Thứ năm, ngày 25/4/2024

Thanh Miện: Phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế

Thứ Sáu 23/07/2021 16:41

Xem với cỡ chữ
5 năm qua, công tác Hội và phong trào phụ nữ huyện Thanh Miện đã có những bước phát triển rõ nét. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đã được Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn huyện triển khai, thực hiện hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, tổ chức Hội đã phát huy vai trò cầu nối, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất giúp nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo, trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế và tích cực tham gia công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội, thời gian qua các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả. Cụ thể là, thực hiện Đề án 939/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”, Hội LHPN huyện đã chủ động tham mưu với UBND huyện xây dựng và ban hành Kế hoạch số 584/KH-UBND, ngày 25/7/2018 về thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018– 2025”. Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức 6 lớp tập huấn “Hiểu biết về kinh doanh” và “Khởi sự kinh doanh” cho trên 200 nữ doanh nghiệp và hội viên phụ nữ có nhu cầu kinh doanh và xây dựng ý tưởng kinh doanh, qua đó giúp nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ, tạo động lực cho nhiều chị em mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. Nhiều chị em phụ nữ đã tham gia dự thi ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp và đã đạt 1 giải nhất toàn quốc; 1 giải nhì, 1 giải khuyến khích cấp tỉnh.

Để hoạt động phát triển kinh tế trong phụ nữ mang lại hiệu quả, Hội LHPN huyện chú trọng hướng dẫn thực hiện rà soát, nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu của hội viên, nhất là phụ nữ làm chủ hộ để đưa ra các hình thức giúp đỡ phù hợp như: giúp giống, vốn, ngày công lao động, kinh nghiệm, kiến thức sản xuất, giới thiệu việc làm… Kết quả, 5 năm qua, các cơ sở Hội đã vận động 2.850 chị có kinh tế khá giúp đỡ 1.755 chị khó khăn với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng. Có 1.378 hộ phụ nữ nghèo được giúp và 220 hộ đã thoát nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn huyện từ 6,8% hộ năm 2016 xuống còn 2,33% năm 2020.

Bên cạnh các hình thức tạo vốn hỗ trợ hội viên, Hội còn phối hợp tổ chức các hoạt động dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm; chuyển giao tiến bộ KHKT. Huyện Hội và cơ sở đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm 8/3 mở 28 lớp dạy nghề cho 1.960 chị với các nghề như: may công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, chuyển giao tiến bộ KHKT cho hội viên phụ nữ; vận động hội viên phụ nữ mở các xưởng may áo mưa, may công nghiệp, gấp nơ hoa thủ côngqua đó tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định từ 5 – 7,5 triệu đồng/người/tháng cho phụ nữ tại địa phương.

Cùng với sự năng động, nhạy bén, chủ động trong phát triển kinh tế của chị em, để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, Hội phụ nữ các cấp trong huyện đã tích cực tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho hội viên vay vốn. Tính đến tháng 6/2021, số vốn do Hội quản lý và điều hành là 225 tỷ 870 triệu đồng cho 4.319 hộ vay; vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 191 tỷ 370 triệu đồng chí 4.216 hộ vay; vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT là 34,5 tỷ đồng cho 103 hộ vay.

Cơ sở sản xuất gia công áo mưa của chị Nguyễn Thị Mơ tạo việc làm cho từ 25-30 chị em phụ nữ

Được hỗ trợ về nguồn vốn và nắm bắt được khoa học kỹ thuật, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, cải tạo quy hoạch làm kinh tế trang trại, gia trại; khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai vừa tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Nhiều chị đã mở rộng quy mô sản xuất; tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh... qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, giúp nhiều hội viên phụ nữ tăng thu nhập, nâng cao đời sống và trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi ở địa phương như: chị Lê Thị Lợi, chi hội phụ nữ thôn Tiêu Sơn, xã Thanh Giang đã xây dựng mô hình nuôi cá với diện tích là 1.080 m2, nuôi 2 cặp bò và trồng thanh long, ổi. Mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập từ 110 – 140 triệu đồng; chị Phạm Thị Tươi, xã Lê Hồng mở xưởng in đồng phục với diện tích 600 m2, tạo điều kiện thường xuyên cho 20 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân hàng tháng từ 6 -12 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, trừ chi phí, thu nhập của gia đình từ 800 - 900 triệu đồng; c ơ sở sản xuất gia công áo mưa của chị Nguyễn Thị Mơ thường xuyên tạo việc làm cho từ 25-30 chị em phụ nữ trên địa bàn.. .

Có thể khẳng định, bên cạnh sự nỗ lực, năng động, nhạy bén, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của mỗi chị em, vai trò của tổ chức Hội Phụ nữ các cấp huyệnThanh Miện trong việc đồng hành, hỗ trợ chị em phát triển kinh tế là vô cùng quan trọng. Những đóng góp của các chị em hội viên phụ nữ trong phát triển kinh tế đã góp phần   không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội, an ninh quốc phòng của huyện. Thời gian tới, Hội LHPN huyện xác định sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ các chị em vay các nguồn vốn, tổ chức tập huấn, tư vấn kiến thức, giúp hội viên mở rộng các mô hình sản xuất  kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, không ngừng nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức Hội, thực sự là điểm tựa vững chắc giúp hội viên phụ nữ trong huyện vươn lên làm giàu chính đáng.

Nguyễn Thị Quyên - Ban Dân vận Tỉnh ủy

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: