Thương mại điện tử đã và đang mang lại lợi ích to lớn đối với xã hội và cho cả người mua hàng.
Thời đại công nghệ thông tin phát triển không ngừng, kỷ nguyên kỹ thuật số mở ra gắn liền với những đột phá về công nghệ, điều đó dẫn tới những thay đổi nhanh chóng về nhu cầu nắm bắt thông tin; nhu cầu tìm hiểu văn hóa, kinh tế, xã hội ở nhiều khu vực, nhiều quốc gia; nhu cầu giao lưu học tập, giải trí đa phương tiện và xu thế phát triển của thế giới.
Sự lan rộng của mạng internet và các ứng dụng công nghệ thông có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống văn hóa, xã hội của con người. Nắm bắt nhu cầu thiết yếu đó, các nhà sản xuất, các hãng công nghệ liên tục nâng cấp phần mềm, đổi mới giao diện và phát triển nhiều ứng dụng kết nối cộng đồng mạng toàn cầu; tạo lập những trang website và mạng xã hội với nhiều tính năng hiện đại. Những ứng dụng này ra đời, được phổ biến rộng rãi đã mang lại nhiều lợi ích cho người dùng và cho toàn xã hội. Đó là chưa kể đến những lợi ích to lớn khác mà các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có được từ khi mạng xã hội ra đời. Điển hình như các trang Facebook, Zalo, skype và Viber đều là những mạng xã hội nổi tiếng thu hút tỷ lệ người dùng nhiều nhất tại Việt Nam.
Ngày nay, mạng xã hội đã trở thành một phần không nhỏ trong cuộc sống của hàng trăm triệu người trên thế giới. Tại Việt Nam, mạng xã hội ngày càng trở nên gần gũi và thân thuộc với rất nhiều người, từ thế hệ thanh niên, thiếu niên tới những người lớn tuổi.
(Ảnh minh họa; nguồn Internet)
Kết quả của một cuộc khảo sát gần đây của công ty Asia Plus với hơn 600 người trong độ tuổi từ 18-39 đã cho thấy thực trạng và xu hướng sử dụng mạng xã hội hiện nay ở Việt Nam. Trong đó có hai dịch vụ nhắn tin phổ biến nhất đối với đông đảo người dùng là Facebook Messenger và Zalo. Tỷ lệ người dùng sử dụng Facebook Messenger và Zalo thường xuyên để nhắn tin cao hơn gấp nhiều lần hai dịch vụ nhắn tin khác là Skype và Viber. Trong khi Facebook Messenger được giới trẻ ưa chuộng bởi những tiện ích vừa gọi điện, nhắn tin, đăng tải hình ảnh, video, vừa rất hữu ích cho hoạt động livestream (quay phim và phát trực tiếp) để giới thiệu và bán hàng trực tuyến. Còn Zalo được sử dụng nhiều hơn bởi người dùng lớn tuổi với những mục đich khác nhau, trong đó có cả việc giao dịch, thương thảo hợp đồng, quảng bá giới thiệu và bán hàng, bên cạnh đó là ứng dụng đàm thoại khá hiệu quả.
Thương mại điện tử đã và đang mang lại lợi ích to lớn đối với xã hội. Trong đó:
1. Thương mại điện tử (TMĐT) tạo ra môi trường để làm việc, mua sắm, giao dịch... từ xa và hoàn toàn trực tuyến nên giảm được tối đa chi phí và thời gian đi lại, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông.
2. TMĐT góp phần nâng cao mức sống của các gia đình: Rất nhiều hàng hóa, dịch vụ được các nhà cung cấp giới thiệu, quảng bá và bán trên mạng tạo áp lực giảm giá với những mặt hàng khác. Do đó làm tăng khả năng mua sắm của khách hàng, tăng nhu cầu tiêu dùng trong nhân dân, nâng cao mức sống của mọi người.
3. TMĐT mang lại nhiều lợi ích cho các nước nghèo: Những nước nghèo có thể tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ từ các nước phát triển hơn thông qua mạng Internet và thương mại điện tử. Đồng thời các nước nghèo cũng có thể học tập được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng kinh doanh, buôn bán hàng hóa và giao dịch qua mạng từ các nước tiên tiến... góp phần nâng cao dân trí, phát triển kinh tế tại các nước nghèo.
4. TMĐT tạo ra các dịch vụ công thuận tiện hơn: Nhờ có TMĐT, các dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, các dịch vụ công của chính phủ... được thực hiện qua mạng với chi phí thấp hơn, thuận tiện hơn, nhanh chóng hơn. Việc cấp giấy phép qua mạng, tư vấn y tế, tuyển dụng online, nộp hồ sơ trực tuyến.... là các ví dụ thành công điển hình trong ứng dụng TMĐT của khối cơ quan nhà nước.
Thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích với người mua hàng.
Ngày nay những lợi ích to lớn và độ phổ biến của TMĐT không cần phải bàn cãi và đã trở thành công cụ quan trọng đối với mọi doanh nghiệp và người dân. Dưới đây là những lợi ích không hề nhỏ mà Thương mại điện tử mang lại cho tổ chức và cá nhân trong vai trò người mua:
Với thương mại điện tử, quyền của người mua được gia tăng đáng kể. Khách hàng có thể chọn lựa hàng hóa, tham khảo thông tin, khảo sát giá, mua hàng từ bất kỳ nhà cung cấp nào trên mạng Internet, yêu cầu người bán cung cấp hàng hóa theo sở thích cá nhân. Khách hàng cũng có thể mua được hàng hóa rẻ hơn bán tại các shop thông thường. Chính sách đổi trả lại hàng cũng linh hoạt nếu không hài lòng. Cụ thể:
1. Bạn có thể mua hàng, mua hay sử dụng dịch vụ, truy cập thông tin ở khắp mọi nơi mà không phụ thuộc vào không gian, thời gian.
2. Nguồn hàng hóa được cung ứng dồi dào, đa dạng, mang lại nhiều sự lựa chọn hơn, và giá cả nhiều mặt hàng rẻ hơn tại các cửa hàng thông thường.
3. Mua hàng khuyến mãi với giá cả rẻ. Với những tín đồ mua sắm online thì việc mua được hàng hóa với giá thành “khuyến mãi” là chuyện hết sức bình thường. Điều quan trọng là khách hàng có thời gian và biết cách săn hàng “khuyến mãi” hay không.
4. Bạn có thể mua món hàng hay dịch vụ đặt theo ý mình một cách tiện lợi và nhanh chóng chỉ với một vài thao tác click chuột hoặc vài nút chạm tay trên màn hình.
5. Một số mặt hàng được giao ngay sau khi người mua thanh toán. Cụ thể là những mặt hàng có thể download, những file tài liệu, file hình ảnh hoặc những phần mềm dịch vụ.
6. Bạn có thể năm bắt được nhiều thông tin hơn để trước khi đưa ra quyết định mua hàng. Bạn cũng có thể so sánh giá cả hàng hàng hóa, dịch vụ ở các cửa hàng khác nhau để có sự lựa chọn phù hợp nhất.
7. Người mua có thể tham gia đấu giá một cách tiện lợi mà không cần phải đến tận cửa hàng, không cần phải đặt tiền trước.
Như vậy, không thể phủ nhận tầm quan trọng của TMĐT trong thời gian qua, nhất là vai trò của nó đối với xã hội và người tiêu dùng. TMĐT làm cho xã hội ngày càng phát triển và thông qua đó khách hàng ở nhiều vùng miền có thể dễ dàng tiếp cận, mua sắm những sản phẩm, dịch vụ một cách dễ dàng nhất. Đồng thời TMĐT cũng giúp thu hẹp khoảng cách không gian và thời gian giữa nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ với đông đảo khách hàng. Đó là những lợi ích không hề nhỏ mà TMĐT mang lại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển.