẽ giúp gia tăng giá trị sản phẩm cũng như nâng tầm trải nghiệm người dùng" , ông Dương Công Tấn Phát nói.
Về vấn đề này, ông Phan Bình bày tỏ: Năng lực vận chuyển cũng là một bài toán khó với các doanh nghiệp bán lẻ muốn phát triển ra thị trường nước ngoài. Những câu hỏi thường trực bao gồm: Quy trình đóng gói cho đúng tiêu chuẩn của từng loại hàng hóa, phương thức theo dõi và đảm bảo hàng hóa an toàn tới tay người nhận.
“Nhiều đối tác nước ngoài phản ánh, doanh nghiệp Việt Nam gửi hàng mẫu mà chỉ quấn gọn vào bọc đen. Khi mở ra, họ không biết đó là sản phẩm có thương hiệu hay không, từ đâu gửi tới, không gây được ấn tượng gì” , ông Phan Bình chia sẻ.
Góp sức cùng doanh nghiệp giải quyết các khúc mắc theo ông Phan Bình, J&T Express đang nỗ lực tối đa để tiếp sức cho hàng Việt xuyên biên giới. Doanh nghiệp có lợi thế am hiểu chính sách thông thương, phong tục tập quán và thị hiếu tiêu dùng tại từng địa phương. Nhờ đó, có thể tư vấn cho các đơn vị Việt Nam nên hay không nên bán sản phẩm đó vào quốc gia này, bao bì đóng gói như thế nào cho phù hợp.
Các quốc gia trên thế giới đều có tiêu chuẩn riêng cho việc đóng gói bao bì sản phẩm, doanh nghiệp trong nước cũng nên được hỗ trợ và đầu tư cho những vấn đề đó. Ví dụ, khi gửi một mẫu vải đi, phải đóng gói làm sao để gọn nhẹ nhất có thể, không chiếm diện tích mà lúc mở ra vẫn không bị nhăn nhúm. Đó là bài toán mà phía chuyển phát có thể hỗ trợ nhưng đương nhiên vẫn cần nhiều hơn sự am hiểu từ chính các đơn vị sản xuất.
Việc đóng gói rất cần có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp để thực hiện bởi tất cả hạng mục hàng hóa đều có những đặc thù riêng. Bên cạnh đó, hành trình đến được nơi nhận cũng tồn tại nhiều rủi ro khó lường trước. J&T Express không chỉ đồng hành cùng người bán ở giai đoạn gửi sản phẩm đi giao thương mà còn ở giai đoạn sớm hơn - khi người bán cần gửi hàng mẫu cho đối tác nước ngoài kiểm duyệt trước khi ký hợp tác chính thức.