Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 7 giờ ngày 17-8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên đất liền tỉnh Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 7.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi sâu vào đất liền sau đó suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào. Đến 7 giờ ngày 18-8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 102,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trong sáng nay ở các tỉnh từ Thái Bình đến Thanh Hóa còn có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7. Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới: cấp 3.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 ở ven biển các tỉnh Thái Bình đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; tại Văn Lý (Nam Định) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; Sầm Sơn (Thanh Hóa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Trong ngày hôm qua (16-8) đến sáng nay, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm, một số nơi lớn hơn như Km46 (Sơn La) 215mm, Bản Chiềng (Hòa Bình) 250mm, Hồi Xuân (Thanh Hóa) 116mm, Tây Hiếu (Nghệ An) 280mm, Quỳnh Lưu (Nghệ An) 250mm,…
* Chiều tối 16-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công điện gửi một số địa phương, các bộ, ngành liên quan về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 4 và mưa lũ. Bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An với sức gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 11.
Đồng thời, sẽ gây mưa to đến rất to ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (lượng mưa 250 đến 350 mm/đợt), trọng tâm mưa rất to tập trung ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An; riêng Hòa Bình, Thanh Hóa có mưa đặc biệt to (400 đến 500mm/đợt); Hà Nội có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 200 đến 300mm/đợt). Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tàu thuyền khi vào tránh trú; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các khu vực neo đậu; tuyệt đối không để người dân ở lại lồng bè, chòi canh, tàu thuyền. Riêng đối với các tỉnh dự báo có mưa lớn, đặc biệt lớn cần quan tâm triển khai các giải pháp chống ngập úng vùng trũng thấp, ngập úng đô thị, lũ lớn trên các tuyến sông, hồ chứa; an toàn dân cư, nhất là những khu vực mới xảy ra ngập úng kéo dài như Chương Mỹ (Hà Nội).
Các tỉnh miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ cần kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh và kiên quyết sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ chủ động tiêu thoát nước đệm để chống úng cho các diện tích lúa và hoa màu. Hồ chứa thủy lợi, thủy điện thường xuyên cập nhật tình hình, tính toán phương án vận hành liên hồ chứa thủy điện và căn cứ tình hình thực tế để chỉ đạo vận hành phù hợp… chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông trên các trục chính. Tập trung lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm, cơ số thuốc để cứu chữa những người bị thương; hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân bảo đảm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút, tránh bùng phát dịch bệnh sau thiên tai…
* Do ảnh hưởng của bão số 4, trong ngày 16-8, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30 đến 80mm. Hồi 22 giờ ngày 16-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,8 độ vĩ bắc; 107,0 độ kinh đông, ngay trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An. Trong 24 giờ sau đó, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km, từ đêm 16-8, vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 11 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An, sau đó bão sẽ đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa bão, gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 11. Trên đất liền khu vực ven biển các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; khu vực đất liền ven biển các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Bắc Thanh Hóa có gió bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 11.
* Chiều 16-8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi kiểm tra công tác vận hành - xả lũ hồ chứa nước nhà máy thủy điện Cửa Đạt; tình hình triển khai ứng phó bão số 4 tại tỉnh Thanh Hóa. Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương rà soát lại các phương án sẵn sàng ứng phó hiệu quả với cơn bão này; tập trung bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, bảo vệ sản xuất, an toàn cho người dân ở các khu du lịch, cơ sở hạ tầng trên địa bàn, công trình nhà ở của người dân; tập trung lực lượng, phương tiện, vật tư để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra…
Theo báo cáo, tất cả tàu thuyền của Thanh Hóa đã được kêu gọi về nơi tránh trú bão an toàn. Các địa phương trong tỉnh chủ động phương án di dân cách bờ biển 200m, khu vực ven sông suối, sườn đồi, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét sạt lở đất. Thanh Hóa đã rà soát các công trình đê điều, hồ đập, chỉ đạo không tích nước đối với những hồ không bảo đảm an toàn; xả nước để duy trì mực nước hồ thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt luôn ở mức dưới cao trình 105/110 m.
* Ngày 16-8, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) ban hành Công điện số 39 gửi các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa yêu cầu thực hiện nghiêm Công điện 38; triển khai chống ngập úng vùng trũng thấp, ngập úng đô thị. Các địa phương duy trì lực lượng, phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra...
* Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT vừa có Công điện số 40 và 41 chỉ đạo Công ty Thủy điện Tuyên Quang đóng một cửa xả đáy hồ Tuyên Quang vào 15 giờ và Công ty Thủy điện Sơn La đóng một cửa xả đáy vào 18 giờ ngày 16-8. Vào 13 giờ ngày 16-8, mực nước hồ Thủy điện Tuyên Quang ở cao trình 105,04 m, dưới mực nước quy định theo quy trình 0,16 m, lưu lượng đến hồ 686 m3/s, tổng lưu lượng xả 1.101 m3/s. Còn tại hồ Sơn La vào 16 giờ ngày 16-8 mực nước ở cao trình 204,38 m, lưu lượng đến hồ 3.575 m3/s, tổng lưu lượng xả 4.686 m3/s.
* TP Hà Nội vừa có công điện gửi các sở, ngành liên quan cùng các địa phương triển khai phương án ứng phó với bão theo phương châm “bốn tại chỗ”; cần chuẩn bị người và phương tiện bảo đảm an toàn công trình, tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân. Các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức, Thạch Thất cần sẵn sàng di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Chủ động tiêu nước đệm đề phòng ngập úng; bảo đảm an toàn hệ thống đê tả sông Bùi, đê tả sông Tích… đặc biệt khu vực đê đã bị tràn trong đợt mưa lũ cuối tháng 7.
* Đến 18 giờ ngày 16-8, lực lượng quân đội đã chuẩn bị lực lượng, gồm: 528.367 cán bộ, chiến sĩ; 2.728 phương tiện các loại. Các đơn vị thành lập kíp trực, tổ chức kiểm tra, sẵn sàng ứng phó với bão. Bộ đội Biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình phối hợp, hướng dẫn cho 36.314 phương tiện/137.774 người; 13.420 lồng bè, 17.036 chòi canh biết diễn biến bão để chủ động phòng tránh.
* Ngày 16-8, đoàn công tác Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đến kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4 tại tỉnh Quảng Ninh. Đoàn đến kiểm tra tuyến đê xung yếu Hà Nam (thuộc thị xã Quảng Yên) với chiều dài 33,67km. Từ 6 giờ ngày 16-8, tỉnh đã tạm ngừng cấp phép cho 484 tàu du lịch. Có phương án bảo đảm an toàn đê, hồ đập, các điểm khai thác than, bãi tập kết… bố trí người canh gác cảnh báo kịp thời các sự cố; di dời những hộ dân tại xã miền núi đến nơi an toàn.
* Ngày 16-8, đoàn công tác Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đến kiểm tra công tác phòng, chống bão tại huyện Cát Hải và quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng. Đoàn yêu cầu địa phương có phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản, các tuyến đê biển... Tỉnh đã thông báo cho 3.099 phương tiện với 11.458 lao động đang hoạt động trên biển để biết trú, tránh bão...
* Chiều cùng ngày, đoàn công tác Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT cũng đến làm việc tại tỉnh Thái Bình. Tại địa phương, đến 15 giờ, đã có 1.239 tàu, thuyền với 3.608 ngư dân liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm. Tỉnh đã di dời 893 lao động nuôi trồng thuỷ, hải sản; 1.281 lao động ở 1.164 chòi trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn.
* Tổng cục PCTT đã chỉ đạo tổ chức kiểm tra một số cống trọng điểm xung yếu, gồm cống Tắc Giang tại K129+494 đê Hữu Hồng, tỉnh Hà Nam và cống Cẩm Đình tại K1+350 đê Vân Cốc, TP Hà Nội. Qua kiểm tra, hai công trình vẫn bảo đảm hoạt động bình thường. Đoàn yêu cầu các địa phương tổ chức tuần tra canh gác các cống theo quy định.
* Chiều 16-8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai đã kiểm tra công tác phòng, chống bão số 4 tại tỉnh Nam Định. Tỉnh Nam Định đã thực hiện cấm biển từ 5 giờ ngày 16-8. Đến 14 giờ, có 2.127 phương tiện với 5.738 ngư dân đã vào nơi trú an toàn; hơn 1.230 lao động tại hơn 1.024 lều, chòi đã vào bờ. Tỉnh có kế hoạch sơ tán hơn 41.500 người tại 12.074 nhà yếu, nhà tạm. Nếu các sông có lũ trên báo động 3, tỉnh sẽ sơ tán hơn 71.350 người ở 13.462 nhà không an toàn...
* Tỉnh Ninh Bình vừa có Công điện số 7 chỉ đạo các địa phương trong tỉnh không cho tàu, thuyền ra khơi; kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn; di dân khu vực nguy hiểm, ngoài đê Bình Minh 3 (huyện Kim Sơn) đến nơi an toàn trước 16 giờ ngày 16-8...
* Đến chiều 16-8, tỉnh Nghệ An đã kêu gọi toàn bộ gần 4.000 tàu thuyền với hơn 18 nghìn lao động trực tiếp đánh bắt hải sản vào bờ neo đậu an toàn hoặc ra khỏi vùng nguy hiểm. Từ 10 giờ ngày 16-8, Nghệ An thực hiện lệnh cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi.
* Đến ngày 16-8, tỉnh Hà Tĩnh đã liên lạc với 5.871 chủ tàu, thuyền với 15.951 lao động biết thông tin bão để tránh, trú an toàn. Hiện tại, lực lượng chức năng đã tuyên truyền cho người dân về diễn biến bão số 4, không cho ngư dân ra khơi để bảo đảm an toàn người và tài sản.
* Mưa lớn nhiều ngày qua khiến tuyến đường huyết mạch từ Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum) thông thương qua Lào sạt lở nặng, gây ách tắc cục bộ. Đến ngày 16-8, các phương tiện vẫn chưa thể lưu thông trở lại. Nguyên nhân là do tuyến đường này đang bị sạt lở tại km52 - phía tỉnh Attapeu, hiện chưa biết khi nào có thể lưu thông được dù nước bạn vẫn đang tích cực khắc phục.
* Do ảnh hưởng bão số 4, để bảo đảm an toàn, các hãng hàng không buộc phải hủy và lùi giờ nhiều chuyến bay. Hãng Vietnam Airlines (VNA) hủy hai chuyến bay giữa TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng; lùi giờ khởi hành hai chuyến bay giữa TP Hồ Chí Minh – Vinh trong ngày 17-8. Hãng Jetstar Pacific cũng lùi giờ hai chuyến bay giữa TP Hồ Chí Minh - Thanh Hoá cùng ngày. Hãng Vietjet ngừng khai thác năm chuyến bay trong tối 16-8 và một chuyến bay ngày 17-8; nhiều chuyến bay khác cũng bị ảnh hưởng dây chuyền.
* Để ứng phó bão số 4, các Công ty điện lực (CTĐL) Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đang tăng cường ứng trực tất cả quân số từ ngày 16-8. Các CTĐL đã phối hợp các đơn vị trên địa bàn kiểm tra việc bảo đảm cấp điện, kiểm tra khả năng sử dụng của các máy bơm tại trạm bơm để khi cần thiết có thể huy động bơm tiêu úng cứu lúa, chống ngập ngay cho địa phương. Về cơ bản các trạm bơm đã được kiểm tra, đầu tư, tu sửa chữa trước mùa mưa bão, bảo đảm sẵn sàng hoạt động hết công suất khi địa phương huy động. Trước bão số 4, các CTĐL cũng đã sửa chữa khắc phục nhiều điểm xung yếu, gia cố kè các vị trí móng cột, kéo lại các vị trí cột nghiêng, sửa chữa và xử lý tiếp xúc các vị trí lèo, bảo dưỡng các đầu dao; chuẩn bị vật tư thiết bị dự phòng...
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, dự báo hiện tượng Enso duy trì trạng thái trung gian cho tới tháng 10, sau đó chuyển dần sang trạng thái El Nino vào những tháng cuối năm 2018, đầu năm 2019 với xác suất khoảng 60 đến 70%. Dự báo, từ tháng 9 đến 12-2018, khoảng bốn đến sáu cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông, trong đó có từ hai đến ba cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung ở khu vực Trung Bộ.