Thứ sáu, ngày 22/11/2024

Hải Dương: Sau 5 năm thực hiện Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027"

Thứ Ba 17/01/2023 10:35

Xem với cỡ chữ
Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án 938 trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả tích góp phần hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo sự đoàn kết tương thân tương ái trong cộng đồng và thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.

 

Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội liên quan đến vấn đề phụ nữ

Thực hiện Quyết định số 938/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027" (gọi tắt Đề án 938), với vai trò cơ quan Thường trực - Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tích cực chủ động tham mưu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai các hoạt động một cách kịp thời, hiệu quả. Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả tích góp phần hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo sự đoàn kết tương thân tương ái trong cộng đồng và thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.

Hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động, hỗ trơ phụ nữ rèn luyện đạo đức, ý thức pháp luật, phòng chống bạo lực gia đình, an toàn vệ sinh thực phẩm… được triển khai thực hiện với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng. Trong 5 năm, Hội Phụ nữ đã cùng các cơ quan, đơn vị cung cấp trên 1.000 cuốn cẩm nang, tài liệu hỏi đáp, 384.200 tờ rơi, tờ gấp, 1.224 đĩa DVD tuyên tuyên truyền về kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em; đăng tải trên 6.000 tin, bài, phóng sự, 2.500 chuyên mục; 11.234 buổi truyền thanh cơ sở tuyên truyền về phòng chống ma túy, tội phạm, tệ nạn xã hội. Tổ chức trên 4.000 lớp tập huấn, buổi tuyên truyền, tọa đàm, diễn đàn, hội thi, sinh hoạt chuyên đề… góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ, các bậc cha mẹ, cộng đồng, xã hội về vai trò, trách nhiệm trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Nhờ đó mà trong 5 năm qua đã hỗ trợ cho 1.444 đối tượng phụ nữ thiếu kiến thức, kỹ năng, có nguy cơ hoặc vi phạm đạo đức, pháp luật trong các vấn đề xã hội nổi cộm được lựa chọn tác động có chuyển biến tích cực về hành vi. Có 560.000 hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về gìn giữ, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật; về giáo dục làm cha mẹ; khả năng, vai trò của phụ nữ trong bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (vượt 21% chỉ tiêu đề ra). 90% cán bộ chuyên trách của các cơ quan tham gia triển khai đề án được bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nhằm hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội ưu tiên (vượt 12,5% chỉ tiêu đề ra). 76.000 phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực giới, bạo lực gia đình sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ được thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả tác động trực tiếp đến việc thay đổi nhận thức của phụ nữ, gia đình, các cấp, các ngành trong việc giải quyết một số vấn đề liên quan đến phụ nữ tại địa phương. Từ 2018 - 2022, đã thành lập mới 31 mô hình triển khai thực hiện Đề án với 953 người tham gia. Duy trì hoạt động của 759 CLB về xây dựng gia đình với 47.192 thành viên tham gia. Đặc biệt, việc thành lập Trung tâm tư vấn hỗ trợ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, Văn phòng dịch vụ một điểm đến (gọi tắt là OSSO) đã tư vấn được trên 1.700 trường hợp nước ngoài, trên 100 trường hợp trong nước và trên 80 trường hợp phụ nữ di cư hồi hương tái hòa nhập cộng đồng; tiếp nhận và phối hợp giải quyết 155 đơn thư liên quan quyền lợi của hội viên phụ nữ; hoà giải 104 vụ mâu thuẫn gia đình, làng xóm. Đồng thời, quan tâm thực hiện tốt công tác xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu. Thời gian qua, đã phát hiện, xây dựng, giới thiệu, tuyên truyền 3.200 điển hình/mô hình/cách làm hay trên các lĩnh vực như hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống tệ nạn xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường,văn hóa văn nghệ thể thao…

Văn phòng OSSO Hải Dương là trung tâm tư vấn hỗ trợ hôn nhân có yếu tố nước ngoài

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án 938 còn có một số hạn chế khó khăn như: Một số cơ sở Hội chưa chủ động tham mưu đề xuất, tổ chức các hoạt động của Đề án. Công tác phối hợp giữa các đơn vị chưa chặt chẽ, thường xuyên. Chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với các văn bản, chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em của một số đơn vị còn hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm triển khai thực hiện Đề án. Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án chủ yếu lồng ghép, chưa tổ chức được các đợt kiểm tra chuyên đề riêng. Việc bố trí kinh phí thực hiện Đề án tại một số cơ sở còn khó khăn nên việc tổ chức thực hiện các hoạt động hiệu quả chưa cao, chủ yếu là lồng ghép vào hoạt động, nhiệm vụ chuyên môn…

Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh với vai trò là cơ quan Thường trực cần tích cực phối hợp với các sở, ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt các mục tiêu của đề án. Tập trung đẩy mạnh, nâng cao chất lượng truyền thông, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về các nội dung thuộc phạm vi Đề án 938; lồng ghép các nội dung của đề án vào các kế hoạch giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh... Kịp thời phát hiện và can thiệp các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em. Khuyến khích nhân rộng các mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết, giám sát một số vấn đề xã hội hoạt động hiệu quả. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ tham mưu triển khai thực hiện Đề án và các nội dung liên quan đến Đề án từ tỉnh đến cơ sở. Chính quyền các địa phương cần nêu cao trách nhiệm, quan tâm bố trí nguồn lực, tham gia chỉ đạo việc triển khai các hoạt động của Đề án, tích cực hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ...

Nguyễn Thư

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: