Ngày 15-8, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 diễn ra tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức phiên họp toàn thể với chủ đề “Phương hướng đối ngoại: Ðẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30. Ảnh: TRẦN HẢI
Ðây là phiên họp quan trọng nhằm đánh giá kết quả triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác ngoại giao phục vụ phát triển từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 tới nay và xác định các nhiệm vụ của ngành ngoại giao nhằm hỗ trợ yêu cầu phát triển của đất nước giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Ðến dự có, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao; cùng đại diện các bộ, ban, ngành, lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ, các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của Bộ Ngoại giao trong việc triển khai “ngoại giao kiến tạo” đạt nhiều kết quả tích cực. Thủ tướng ghi nhận đóng góp quan trọng của ngành ngoại giao trong việc giữ gìn, củng cố môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước đạt nhiều thành tựu trong hai năm qua; nhấn mạnh, ngoại giao đã mở rộng về lượng, gia tăng về chất các khuôn khổ đối tác chiến lược và toàn diện, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, mở ra cục diện đối ngoại mới cho đất nước, củng cố và mở rộng không gian chính trị và môi trường kinh tế thuận lợi phục vụ phát triển. Công tác ngoại giao kinh tế được thúc đẩy mạnh mẽ, thật sự có bước chuyển quyết liệt, góp phần tìm kiếm, mở rộng thị trường và tranh thủ mọi nguồn lực để phục vụ nhu cầu phát triển đất nước.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Ngoại giao phải nâng tầm công tác ngoại giao kinh tế và lấy ngoại giao kinh tế làm tiêu chuẩn để đánh giá các cơ quan đại diện. Cụ thể, ngoại giao kinh tế cần làm tốt bốn nhiệm vụ lớn là: thu thập thông tin một cách chính xác, kịp thời, liên tục, nhất là dự báo kinh tế; tham mưu cho Chính phủ, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; đồng hành, hỗ trợ các bộ, ngành và địa phương, doanh nghiệp, nhất là trong khâu tháo gỡ vướng mắc; đôn đốc triển khai các cam kết, thỏa thuận, dự án hợp tác quốc tế. Trong đó, ngoại giao kinh tế cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới. Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện nghiên cứu, mở hướng mới vận động doanh nghiệp và kiều bào ta ủng hộ đất nước một cách thiết thực, nhất là chung tay hỗ trợ giới thiệu, mở các kênh phân phối, tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản Việt Nam tại địa bàn.
Ðể triển khai hiệu quả ngoại giao kiến tạo phát triển một cách chủ động, sáng tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngành ngoại giao cần chú trọng ba nhân tố lớn. Thứ nhất, là vai trò của con người. Ngành ngoại giao cần một đội ngũ cán bộ trẻ trung, nhiệt huyết, nắm vững đường lối, chủ trương đối ngoại của Ðảng, am hiểu công nghệ và nắm vững các kỹ năng đối ngoại thời đại 4.0, để nâng cao hiệu quả hoạt động trong bối cảnh hạn chế về nguồn lực. Thứ hai, là phải có cách làm tốt. Bộ Ngoại giao cần ưu tiên hàng đầu việc chuẩn hóa quy trình công tác, tiếp thu và áp dụng công nghệ, kỹ năng hiện đại như chính phủ điện tử, ngoại giao số, ngoại giao công chúng, nâng cao hiệu quả công tác, phục vụ tốt hơn doanh nghiệp và người dân. Thứ ba, là thông tin, tham mưu, dự báo. Công tác cần được triển khai tốt từ khâu thu thập thông tin, xử lý thông tin đến lưu giữ, phân tích và chia sẻ thông tin kịp thời.
Kết thúc hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, ngành ngoại giao sẽ quán triệt đầy đủ và triển khai đồng bộ chỉ đạo của Thủ tướng, nỗ lực đáp ứng tối đa những gửi gắm của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kịp thời trong tham mưu, linh hoạt trong hành động, đồng bộ trong triển khai sẽ là phương châm chỉ đạo xuyên suốt công tác của Bộ Ngoại giao, nhằm chuyển hóa mạnh mẽ lợi ích chính trị đối ngoại thành lợi ích kinh tế, tranh thủ tối đa nguồn lực quốc tế, nâng tầm ngoại giao đa phương và tiếp tục đẩy mạnh tiến trình hội nhập sâu rộng. Trong quá trình này, người dân, địa phương và doanh nghiệp sẽ luôn đứng ở vị trí trung tâm, là đối tượng phục vụ chính của ngành ngoại giao.
★ Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về kết quả thực hiện nhiệm vụ sáu tháng đầu năm 2018 và tu bổ định kỳ Công trình Lăng, được thực hiện sớm hơn so mọi năm.
Sau khi kiểm tra các hạng mục được tu bổ, Thủ tướng đã làm việc với Ban Quản lý Lăng. Trước đây, hoạt động bảo dưỡng, tu bổ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ thường diễn ra hằng năm, vào mùa thu, từ ngày 4-9 đến 4-12. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh thời gian tu bổ định kỳ, Ban Quản lý Lăng đã xây dựng kế hoạch tu bổ định kỳ hằng năm từ ngày 15-6 đến 15-8. Việc điều chỉnh thời gian tu bổ bảo đảm hợp lý, khoa học, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, không ảnh hưởng các buổi lễ viếng Bác cấp Nhà nước nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, nhân dịp khai mạc các Kỳ họp Quốc hội trong năm, đồng thời đáp ứng nhu cầu vào Lăng viếng Bác, tham quan Thủ đô của nhân dân cả nước và khách du lịch vào thời điểm thời tiết thuận lợi.
Ðánh giá kết quả sau hai tháng tu bổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, Ban Quản lý Lăng đã hoàn thành nhiệm vụ tu bổ định kỳ, hệ thống thiết bị kỹ thuật công trình Lăng hoạt động an toàn, tin cậy; các công trình kiến trúc được duy tu, bảo dưỡng bảo đảm chất lượng, phù hợp cảnh quan kiến trúc của khu vực, xanh, sạch, thoáng. Ban Quản lý Lăng đã thực hiện đúng quy trình, nhiệm vụ y tế, giữ gìn thi hài Bác an toàn tuyệt đối,…
Thủ tướng đồng ý từ ngày 16-8, tiếp tục mở cửa Lăng, đón tiếp phục vụ nhân dân, du khách đến viếng Bác. Ban Quản lý Lăng cần tích cực thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ được giao, bảo đảm đúng mục tiêu chính trị là thực hiện tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong nhiệm vụ y tế, ngày càng chủ động hơn trong giữ gìn lâu dài thi hài Bác; làm tốt công tác đón tiếp, tuyên truyền nhằm phát huy tốt ý nghĩa chính trị, văn hóa, giáo dục của Công trình Lăng trong giai đoạn mới.