Thứ bảy, ngày 20/4/2024

Nông dân Hải Dương chung tay bảo vệ môi trường

Thứ Tư 27/07/2022 13:18

Xem với cỡ chữ
Thực hiện Chương trình phối hợp “Chung tay bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hải Dương”, những năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, huy động sự vào cuộc tích cực của cán bộ, hội viên nông dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường. Từ hiệu quả của công tác tuyên truyền, nhiều cách làm mới, mô hình hay, sáng tạo đã được ứng dụng vào thực tiễn, qua đó góp phần tạo môi trường sống trong lành, cảnh quan xanh – sạch – đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Xác định tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống, sức khỏe của con người, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Hội, các kiến thức khoa học về bảo vệ môi trường như: Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên nước; Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 02/01/2018 của BTV Tỉnh ủy Hải Dương về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030”; Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân hưởng ứng các sự kiện lớn về môi trường như: Giờ Trái đất, Ngày Trái đất (22/4), Ngày Môi trường thế giới (5/6); Ngày quốc tế Đa dạng sinh học (22/5), Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn; hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa.

Ông Nguyễn Văn Mười - Phó chủ tịch Hội nông dân huyện Thanh Hà tặng hoa chúc mừng Ban chủ nhiệm mô hình

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cả về bề rộng lẫn chiều sâu nhằm cung cấp, trang bị các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về chống rác thải nhựa, nói không với túi ni lon và sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần, việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ, rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón; sử dụng đúng, hiệu quả phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; xử lý chất thải chăn nuôi và môi trường ao nuôi thủy sản, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định...; định hướng tư duy phát triển kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp.

Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên mục “Nhịp cầu nhà nông” số tháng 5 năm 2020 với nội dung nông dân thành phố Hải Dương hành động vì môi trường. Chuyên mục đã tuyên truyền hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Nông dân trên địa bàn thành phố Hải Dương hưởng ứng tham gia phong trào bảo vệ môi trường “Xanh - Sạch - Đẹp”; tuyên truyền về công tác thu gom, dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón tại các hộ gia đình đạt hiệu quả thiết thực... Thông qua đó, cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh tìm hiểu, áp dụng, nhân rộng những kinh nghiệm, cách làm hay về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Song song với các hoạt động tuyên truyền hướng tới cộng đồng, các cấp Hội đã xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình trên địa bàn tỉnh về bảo vệ môi trường tại cộng đồng hiệu quả, thiết thực. Điển hình như mô hình “Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”. Từ năm 2020 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo, lựa chọn, xây dựng 13 mô hình “Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình” tại 13 xã (phường, thị trấn) gồm: Hồng Phong (Ninh Giang), Đoàn Thượng, thị trấn Gia Lộc (Gia Lộc), Hiệp Sơn (Kinh Môn), Liên Hòa (Kim Thành), Ngọc Liên (Cẩm Giàng), Thúc Kháng, Hùng Thắng, Thái Dương (Bình Giang), Phượng Kỳ (Tứ Kỳ), Tân Dân (Chí Linh), Minh Tân (Nam Sách), Hồng Phong (Thanh Miện). Mỗi mô hình đều có quyết định thành lập, quy chế và kế hoạch hoạt động cụ thể theo từng tháng, quý, năm. Thành lập Ban chỉ đạo mô hình (mỗi Ban chỉ đạo mô hình gồm 5 người) và các thành viên của mô hình. Theo đó, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ các mô hình trên với tổng số 635 thùng composit xử lý rác hữu cơ thành phân bón (dung tích 120-160 lít/thùng), 1.320 kg men vi sinh ủ rác hữu cơ, 320 đôi găng tay cao su và 270 xẻng mini; đồng thời tổ chức 25 lớp tập huấn nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường cho 2.057 cán bộ Hội, trong đó có: 13 lớp tại 13 cơ sở xây dựng mô hình “Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”; 12 lớp tại 12 cơ sở trên địa bàn 12/12 huyện (TX, TP).

Hay mô hình “Xử lý rơm rạ tại ruộng thành phân hữu cơ”; mô hình “Chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn”. Hội Nông dân tỉnh trực tiếp xây dựng 07 mô hình điểm Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp - Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn, với tổng quy mô 33 ha, có 140 hộ tham gia, gồm: Táo an toàn phường Cộng Hòa (Chí Linh); Gạo Bắc Thơm số 7 an toàn xã Lê Hồng (Thanh Miện); Bưởi an toàn xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang); Bí xanh an toàn xã Đồng Lạc (Nam Sách). Đặc biệt là 03 mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP gồm: Cà chua VietGAP xã Nhân Huệ (Chí Linh), Cam VietGAP xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện), Ổi VietGAP xã Thanh Xuân (Thanh Hà). Hiện các mô hình được triển khai đúng tiến độ, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Đối với mô hình này, các cấp hội đã tăng cường đào tạo, bồi dưỡng hội viên nông dân sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn theo quy trình VietGAP, không đốt rơm rạ, xử lý rác hữu cơ, rơm rạ sau thu hoạch và phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón; sử dụng đúng, hiệu quả phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định… Thông qua đó, đã từng bước nâng cao ý thức cho đông đảo nông dân về sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã đã chủ động xây dựng các mô hình Nông dân tham gia bảo vệ môi trường tại 100% các cơ sở Hội. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 527 mô hình “Chi Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp”, 81 mô hình “Cánh đồng không rác thải”, 15 mô hình “Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình thành phân bón hữu cơ”. Tiêu biểu như: Hội Nông dân huyện Gia Lộc với phong trào nông dân tham gia trồng cây làm hàng rào xanh tại các bãi rác thải tập trung; Hội Nông dân huyện Thanh Miện với phong trào làm hàng rào xanh tại các khu chuyển đổi, trồng và chăm sóc cây hoa tại các trục chính đường nông thôn; Hội Nông dân thị xã Kinh Môn với phong trào dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh vào Chủ nhật xanh hàng tuần; Hội Nông dân huyện Nam Sách với phong trào Nông dân nói không với đốt rơm rạ sau thu hoạch, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định; Hội Nông dân các huyện (TX, TP): Ninh Giang, Hải Dương, Bình Giang, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Kim Thành với mô hình “Cánh đồng không rác thải”.

Hàng năm, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tích cực tham gia Hội thi “Nông dân tìm hiểu kiến thức và pháp luật về bảo vệ môi trường”. Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm, Hội Nông dân tỉnh đều lựa chọn 04 huyện, thành phố, thị xã tham gia Hội thi “Nông dân tìm hiểu kiến thức và pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường” cấp tỉnh. Đây cũng là một hoạt động vô cùng ý nghĩa nâng cao hiệu quả tuyên truyền thông qua hình thức sân khấu hóa, có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền xây dựng môi trường sống xanh – sạch – đẹp.

Với những nỗ lực của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh và những kết quả đạt được, Hội Nông dân các cấp đã phát huy, khẳng định được vai trò của mình trong việc chung tay bảo vệ môi trường. Qua đó, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, tạo cảnh quan, môi trường trong lành, sạch đẹp; tích cực cùng với cấp ủy, chính quyền nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Thị Quyên - Ban Dân vận Tỉnh ủy

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: