Thứ sáu, ngày 22/11/2024

Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp

Thứ Tư 08/08/2018 19:01

Xem với cỡ chữ
Ngày 30-7, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị toàn quốc về “Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” và đặt hàng cho ngành nông nghiệp đứng vào tốp 15 của các nước phát triển nhất thế giới trong 10 năm tới.

 

Ngày 30-7, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị toàn quốc về “Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” và đặt hàng cho ngành nông nghiệp đứng vào tốp 15 của các nước phát triển nhất thế giới trong 10 năm tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ chính trị: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; cùng hơn 800 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo báo cáo của Chính phủ, nông nghiệp đang là lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam. Hiện nay, cả nước có khoảng 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Tuy vậy, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Tổng vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp khoảng 8-10% tổng nguồn vốn toàn khu vực doanh nghiệp giai đoạn vừa qua; tỷ trọng vốn đầu tư còn hạn chế, chưa xứng với tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam.

Tại hội nghị, cùng với truyền tải những điểm mới của Nghị định 57, ngày 17-4-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tới cộng đồng doanh nghiệp, các đại biểu đã có nhiều ý kiến về những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng về 10 nhóm vấn đề, như nhà đầu tư khó khăn trong tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất; khó tiếp cận tín dụng, thuế và phí chưa hợp lý; vấn đề cơ khí hỗ trợ cho ngành nông nghiệp; khó khăn về giống cây trồng, vật nuôi, thị trường tiêu thụ, nhân lực chất lượng cao; chính sách ưu đãi về đầu tư công nghệ trong nông nghiệp; nhiều thủ tục hành chính bất hợp lý… Trước những vấn đề này, các bộ, ngành liên quan đã tiếp thu và giải trình các nội dung quan trọng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực và những thành tựu to lớn mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, cộng đồng doanh nghiệp, nông dân đã đạt được trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước. Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao vai trò và những đóng góp to lớn của các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư phát triển nông nghiệp.

Thủ tướng cho rằng, cần nâng cao hơn nữa năng suất lao động nông thôn bằng cách tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học-công nghệ và tổ chức lại thị trường, từng bước đưa đời sống nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới. Đây cũng là định hướng XHCN Việt Nam; dư địa tăng trưởng, năng suất lao động ở nông nghiệp, nông thôn còn rất lớn và chúng ta cần thúc đẩy thông qua thể chế, chính sách, pháp luật Việt Nam.

Với tầm nhìn và mục tiêu cho ngành nông nghiệp trong thời đại 4.0, Thủ tướng cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội có thể khai thác. Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải cùng nhau chung sức để đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản. Thủ tướng mong muốn trong 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam đứng vào tốp 15 của các nước phát triển nhất thế giới. Trong đó, ngành chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam là một trung tâm chế biến sau của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của một doanh nghiệp tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả chín nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, tập trung rà soát, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp; đổi mới cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến mở rộng thị trường; cải cách cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi tín dụng; nghiên cứu đề xuất điều chỉnh chính sách thuế hợp lý; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp...

Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan và Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Chính phủ về thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với lộ trình và giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng, trình Chính phủ để sớm ban hành.

Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát huy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, xây dựng đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, nhằm phát triển bền vững. Đặc biệt, nâng cao tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần hợp tác, đoàn kết để xây dựng, phát triển các loại hình doanh nghiệp của Việt Nam; làm tốt hơn nữa liên kết “sáu nhà”; nỗ lực, chung sức, đưa nông sản Việt Nam vươn ra biển lớn.

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử